Giải thưởng nhân quyền - khi trò lố đã lộ
Cập nhật ngày: 29-12-2022
 
Cuối tháng 11 vừa qua, trên các diễn đàn mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động đưa ra nhiều bài viết, hình ảnh tung hô về “giải thưởng nhân quyền năm 2022” (được trao cho Nguyễn Tường Thụy). Đây không phải là điều gì mới mẻ mà đã thành điệp khúc, cứ dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, các thế lực thù địch, phản động lại diễn chiêu trò bình chọn, trao và tung hô “giải thưởng nhân quyền”.
 

Thực chất, cái gọi là “giải thưởng nhân quyền Việt Nam” được sử dụng như bình phông phục vụ cho ý đồ chống phá. Hằng năm, tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam lựa chọn một số đối tượng mà họ gọi là “hoạt động nhân quyền” ở Việt Nam để “vinh danh”, thực chất đây là những đối tượng có hoạt động vi phạm pháp luật, phạm tội, đã bị cơ quan chức năng xử lý. Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam tung ra giải thưởng từ năm 2002 với mục đích “khuyến khích, ủng hộ và đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”. Tính từ năm 2002 đến nay, giải thưởng này đã trao cho hơn 50 cá nhân và 4 tổ chức, trong đó các cá nhân được “vinh danh” là những đối tượng có hành vi phạm tội, đã bị toà án xét xử, đã hoặc đang chấp hành án tại Việt Nam. Trong số các cá nhân đã được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao thưởng có thể kể đến những đối tượng như: Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu cày), Nguyễn Chính Kết, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Phạm Thị Đoan Trang… Những người này đều đã bị tòa án tuyên các bản án khác nhau về hành vi phạm tội, quy định tại Bộ luật Hình sự.

Giải thưởng nhân quyền - khi trò lố đã lộ -0
Bị cáo Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy tại phiên tòa xét xử ngày 5/1/2021.

Những năm qua, cái gọi là “giải thưởng nhân quyền” đã được các tổ chức, hội nhóm nhân danh dân chủ, nhân quyền lập ra và quảng bá rùm beng. Nhìn vào phía hội nhóm đứng ra trao giải, dễ dàng nhận thấy đó là các tổ chức, hội nhóm thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam như: tổ chức khủng bố Việt Tân, tổ chức Theo dõi nhân quyền, Phóng viên không biên giới, Tự do ngôn luận quốc tế, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam…

Việc trao “giải thưởng nhân quyền” của một số tổ chức nhân danh nhân quyền ở nước ngoài cho các đối tượng có hành vi, hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã gây ra nhiều phẫn nộ, bức xúc trong dư luận. Năm nay, giải thưởng trên lại được các đối tượng rêu rao và trao cho Nguyễn Tường Thụy.

Về đối tượng Nguyễn Tường Thụy (SN 1950, tại Nam Định), từng là cựu quân nhân. Tuy nhiên do tư tưởng bất mãn và những động cơ cá nhân, thay vì góp sức xây dựng quê hương, đất nước như bao người đồng chí đồng đội khác, Nguyễn Tường Thụy lại chọn cho mình con đường ngược với lợi ích của quốc gia, thường xuyên có những bài viết xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, tuyên truyền chống phá Nhà nước đăng tải trên Facebook cá nhân và trang mạng của Hội Nhà báo độc lập với tư cách phó chủ tịch.

Ngày 4/7/2014, Phạm Chí Dũng cùng Nguyễn Tường Thụy và 39 người khác ra tuyên bố thành lập cái gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, bầu ban lãnh đạo gồm 5 thành viên. Nội dung “Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” nêu rõ mục đích hoạt động của hội là “đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay”.

Đến năm 2018, theo danh sách do Phạm Chí Dũng lập, có 72 người tham gia Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2014 đến khi bị bắt, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước.

Ngày 18/5/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Tường Thụy về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự.

Ngày 5/1/2021, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa công khai xét xử vụ án đối với 3 bị cáo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. HĐXX xác định, các bị cáo có quá trình hoạt động chống phá Nhà nước thời gian dài, thường xuyên đăng tải bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Hành vi các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy 11 năm tù, Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù. Cả 3 người đều bị quản chế 3 năm sau khi mãn hạn tù.

Không khó để nhận ra mưu đồ của tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, đó là thông qua cái gọi là “giải thưởng nhân quyền” hòng kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức nhân quyền, dân biểu một số nước lên tiếng gây sức ép với Việt Nam, lấy cớ vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; hạ uy tín của Việt Nam, từ đó tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Ngoài ra, hành động trao giải trên còn nhằm ca ngợi, cổ súy cho hành vi sai trái của các đối tượng chống phá ở trong nước, tạo ra sự tin tưởng, an tâm cho chính những người thân trong gia đình bị cáo rằng “cứ chống đối sẽ không bị bỏ rơi”! Bằng việc rêu rao, “vinh danh” giải thưởng cùng sự ủng hộ vật chất, các thế lực thù địch hy vọng sẽ tiếp sức cho các đối tượng đang chấp hành hình phạt trong trại giam, để những đối tượng này tiếp tục ngoan cố chống đối, thể hiện “bản lĩnh”! Một mặt, việc rêu rao giải thưởng, các thế lực xấu cũng tranh thủ sự quan tâm trong xã hội để nêu lên quan điểm cá nhân, tận dụng sự chú ý của dư luận để chống phá, tạo sự mất ổn định, gây khó khăn cho sự phát triển xã hội. Ca ngợi những cái phi lý, cổ suý hành vi phạm tội bởi các đối tượng nghĩ rằng, đó sẽ là yêu sách gây áp lực với chính quyền.

Rõ ràng, việc cổ suý, trao giải cho những đối tượng có hành vi phạm tội chính là một chiêu bài xuyên tạc, bẻ cong sự thật của những tổ chức thù địch với Việt Nam. Họ cố gắng tô vẽ cho các đối tượng này qua các danh hão như “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền”, “tù nhân lương tâm”, “công dân yêu nước”... Việc trao các loại “giải thưởng nhân quyền” cho Nguyễn Tường Thụy và một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội được nêu trên chính là một thủ đoạn, một yếu tố cấu thành của kịch bản trong chiến lược “diễn biến hoà bình”.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm các giá trị nhân quyền theo đúng quy định pháp luật. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định rõ các quan điểm: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo”; “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”; “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”… Điều kiện tiên quyết để người dân được hưởng các giá trị dân chủ, nhân quyền là đất nước hòa bình, ổn định. Vì vậy, chúng ta phải hết sức tỉnh táo để kịp thời nhận diện, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chống đối, các thành phần cơ hội chính trị. Những giá trị nhân danh dân chủ với động cơ hẹp hòi, ích kỷ để chống phá lợi ích quốc gia, cộng đồng chính là trò nguỵ biện, xảo trá. Đó là những cái cớ được kẻ xấu tung ra hòng đánh lừa dư luận, tìm cách phá rối an ninh, kích động bạo loạn, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…



Nguồn: cand.com.vn