Giá đắt cho việc lầm đường lạc lối (Bài 2)
Cập nhật ngày: 20-10-2023
 
Với những lời lẽ mĩ miều, như mật ngọt bên tai, lợi dụng sự hiểu biết còn nhiều hạn chế và sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận đồng bào Mông, các đối tượng đã vẽ ra một “bức tranh tiên cảnh” về một cuộc sống “không làm cũng có ăn”, “bông lúa to như đuôi trâu”… và rất nhiều thứ viển vông khác. Từ là những người dân thật thà chất phác, do bị dụ dỗ, lôi kéo rồi kết quả phải trả giá đắt cho hành động của mình.
 

Sơn La có diện tích hơn 14.000km2, cùng 274km đường biên giáp nước CHDCND Lào, đồng bào Mông sinh sống rải rác ở khắp các bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ở Sơn La. Các đối tượng đã lợi dụng địa hình rộng và địa bàn cư trú phức tạp, tiến hành truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập các tổ chức phản động. Đặc biệt các đối tượng này còn lợi dụng đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở nhiều địa bàn còn khó khăn, tuyên truyền, xuyên tạc các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tất cả những hoạt động dưới cái gọi là “Nhà nước Mông” đều có bàn tay đạo diễn từ các thế lực thù địch ở nước ngoài.

anh 1.jpg -0
Một số đối tượng trong Chuyên án P915 trước vành móng ngựa.

Qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Sơn La phát hiện một số người dân tộc Mông ở xã Suối Tọ, huyện Phù Yên và xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La gửi cho nhau xem qua điện thoại một số video clip có hình ảnh kèm tiếng động, ngôn ngữ Mông về cái gọi là “Nhà nước Mông”. Một số đối tượng ở các huyện Sông Mã, Sốp Cộp còn tuyên truyền người dân cắm lá xanh, dựng bàn thờ mới không giống bàn thờ truyền thống của người Mông, may cờ, trang phục tuyên truyền lôi kéo người dân vượt biên giới sang Lào để tham gia quân đội Mông với mưu đồ thành lập “Nhà nước Mông”.

Ngoài ra, các đối tượng xấu còn lợi dụng vào đặc điểm đồng bào Mông luôn đề cao tính thân tộc, dòng họ, gắn kết cộng đồng. Bản chất của đồng bào là tốt bụng, chất phác, thật thà, suy nghĩ đơn giản, dễ tin... Với đồng bào, việc mang cùng họ nghĩa là anh em và họ sẵn sàng tin và giúp người cùng họ, cùng dân tộc ngay cả khi mới gặp lần đầu. Vì thế, các đối tượng luôn tận dụng triệt để điều này để xuyên tạc, kích động, lôi kéo đồng bào cho những âm mưu, ý đồ chống phá.

Để thực hiện triệt để luận điệu này, các đối tượng tung ra những thông tin mang tính chất hoang đường, lợi dụng việc mê tín dị đoan của một số người như “sắp có họa lớn”, “sắp đến ngày tận thế”... để lừa phỉnh, lôi kéo, làm cho đồng bào vừa hoang mang, lo sợ, vừa hy vọng vào sự xuất hiện của một vị cứu tinh nào đó để giúp đồng bào Mông trên khắp các bản làng thoát kiếp nghèo khó, nhưng không cần phải làm lụng vất vả.

Để tập trung đấu tranh, giải quyết ổn định tình hình ANCT trên địa bàn tỉnh, Ban thường vụ Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và phản động tác động vào địa bàn; chủ động xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án nhằm tập trung đấu tranh, bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông” trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tăng cường công tác chuyển hóa địa bàn, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở tại các địa bàn trọng điểm phức tạp bị tác động, ảnh hưởng của luận điệu tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”, trong đó quan tâm tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề bức xúc nổi lên trong nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, pháp luật, vận động nhân dân ổn định cuộc sống, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu.

Sau một thời gian dài, nhờ tập trung chỉ đạo đấu tranh quyết liệt, công tác đấu tranh với hoạt động lập “Nhà nước Mông” trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được kết quả tích cực; đến nay tình hình hoạt động lập “Nhà nước Mông” trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, ổn định; hệ thống chính trị ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn; các địa bàn bị tác động, ảnh hưởng hoạt động lập “Nhà nước Mông” đã được chuyển hóa, thu hẹp và dần ổn định; một số đối tượng liên quan được phát hiện kịp thời, đấu tranh, bóc gỡ, vô hiệu hóa đưa vào diện quản lý, giáo dục, giúp đỡ làm chuyển biến về tư tưởng, cam kết từ bỏ hoạt động, không tái phạm.

Kết quả đấu tranh Chuyên án P915, Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố một vụ án hình sự, khởi tố bị can (19 bị can) về tội “Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”; truy tố, xử lý trước pháp luật 13 bị can (11 bị can ở tỉnh Sơn La; 2 bị can ở tỉnh Lai Châu) với các mức án từ 4 - 9 năm tù giam; truy nã 6 đối tượng. Đấu tranh Chuyên án M519, Công an tỉnh Sơn La đã phát hiện, khai thác, bóc gỡ 11/11 đối tượng, thu nhiều vật dụng liên quan hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông” tại địa bàn huyện Sông Mã, Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Qua đấu tranh đã cơ bản làm rõ về âm mưu, ý đồ hoạt động, cơ cấu tổ chức, vị trí, vai trò của từng đối tượng, nhóm đối tượng trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, phá rã âm mưu, ý đồ hoạt động lập “Nhà nước Mông” hình thành tổ chức, hội, nhóm hoạt động chống đối phức tạp của đối tượng, nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh Sơn La. 

Tại cơ quan Công an, đối tượng Mùa A Kỷ khai, sau khi đi theo tiếng gọi của cái gọi là “Nhà nước Mông” mới vỡ lẽ giấc mộng đổi đời. Kỷ cho biết: “Vì tôi ở vùng sâu, vùng xa nên chưa hiểu biết pháp luật, đi theo các đối tượng bảo là có một “Nhà nước Mông” không làm cũng có ăn, tôi theo chúng sang tận bên Lào mới vỡ lẽ ra là không có “Nhà nước Mông” nào cả…”. Cũng như Mùa A Kỷ, Vàng A Gâu cũng do thiếu hiểu biết nên đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, đến khi bị cơ quan chức năng bắt giữ mới vỡ lẽ “Tôi đã nhận ra cái sai của mình, tôi sẽ cố gắng cải tạo tốt, để mong ngày trở về địa phương và tuyên truyền cho bà con nhân dân rằng không có cái gọi là “Nhà nước Mông nào cả” – Gâu nói.

Nguồn: cand.com.vn