Lại nhạo báng giá trị nhân quyền bằng thủ đoạn rêu rao “giải thưởng”
Cập nhật ngày: 13-11-2023
 
Hôm 1/11/2023, trang web của tổ chức khủng bố Việt Tân lại diễn trò “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” với những “thông báo mới”. Thông tin trên trang web này nói rằng, “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” năm 2023 sẽ được tổ chức tại Paris, Pháp với chủ đề “75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền – tự do, bình đẳng, công lý cho Việt Nam”!
 

Bằng những thông tin bị bóp méo, tổ chức Việt Tân quy kết rằng, từ đầu năm 2023, Việt Nam chính thức là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, “thế nhưng tình trạng nhân quyền trong nước vẫn bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới đánh giá là ngày càng tồi tệ”! Bài viết trên trang này vu cáo Việt Nam “tiếp tục tăng cường đàn áp, bắt giam các nhà báo độc lập, các nhà hoạt động nhân quyền, các lãnh đạo xã hội dân sự và những người sử dụng mạng xã hội bình thường với các điều luật mơ hồ và những phiên tòa bỏ túi”.

Bài viết đưa ra những viện dẫn sai trái khi quy kết rằng, “gần đây nhất, Hà Nội đã gán tội trốn thuế cho những nhà bảo vệ môi trường hàng đầu ở Việt Nam nhằm ngăn cản sự hoạt động của các tổ chức dân sự bảo vệ môi trường đang được nhiều sự hỗ trợ trong cũng như ngoài nước”! Bằng việc nêu ra chủ đề “75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền – tự do, bình đẳng, công lý cho Việt Nam”, Việt Tân thể hiện sự bịp bợm khi rêu rao việc trao giải thưởng nhân quyền là “đề cao sự hy sinh can đảm của các nhà hoạt động, ngay cả khi ở trong tù, vẫn miệt mài tranh đấu để đòi tự do, bình đẳng và công lý cho dân tộc Việt Nam”.

Thủ đoạn không gì khác là đánh lận bản chất, đưa ra những lời loè bịp dư luận dưới danh nghĩa “ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền”, đồng thời lộ rõ ý đồ trục lợi, kiếm tiền khi kêu gọi sự tham gia tài trợ của các tổ chức, cá nhân. 

Việc lừa bịp dư luận bằng cái từ mỹ miều “giải thưởng nhân quyền” vốn là thủ đoạn quen thuộc của các tổ chức chống phá đất nước. Nó khôi hài ngay từ việc lấy tên giải thưởng, ở đây là Lê Đình Lượng – một đối tượng phạm tội bị TAND cấp cao y án 20 năm tù hồi tháng 10/2018 về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Những năm trước, Việt Tân cũng rêu rao “giải thưởng” này và lập ra cả “hội đồng” để chấm và trao giải, với những cái tên vừa nghe đã biết chân tướng, gồm: Lê Công Định, dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal, Phạm Minh Hoàng...

Tiêu chí được rêu rao là “tuyển chọn dựa theo 2 tiêu chuẩn: quá trình tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam và một số hoạt động hay thành quả nổi bật” song kỳ thực, những đối tượng này làm điều phản dân, hại nước, bị chính người dân địa phương tẩy chay. Việt Tân cũng chốt bằng câu rất khôi hài: “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng sẽ là một nỗ lực đóng góp cụ thể vào công cuộc tranh đấu cho nhân quyền và tự do của dân tộc Việt Nam”!

Với “hội đồng” và tiêu chí như trên, dễ hình dung số này sẽ trao giải thưởng cho ai. Và kết quả những lần “trao giải” trước đây cho thấy, trò hề tiếp tục diễn ra khi những “nhà hoạt động nhân quyền” như Hoàng Đức Bình, Trần Thị Nga, Phạm Đoan Trang được xướng tên. Bình chính là đối tượng phạm tội, bị toà phúc thẩm tuyên y án 7 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và 7 năm tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Theo HĐXX, Hoàng Đức Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng. Lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung, với tư cách Phó Chủ tịch “Phong trào Lao động Việt”, Hoàng Đức Bình đã xúc tiến, thành lập “Hiệp hội ngư dân miền Trung” với ý đồ tạo dựng tổ chức ngoại vi, tập hợp lực lượng, lôi kéo giáo dân, ngư dân miền Trung tham gia vào tổ chức, tìm chọn “hạt nhân” kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự…

Một đối tượng như Bình gây sách nhiễu, phá hoại chính sách phát triển kinh tế và gây mất ổn định trật tự tại địa phương, hành vi đó làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân, xâm phạm đến các quyền mà người dân được hưởng, nay lại được Việt Tân dựng lên trao thưởng vì “có thành tích trong đấu tranh cho nhân quyền” thì đủ hiểu tiêu chí đó là gì. Hồ sơ phạm tội của Bình lại được viết rất màu mè là “một nhà hoạt động tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường, giúp dân khiếu kiện Formosa”.

Tương tự, Trần Thị Nga, đối tượng bị TAND tỉnh Hà Nam tuyên phạt 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” thì được vôi ve thành “bà vẫn tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, phản đối Formosa xả thải hủy diệt môi trường”. Còn Phạm Đoan Trang – đối tượng có các bài viết, cuốn sách sai trái, đi ngược lợi ích đất nước, nhân dân thì được tô màu “là một những người phát động chiến dịch bảo vệ cây xanh Hà Nội”, có lý lịch “đã tổ chức các lớp đào tạo về báo chí, chính trị học, chính sách công quyền cho các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam” và “tham gia chiến dịch “cứu dân cứu biển” sau tai họa môi trường ở miền Trung”…  

Lâu nay, Việt Tân và các tổ chức, hội nhóm phản động vẫn bấu víu “giải thưởng nhân quyền”, lập ra vô số tên gọi khác nhau mà không hiểu rằng, trò hề đó chính là sự xúc phạm nghiêm trọng đến giá trị nhân quyền. Có thể kể tới các giải thưởng mà các tổ chức này đưa ra như: “giải thưởng Hellman/Hammet” của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), “giải thưởng Stephanus” của Hiệp hội quốc tế nhân quyền tại Ðức; “giải thưởng quốc tế Gruber” của Nghiệp đoàn luật sư quốc tế, rồi “giải nhân quyền Gwangju”...

Bên cạnh đó, một số giải thưởng và danh hiệu như “Công dân mạng” của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF); “Phụ nữ tiêu biểu về bảo vệ quyền tự do ngôn luận” của tổ chức Tự do ngôn luận quốc tế (IFEX) có trụ sở tại Canada; giải “Phụ nữ can đảm nhất thế giới” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ... Ngoài ra, hội nhóm lập ra “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” tại Mỹ còn công bố trao giải thưởng “nhân quyền Việt Nam” cho những đối tượng như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Quốc Quân…

Vậy, mưu đồ của “giải thưởng nhân quyền” trên là gì? Với  những đối tượng càng chống phá Nhà nước, chống phá nhân dân Việt Nam thì lại càng được “lên bục nhận thưởng” với “hội đồng giám khảo” là những thành phần bất hảo như vậy thì động cơ, mưu đồ này không khó để nhận biết. Thông qua giải thưởng, các tổ chức này vừa tạo dư luận, vừa giúp đỡ về vật chất cho các đối tượng chống phá trong nước, đồng thời tạo cớ để khuếch trương thanh thế, từ đó để nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức đứng sau.

Hãy điểm danh những đối tượng lên bục nhận thưởng trước đây như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải (blogger “Ðiếu cày"), Phan Thanh Hải (blogger "Anh ba Sài Gòn"), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Đức Bình, Trần Thị Nga, Phạm Đoan Trang... thì thấy rõ bản chất. Rõ ràng, việc cổ suý, trao giải cho những đối tượng chống Nhà nước, chống nhân dân chính là một chiêu bài bịp bợm của những tổ chức thù địch với Việt Nam. Họ cố gắng tô vẽ cho các đối tượng này qua các danh hão như “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền”, “tù nhân lương tâm”, “công dân yêu nước”... nhưng họ không thể che đậy được ý đồ chống phá Ðảng, Nhà nước,  nhân dân Việt Nam, đây là hành vi vừa lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền để tiến hành hoạt động nhằm gây bất ổn chính trị ở trong nước.

Xét đến cùng thì việc trao các loại “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng đã đề cập ở trên chính là một thủ đoạn, một yếu tố cấu thành của kịch bản trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Điều đáng nói là những đối tượng được xướng tên như vậy không biết đấy là điều hổ thẹn, vẫn tỏ ý đắc chí, như thể làm được công lao gì ghê gớm lắm. Phản dân, hại nước, thực sự thì những người nhận giải thưởng đó có khác gì con rối, trò chơi, bị người khác dùng làm trò tiêu khiển mà không ý thức được.

Giải thưởng nhân quyền nếu hiểu và làm đúng nghĩa vốn rất thiêng liêng, vì mục đích cao cả, dành cho những người có đóng góp lớn vì sự tiến bộ trong bảo đảm quyền con người ở các quốc gia, vùng, lãnh thổ hay ở phạm vi khu vực và thế giới. Thế nhưng, điều kỳ quặc là lâu nay, một số tổ chức nhân danh “bảo vệ quyền con người” lại làm điều vừa trái đạo lý, vừa trái pháp lý khi dựng lên cái gọi là “giải thưởng nhân quyền” để trao cho những kẻ phá hoại xã hội, phá hoại cuộc sống của người dân ở các nước mà kẻ đó sinh ra hoặc đang sinh sống, trú ngụ.

Việc giở trò trao giải thưởng cho các đối tượng phạm pháp như vậy, lại vin cớ “hoạt động thiết thực” kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền là sự xúc phạm đến giá trị của Tuyên ngôn, đến lương tri nhân loại. Một Tuyên ngôn ra đời và ảnh hưởng tới nhân loại như vậy mà họ lại đưa ra làm trò đùa giỡn, một Tuyên ngôn có được với bao nỗ lực của các bậc tiền nhân cũng như sự hy sinh xương máu của con người, ở đâu cũng phải tôn trọng, phải gìn giữ, bảo vệ, làm sao có thể chà đạp để thực hiện ý đồ, động cơ thấp hèn? 

Nguồn: cand.com.vn