Nghe “tiếng Mông ta”, bà con tẩy chay tổ chức Dương Văn Mình
Cập nhật ngày: 6-02-2023
Xuân này, địa bàn người Mông trên vùng cao đất Võ Nhai, Thái Nguyên đã bình yên trở lại. Tình trạng tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình từ năm 2008 gây lên bao hệ lụy trong đời sống và bất ổn tình hình ANTT, nhờ nghe “tiếng Mông ta” trên kênh Toàn dân Podcast đã bị đẩy lùi. 100% số người Mông trước đây tin theo Dương Văn Mình, giờ đã ngộ ra và cam kết không nghe, tin, theo tổ chức bất hợp pháp này…
Vùng đồng bào người Mông ở Võ Nhai, Thái Nguyên, chịu ảnh hưởng tuyên truyền của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình từ những năm 90 của thế kỷ trước và đến năm 2008 xuất hiện hoạt động của tổ chức này. Khởi đầu là từ xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung sau đó lan ra các xã Tràng Xá, Phương Giao, Thần Sa… Đến tháng 12/2010, có 37 hộ với 199 khẩu tại 4 xóm, thuộc 4 xã theo tổ chức này gây bao vấn đề phức tạp về ANTT…
Trước tình hình đó, các ban, ngành, địa phương đã bám bản tuyên truyền vận động. Nhưng số lượng cán bộ còn quá ít so với số đông đồng bào nằm rải rác, cheo leo trên địa bàn vùng cao, cùng với đó không phải cán bộ nào cũng là người Mông, hoặc biết nói tiếng Mông nên việc tuyên truyền chưa hiệu quả. Làm thế nào để đổi mới cách tuyên truyền với đồng bào?
Đó là trăn trở của những đồng chí trực tiếp “bốn cùng” với đồng bào như Trung tá Lâm Thị Nhung, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Võ Nhai. Trăn trở ấy đúng thời điểm Giám đốc Công an tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện “Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Từ đó, hình thành tư duy mới về tuyên truyền vận động của CBCS Công an huyện Võ Nhai.
Trong thực hiện “bốn cùng” với đồng bào thì thực hiện được ba “cùng” đầu tiên, đó là cùng ăn, cùng ở, cùng làm là việc làm thường xuyên với CBCS nhưng “cùng nói tiếng dân tộc” thì chưa đáp ứng được nhiều. Trong khi cơ sở hạ tầng thông tin trên địa bàn Võ Nhai khá hiện đại cho việc chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền.
Theo thống kê, có 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có đường truyền Internet cáp quang; tỷ lệ các xóm có sóng 3G, 4G đạt trên 83%, tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt trên 90%; có 54.893 thuê bao di động; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh đạt 71,74%.
Nếu xây dựng kênh tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để đồng bào nghe, hiểu được nội dung thông tin sự thật và được thuyết phục mà làm theo thì vô cùng hiệu quả. Nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung còn gặp rất nhiều khó khăn do nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Từ đó, Trung tá Lâm Thị Nhung đã cùng cộng sự xây dựng kênh “Toàn dân Podcast” phát đi bản tin mỗi tuần, nhiều số phát sóng bằng tiếng dân tộc thiểu số tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính trị, pháp luật và nâng cao cảnh giác với âm mưu, hoạt động của các các thế lực thù địch, các loại tội phạm cho người dân không chỉ ở vùng cao Võ Nhai. Chỉ cần với 1 chiếc smart phone, có mạng Internet, mỗi người dân dễ dàng tiếp cận và trở thành một tuyên truyền viên chỉ bằng việc nhấp vào nút chia sẻ đường link của mỗi số phát sóng trên kênh của Công an huyện.
Qua một năm thực hiện, kênh “Toàn dân Podcast” đã xuất bản 29 bản tin, thu hút trên 2.400 lượt nghe, tải về với các nội dung như: Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy học đường, phòng chống xâm hại trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn giao thông đường bộ, đấu tranh xóa bỏ “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”… và được phân phối trên 12 nền tảng khác nhau: Apple Podcasts, Spotify, Amazon music, Stitcher, Podcast Addict, Podchaser, Listen Notes, Player FM, RSS Feed... Hiện kênh “Toàn dân Podcast” đã được lên top Google. Người dân chỉ cần vào Google gõ “Toàn dân Podcast” sẽ được hiển thị mọi thông tin, mọi số Podcast của kênh.
Trên nền tảng công nghệ số, CBCS là người Mông đã xây dựng kịch bản, thu âm và lên kênh phát sóng các số podcast, như số #07 và số #08 “Không tin, không nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” bằng tiếng Mông nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào. Lực lượng Công an xã đã hướng dẫn đồng bào nghe tiếng người Mông ta nói trên điện thoại di động.
Có chuyện sau khi Công an xã cầm điện thoại hướng dẫn đồng bào nghe các số phát thanh bằng tiếng Mông trên kênh “Toàn dân Podcast” của Công an huyện Võ Nhai, người dân mới vỡ lẽ, vẫn là tiếng người Mông ta nói đấy, nhưng thông tin hoàn toàn trái ngược với nhóm Dương Văn Mình. Mưa dầm thấm lâu, đồng bào nghe, hiểu, tiếng người Mông ta nói trên kênh “Toàn dân Podcast”, kết hợp với những việc làm cụ thể của cán bộ chính quyền dẫn đến bà con tin tưởng, từ đó thay đổi nhận thức. Kết quả, đến cuối năm 2022, có 69 hộ, 381 khẩu ký cam kết từ bỏ, không tin, không theo “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”, giao nộp Công an thu 44 phông, dỡ 4 nhà đòn. Võ Nhai bây giờ thành địa bàn “trắng” tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Với sự năng động, sáng tạo của những cán bộ Công an trẻ được điều động bổ nhiệm về cơ sở, mà điển hình là Trung tá Lâm Thị Nhung mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số trong tuyên truyền đã tạo lên “luồng gió mới”, “sức sống mới” trong đời sống tinh thần của đồng bào, trong cái lạnh của sương rừng đá núi địa bàn vùng cao đất Võ Nhai.
Hiện, Trung tá Lâm Thị Nhung và cộng sự vẫn ngày đêm sản xuất các số tuyên truyền không chỉ bằng tiếng Kinh mà còn cả bằng tiếng dân tộc thiểu số trên kênh “Toàn dân Podcast”. Các đồng chí đã đưa “tiếng Mông ta” nói cho đồng bào nghe, hiểu, tin và cam kết không tin theo Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.