Cảnh giác trước luận điệu “tuyên truyền đen”, bôi nhọ, chống phá lực lượng CAND
Cập nhật ngày: 21-11-2023
Trên thế giới có 4 nước Việt Nam, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, CHDCND Lào dùng tên “Công an nhân dân” đặt cho lực lượng Công an của nước mình. Như chính tên gọi, lực lượng CAND Việt Nam được sinh ra từ dân, do dân và hoạt động vì nhân dân. Bảo vệ chế độ, Nhà nước và nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lực lượng Công an.
Trải qua hơn 78 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng CAND được tôi luyện và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Lực lượng CAND luôn đóng vai trò là “thanh bảo kiếm”, là “lá chắn thép” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hàng vạn chiến sĩ CAND đã không quản ngại ngày đêm giữ vững an ninh trật tự, góp phần đem lại bình yên cho đất nước, cho nhân dân.
Để có được sự bình yên, an ninh chính trị được ổn định, tội phạm được kiềm chế chính là nhờ công sức của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND cùng sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân. Phía sau sự bình yên đó là máu của biết bao chiến sĩ công an đã đổ xuống trong thời chiến lẫn thời bình.
Theo thống kê, từ năm 1975 đến nay, lực lượng CAND có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh; hơn 2.000 đồng chí bị thương khi thi hành nhiệm vụ. Giai đoạn 2017 - 2022, Nhà nước đã cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 40 liệt sĩ, cấp giấy chứng nhận thương binh đối với 182 đồng chí và giấy chứng nhận bệnh binh đối với 12 đồng chí. Với mô hình tổ chức hiện nay là tinh, gọn, mạnh, hướng về cơ sở, CAND gần dân, sát dân, luôn cùng với nhân dân để đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự.
Thế nhưng, lực lượng CAND lại trở thành mục tiêu mà các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá.
Những hành vi này không chỉ nhằm phủ nhận công lao của các cán bộ, chiến sĩ Công an mà còn làm xấu đi hình ảnh, uy tín lực lượng CAND, tạo cớ chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong điều kiện Internet, mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, các thế lực thù địch tập trung tuyên truyền chống phá Việt Nam, chống phá lực lượng CAND trên các lĩnh vực: Tuyên truyền đòi phi chính trị hóa CAND nhằm tách lực lượng Công an khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam; lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để vu cáo Công an là công cụ để thanh trừng, đấu đá trong Đảng; lợi dụng việc một số cán bộ, chiến sĩ sai phạm để nói xấu, bôi đen lực lượng CAND; cắt ghép hình ảnh, đưa ra các luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự CAND; lợi dụng việc lực lượng CAND giải quyết các vụ gây rối an ninh, trật tự, xử lý các hành vi như dỡ nhà xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, lòng, hè đường... để tuyên truyên, vu cáo CAND “đàn áp nhân dân”... Các thủ đoạn tuyên truyền này trong khoa học an ninh phi truyền thống gọi là “tuyên truyền đen”.
Thực tế thời gian gần đây, mỗi khi ngành Công an phát hiện, xử lý kỷ luật những cán bộ, chiến sĩ thoái hóa, biến chất, có sai phạm về đạo đức, tác phong nghề nghiệp, vi phạm quy định của ngành và của pháp luật hiện hành thì các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội lại ra sức chống phá. Họ lợi dụng những bức xúc của dư luận xã hội, kết hợp “ngụy tạo chứng cứ” nhằm tạo ra làn sóng tiêu cực hướng tới công kích, bôi nhọ ngành Công an. Vụ 3 cựu chiến sĩ Công an bị khởi tố vì bắn trộm dê của người dân tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào tháng 6 năm nay là một ví dụ. Sau khi xác định đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng về lối sống, tư cách, vi phạm pháp luật hình sự, Công an thành phố Hà Nội đã tước quân tịch những chiến sĩ vi phạm và khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đây là quyết định thể hiện sự nghiêm minh, quyết liệt, quyết tâm của lực lượng Công an trong đấu tranh với hành vi vi phạm, không có vùng cấm. Thế nhưng, trên các trang mạng xã hội, một số đối tượng lại nhân cơ hội này để thổi phồng. Chỉ từ sự việc của các cá nhân như vậy, các nhà dân chủ giả hiệu đã quy hiện tượng thành bản chất, cho rằng những sai phạm của cá nhân là “phần nổi của tảng băng chìm”, từ đó kích động tâm lý hiềm khích, gây ấn tượng xấu về lực lượng CAND. Chưa hết, nhiều đối tượng còn dùng những hình ảnh cắt ghép ghi lại cảnh các cán bộ, chiến sĩ đang xử lý các đối tượng chống đối người thi hành công vụ rồi lập luận xảo trá rằng lực lượng Công an đang “đàn áp dân”… Các đối tượng đã dùng “miệng lưỡi diều hâu” để tìm cách phủ nhận những công lao của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ CAND đã không quản khó khăn, hiểm nguy, ngày đêm đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, cố tình quy hiện tượng thành bản chất, thổi phồng vụ việc sai phạm của cá nhân để hạ uy tín cả lực lượng.
Với thủ đoạn quy hiện tượng thành bản chất nói trên, các đối tượng xấu đã trực tiếp xâm hại tới danh dự, uy tín lực lượng CAND. Đồng thời nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết, tách rời, chia rẽ CAND với nhân dân, làm cho quần chúng nhân dân có cái nhìn tiêu cực, ác cảm. Từ đó làm hạn chế sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân với lực lượng Công an và kích động chống đối.
Hiện nay, hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều nhìn nhận rõ vai trò của lực lượng CAND trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, giữ gìn sự bình yên cho đất nước, cho nhân dân. Từ đó, chúng ta nhìn nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn của những kẻ cố tình xuyên tạc, bôi xấu lực lượng CAND. Tuy nhiên, không tránh khỏi việc có những người nhẹ dạ cả tin, thiếu bản lĩnh, không phân biệt được đúng sai, bị kích động lôi kéo.
Để phát triển bền vững, cần ngăn chặn hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các hành vi chống phá, bôi nhọ lực lượng CAND. Trong điều kiện Internet và mạng xã hội bùng nổ, nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các thông tin xấu độc nói trên, tác hại sẽ khó lường vì sẽ lan truyền rất nhanh trên không gian mạng. Vì vậy các cơ quan chức năng cần tăng cường phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh thông tin, an ninh mạng; phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm pháp luật và phạm tội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ lực lượng CAND.
Việc xử lý các hành vi tuyên truyền xuyên tạc, bôi xấu Đảng, Nhà nước, lực lượng CAND cần được tiến hành trên nhiều phương diện. Trước hết, cơ quan chức năng cần yêu cầu các nhà mạng nước ngoài xóa bỏ thông tin xấu độc và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mạng trên lãnh thổ Việt Nam, tôn trọng chủ quyền không gian mạng Việt Nam. Đối với các cá nhân, tổ chức đưa ra và tuyên truyền các thông tin xấu độc cần xử phạt về hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Các vụ việc nghiêm trọng cần đưa xét xử điểm để răn đe, phòng ngừa.
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại, nền công nghiệp 4.0 ngày càng tập trung vào công nghệ số với sự trợ giúp mạnh mẽ từ internet thì các thế lực thù địch sẽ tiếp tục lợi dụng mạng xã hội để tung nhiều thông tin xấu, độc, vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ lực lượng CAND, tác động đến cộng đồng. Chúng ta khẳng định rằng, các thế lực thù địch, phản động dù có tinh vi đến đâu, thủ đoạn thế nào thì bản chất vẫn không thay đổi, cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Mục đích của họ là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ XHCN, chia rẽ, tách CAND nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung ra khỏi khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là các em học sinh, sinh viên cần tỉnh táo, nhận rõ phải – trái, đúng - sai. Cổ nhân có câu “nhân vô thập toàn”, chẳng ai mười phần toàn vẹn cả mười. Công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đi lên CNXH không thể tránh khỏi những thiếu sót, vấp váp, nhất là trong công tác lãnh đạo, quản lý. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hoạt động của Công an luôn tiếp xúc với các mặt trái của xã hội. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, chiến sĩ CAND cũng sẽ không tránh khỏi việc có những người mắc phải khuyết điểm, thiết sót, sai lầm. Để hạn chế điều đó, Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an đã có những “hàng rào” quy định, luật pháp với những chế tài cụ thể để quản lý, giáo dục, răn đe, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, cán bộ CAND vi phạm. Vì vậy, bản thân mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, hơn bao giờ hết cần nâng cao nhận thức chính trị và ý thức cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, vu khống và tiếp nhận có chọn lọc các nguồn thông tin trên internet, mạng xã hội để không bị mắc mưu kẻ địch mà “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự biến mình thành công cụ lợi dụng của kẻ thù. Để phòng, tránh thông tin giả, tin sai sự thật, trong đó có các thông tin giả, thông tin sai sự thật về lực lượng CAND cần áp dụng quy tắc 5K, đó là “Không tin ngay, không vội nhấn nút thích, không thêm thắt, không kích động, không vội chia sẻ”.
Đấu tranh với các thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc về lực lượng CAND, về lực lượng vũ trang cách mạng là vấn đề thời sự hiện nay. Về mặt “xây” bên trong, lực lượng CAND kiên quyết đấu tranh với những tiêu cực, sai phạm trong nội bộ; xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ CAND có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm pháp với quan điểm không có vùng cấm, bất kể người đó đang nắm giữ chức vụ gì. Bên cạnh đó, tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, để cán bộ, chiến sĩ Công an thực sự là “công bộc của dân”, do dân và vì dân. Trong xây dựng lực lượng CAND, ngoài lòng trung thành với Đảng, với chế độ, với nhà nước, phải tăng cường văn hóa ứng xử của lực lượng CAND trước xã hội, để trong mắt người dân, Công an phải là những hình mẫu tốt, đại diện cho chính quyền. Công an các đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt “diễn đàn nhân dân góp ý cho lực lượng Công an” mà lãnh đạo Bộ Công an đang chỉ đạo. Diễn đàn cần được tiến hành thường xuyên, đặc biệt Công an cơ sở nghe nhân dân góp ý, những ưu điểm thì phát huy, mặt chưa được thì phải sửa chữa. Những mô hình tốt cần được nhân rộng, phát huy như Công an tỉnh Lạng Sơn với phong trào “Nụ cười chiến sĩ Công an Lạng Sơn”, quy định tất cả cán bộ chiến sĩ Công an khi tiếp dân phải có nụ cười vui vẻ, thái độ tốt; Công an tỉnh Nam Định có phong trào “Tiếp dân như tiếp khách quý” tại các cơ quan, trụ sở của Công an… Các hoạt động đó của ngành Công an cũng là cách thức gián tiếp để kẻ địch không có cớ thực hiện những hành vi bôi xấu, kích động.
Bên cạnh đó, mỗi một cán bộ, chiến sỹ CAND cần không ngừng phấn đấu, học tập, tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống hào hùng, cách mạng vẻ vang của lực lượng; xứng đáng với 6 điều Bác Hồ dạy CAND, xứng đáng với lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.