Cần cảnh giác những biến tấu của hội, nhóm “yêu đồ lính”
Cập nhật ngày: 8-05-2023
 
Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng, bôi lem bản chất, hình ảnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Một trong những thủ đoạn mới của chúng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là sử dụng không gian mạng tuyên truyền lối sống, văn hóa, khôi phục tàn dư của chế độ Việt Nam Cộng hoà trước đây; đồng thời đánh tráo khái niệm, bôi lem, bóp méo hình ảnh người lính lực lượng vũ trang nhân dân.
 

Hoạt động bất thường các hội, nhóm “yêu đồ lính”

Mấy năm gần đây, trên không gian mạng, các kênh You tube, Facebook… xuất hiện tràn lan những hội nhóm “yêu đồ lính”, “yêu đồ lính Việt Nam Cộng hòa” và ai cũng có thể dễ dàng gia nhập các group như “hội yêu đồ lính”, “hội yêu đồ lính thành phố Phúc Yên”, “yêu đồ lính Thành Nam”, “anh em yêu đồ lính Thủ đô”, “đồ lính Mỹ”, “hội đam mê đồ lính Hải Dương”, “chơi đồ lính xứ Lạng”, “phong cách lính miền Trung”… Các hội, nhóm này ngày càng phát triển rộng trên các tỉnh, thành từ Bắc tới Nam, mỗi hội, nhóm có số lượng thành viên lên tới hàng trăm người.

Sự việc sẽ là bình thường, thậm chí rất tốt nếu như “yêu đồ lính” đó là “màu xanh áo lính”, gắn với hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội) nhân dân Việt Nam. Người lính Cụ Hồ vốn được Đảng, Bác Hồ khai sinh ra, giáo dục, rèn luyện; là cánh tay phải, kề vai sát cánh dưới cờ Đảng; đồng hành cùng vận mệnh dân tộc, đất nước qua các thời kỳ lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập tự do cho Tổ quốc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và bảo vệ đất nước yên bình, phát triển như hôm nay.

Sẽ là bình thường, bởi kể từ khi ra đời, ngày 22/12/1944 đối với lực lượng Quân đội nhân dân và ngày 19/8/1945 đối với lực lượng Công an nhân dân thì hình ảnh người lính chẳng tiếc tuổi xuân, máu xương, chiến đấu quên mình, hy sinh bản thân cho từng tấc đất, con sông, bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Sẽ là bình thường bởi hình ảnh người lính Cụ Hồ in đậm trong trang sách, lời ca, đi vào tiềm thức, tâm tư, tình cảm, lắng đọng trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam và lan tỏa đến bạn bè quốc tế.

Nhưng điều đáng nói ở đây, sự xuất hiện thông tin, hình ảnh, hoạt động của những hội, nhóm “yêu đồ lính” trên không gian mạng và hoạt động ngoài đời không bình thường mà đầy những bất thường, tiềm ẩn những vấn đề về an ninh xã hội, văn hoá dân tộc. Điều bất thường ở chỗ những hình ảnh đại diện của các tài khoản Youtube, Facebook hoặc những tài khoản rao bán trang phục nhân danh “yêu đồ lính” trên mạng tràn lan hình ảnh trang phục đủ loại, thậm chí cả cái kim tây dùng cài chốt lựu đạn của quân đội Mỹ ở miền Nam… cho thấy rõ “yêu đồ lính” ở đây là lính Mỹ, lính của chế độ Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975.

Điều bất thường ở chỗ, những hội, nhóm này không chỉ hiện hữu trên không gian mạng mà nảy nở ở hiện thực ngoài đời, trên nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Rồi những người này liên tục có các hoạt động mang tính chất phô trương thanh thế như mặc các đồ người lính Việt Nam Cộng hoà, rồng rắn từng đoàn đi các loại xe mô tô phân khối lớn hoặc xe ôtô Zeep cũ diễu hành trên các đường phố như muốn “diễu võ giương oai” với thiên hạ. Họ tranh thủ tìm mọi cách xâm nhập vào các sự kiện, các hoạt động văn hóa, những nơi nhộn nhịp, có sự hiện diện của nhiều thành phần.

Chúng ta còn nhớ, ngày 11/3/2023, dư luận xã hội rất bức xúc khi nhóm người này “giễu võ giương oai” trong Lễ hội Áo dài hoa cúc biển Cửa Lò 2023. Điều bất thường, thậm chí mang tính xúc phạm đối với những vong linh anh hùng, liệt sĩ, những người lính Cụ Hồ năm xưa đã đổ bao xương máu, hy sinh bản thân mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc khi những người này nghênh ngang cả đoàn dài, lố nhố trên xe Zeep với những khuôn mặt bặm trợn, trang phục của quân lính Mỹ, chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 - sắc phục của những thế lực đã thả bom, đạn, lấy đi xương máu, cướp đi sinh mạng khiến đồng bào, chiến sĩ ta vĩnh viễn nằm sâu trong lòng đất mẹ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam của nhân dân Việt Nam kết thúc cách đây đã gần 50 năm, những tàn dư sắc phục, đồ dùng của lính Mỹ hay quân đội Sài Gòn thời đó, nếu ngày nay có còn thì cũng đã mục rách, rỉ sét và cũng chỉ còn số lượng rất ít. Vậy lấy đâu ra số lượng lớn, với nhiều đồ mới để cung cấp cho những hội, nhóm này? Qua các thông tin trên báo chí cho thấy, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ nhiều vụ nhập lậu các lô hàng trang phục có màu sắc, thiết kế giống với trang phục của quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hoà trước đây. Như vậy, hình ảnh quân, trang phục của hội nhân danh “yêu đồ lính” trên mạng xã hội và ở ngoài đời là có sự tiếp tay, hậu thuẫn từ bên ngoài.

Cần cảnh giác những biến tấu của hội, nhóm “yêu đồ lính” -0

Bức xúc hình ảnh hội, nhóm nhân danh “yêu đồ lính” trong khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ

Đó là sự kiện mang tính “phô trương thanh thế” khi những người này nghênh ngang trang phục lính Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ vào các nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang hay địa danh liên quan những thương vong lớn của ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Khe Sanh, Thành Cổ (Quảng Trị)…  Thậm chí ngày 15/4/2021, ở đường Võ Thị Sáu, Kp7, phường Thống Nhất, Biên Hòa, Đồng Nai có hẳn một quán cà phê mang danh ARMY nhưng bài trí toàn đồ dùng của lính chính quyền Sài Gòn trước đây. Nhân viên phục vụ quán mặc nguyên quân phục của “lực lượng Bình định nông thôn” trước năm 1975 đã rình rang khai trương, ngay sau đó lực lượng liên ngành địa phương đã kiểm tra, yêu cầu sửa chữa, trang trí lại.

Gần đây nữa là hình ảnh đoàn xe Zeep của hội nhóm “yêu đồ lính” đã rầm rộ đi thẳng vào Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915 Bắc Thái. Khu tưởng niệm Đại đội 915 Bắc Thái ở phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên là nơi lưu dấu ấn đậm nét về phẩm chất anh hùng cách mạng tiêu biểu của đất và người Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cách đây 51 năm, đêm Noel năm 1972, một khúc tráng ca đã cất lên và trở thành bất tử trên bầu trời, mặt đất và vào tận thẳm sâu khí chất, tâm hồn con người Thái Nguyên. Trận bom đó khiến 60 cán bộ, đội viên TNXP Đại đội 915 Bắc Thái hy sinh, 8 người khác bị thương.

Cũng trong thời khắc lịch sử đầy bi thương ấy, hình ảnh những CBCS CAND tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Nguyễn Văn Thuần, Phó Ty Công an dẫn đầu trong bộ cảnh phục, trên đầu đội chiếc mũ cứng, trên vai khoác chiếc sắc cốt và hình ảnh CBCS Cảnh sát PCCC mặc áo bạt, đội mũ đồng, đi đôi ủng đen quên mình, lăn xả vào đám cháy, bới đống đổ nát, cứu người, cứu hỏa, cứu tài sản đã in đậm trong lòng đất và người Thái Nguyên dấu ấn không thể phai mờ. Sự hy sinh của 60 TNXP vì bom Mỹ đêm Noel năm 1972 đã thành bản anh hùng ca - khúc tráng ca bất tử và ngày nay để tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh của 60 TNXP Đại đội 915 Bắc Thái, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên đã xây dựng tại đây Khu tưởng niệm.

Ấy thế mà, những người nhân danh “yêu đồ lính” lại ngang nhiên mặc nguyên những trang phục, sử dụng phương tiện của đội quân trực tiếp thả những quả bom tàn sát tập thể, gây ra sự hy sinh của 60 TNXP để rầm rộ “ra oai” tại khu tưởng niệm. Cũng có ý kiến cho rằng, trong thời buổi hội nhập, phát triển đất nước như hôm nay, phải xóa bỏ hận thù để cùng là bạn, cùng phát triển thì việc những cựu binh Mỹ đã từng gây ra thương vong cho đất nước Việt Nam như Thượng nghị sĩ John McCain sau này là bạn với Việt Nam hoặc những cựu sĩ quan chính quyền Sài Gòn trước đây như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Lập đều được chính quyền và nhân dân Việt Nam mở lòng đón họ trở về và họ cũng đã có hành động tích cực, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Những người này cũng đã đến thăm những khu tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, được tổ chức ra thăm quần đảo Trường Sa…, vậy tại sao lại phê phán những người nhân danh “yêu đồ lính” đến viếng khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ?

Vấn đề ở đây là, những người thực sự thiện chí với hòa hiếu, hoà hợp, đoàn kết dân tộc, trong quá khứ họ từng thực chiến chống lại nhân dân ta thì ngày nay họ đến thăm viếng những khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ bằng tấm lòng thành, với quan điểm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” thì đó là điều đáng được ghi nhận và nhân dân ta tạo điều kiện để họ làm điều đó, vì tinh thần hoà hiếu, hoà giải. Và trên quan điểm văn hoá, họ đến viếng với trang phục thông thường, bằng sự chân thành. Còn với những trường hợp nhân danh “yêu đồ lính” thì thành phần tham gia không phải là những người lính quân đội Mỹ hay tham gia chính quyền Sài Gòn trước đây, số này đa phần sinh sau 1975 hoặc trước 1975 thì thời điểm đó cũng còn nhỏ. Nghĩa là họ không trải qua chiến tranh, không cầm súng ra chiến trường.

Khi đến viếng lại không phải đi đứng với thái độ thành kính, tri ân mà ra vào kiểu “phô trương thanh thế”, ăn mặc quân phục, đi phương tiện kiểu của lính Mỹ và quân đội Sài Gòn cũ, đeo kính đen, kèm những phát ngôn, ứng xử kiểu lố lăng, phản cảm, nhiều người thái độ bặm trợn, ra oai. Ăn mặc như thế, thái độ phản cảm như thế, rầm rộ kéo vào khu tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc rồi quay clip phát tán lên mạng, thực sự đó là hành vi lố lăng, vô văn hoá chứ không thể ngụy biện là “thăm viếng liệt sĩ”.

Chúng ta còn nhớ, trong thế chiến thứ II, người chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc Julius Fucik, tác giả cuốn “Viết dưới giá treo cổ” luôn nhắc nhở thế giới phải có trách nhiệm ngăn chặn mọi mầm mống phát xít. Với hành động của những người nhân danh “yêu đồ lính”, lời nói này vẫn còn nguyên giá trị: “Hỡi nhân loại, tôi yêu mến tất cả mọi người, nhưng hãy cảnh giác”.

Nguồn: cand.com.vn