Cẩn trọng thủ đoạn chống phá bằng “chuyện bi thương” COVID-19 ảo
Cập nhật ngày: 11-08-2021
 
Sáng 8/8, thông tin bác sĩ Khoa ở TP Hồ Chí Minh trong cơn bĩ cực chữa trị bệnh nhân COVID-19 đã rút ống thở từ chính ba mẹ mình để cứu sản phụ sinh đôi đã gây sốc trên mạng xã hội, lay động tâm thức con người. Song thông tin này cũng nhanh chóng bị lật tẩy - đó chỉ là trò tung tin, hình ảnh ảo.
 

Anh N.Đ.H. - người chia sẻ tin trên lên Facebook đã nhanh chóng có lời xin lỗi gửi cộng đồng mạng. Anh cho biết, vì anh tin vào những điều tốt và đã thiếu bình tĩnh, kiểm chứng một cách cần thiết, dù trước đó đã có biện pháp xác minh thông tin. Tuy nhiên, “những kết quả xác minh không đủ để tôi tin những cảm xúc mình đã chia sẻ là dựa trên sự kiện có thật. Thậm chí, nhiều anh chị cũng chỉ ra những hình ảnh sai trên các tấm ảnh được cho là của hai em bé sinh đôi và hàng loạt điểm phi lý về quy trình, nghiệp vụ. Tôi xin lỗi về quy trình nghiệp vụ”.

Trả lời báo chí, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cho biết, tại bệnh viện không có bác sĩ nào tên Khoa với hình ảnh như chia sẻ trên mạng, cũng không hề có trường hợp nào rút ống thở cứu sản phụ như mạng xã hội đưa và đến nay, chưa có luật nào cho phép bác sĩ hay người thân tự rút ống thở của bệnh nhân. Nếu rút ống thở phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định nhưng điều này chưa có quy định ở Việt Nam. 

Đây không phải là lần đầu xuất hiện thông tin, hình ảnh gây sốc trong đại dịch COVID-19. Tháng trước, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một người tự thiêu và thêu dệt thành “để phản đối cách chống dịch COVID-19 của Nhà nước”. Ngay lập tức, hình ảnh trên lan truyền chóng mặt, nhiều trang mạng của những đối tượng chống phá Nhà nước dẫn lại, mặc sức chỉ trích, miệt thị chính quyền. Có đối tượng bơm đặt thành “chống dịch hay… chống dân”, “xưa Lê Văn Tám biến thành ngọn đuốc sống để chống Pháp, nay dân biến thành ngọn đuốc chống Cộng sản”…

Số này vu cáo rằng, đây chỉ là điển hình cho hàng triệu người ở TP Hồ Chí Minh đang bức xúc trước cách chống dịch COVID-19 “đầy chủ quan và phiến diện của Đảng Cộng sản, xuất phát từ bản chất coi thường và chống dân”… UBND phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã có thông tin chính thức, bác bỏ thông tin, hình ảnh trên. Qua xác minh, người tự thiêu là ông N.M.H, 46 tuổi, có giấy chứng nhận khuyết tật thần kinh - tâm thần 2. Hành động tự thiêu của ông H do bị bệnh tâm thần, hoàn toàn không phải “phản đối cách chống COVID-19”. 

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang đốt mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do số ca bệnh tăng cao, gây áp lực lớn lên các tuyến điều trị. Các cơ sở y tế toàn quốc đã hỗ trợ, chi viện để chung tay điều trị bệnh nhân với mong muốn cao nhất là ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hạn chế tối đa số ca tử vong. Trong tình cảnh đó, việc lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh để đưa thông tin, hình ảnh bệnh nhân COVID-19 sai sự thật lên mạng xã hội là bất nhân.

Thủ đoạn của đối tượng xấu là tung hình ảnh, những câu chuyện mà nghe qua tưởng như “tình người trong hoạn nạn”, từ đó đánh vào lòng trắc ẩn, sự thương xót, bi ai của con người trong đại dịch. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm bởi khi các đối tượng bịa đặt câu chuyện, hình ảnh càng bi thương, càng xót xa thì càng lấy nước mắt nhân sinh để nhằm gieo thù hận lên chính quyền. Các thế lực xấu sẽ lợi dụng những câu chuyện, hình ảnh bi đát này để chửi rủa, miệt thị chính quyền, coi đó là “bằng chứng đau lòng” vu cáo Nhà nước “vô lo vô trách nhiệm, bỏ mặc dân chết dịch”. 

Vài tuần trước, tại Hà Nội xuất hiện mẩu chuyện được lan truyền nhanh trên mạng Facebook. Người viết tự nhận là người trong cuộc, nói rằng buổi chiều vừa ăn cơm xong thì thấy một nam thanh niên ăn mặc rách rưới, dáng người yếu ớt, xiêu vẹo trước cửa. Nam thanh niên thều thào hỏi chủ nhà: “Cô còn chút cơm thừa canh cặn nào cho cháu ăn, cháu chết đói mất”.

Chủ nhà hỏi chuyện thì cháu kể năm nay 18 tuổi, quê Thanh Hoá, đi làm phụ hồ cùng anh trai 21 tuổi, cả hai thuê trọ và từ hôm Hà Nội giãn cách đến nay đã tuần lễ nhưng không có miếng gì lót bụng. Cô chủ nhà thấy vậy liền pha mì tôm cho hai thanh niên và không quên tặng kèm ít gói nữa để đi đường. Ngay khi câu chuyện đăng tải kèm hình ảnh hai thanh niên ăn mì tôm (bức ảnh bị che mặt), hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận bày tỏ thương cảm.

Trong đại dịch, có biết bao câu chuyện thương cảm xảy ra và cũng đầy ắp tình người. Người đi xin ăn không hiếm nhưng đưa ra hoàn cảnh hai thanh niên thất thểu vào nhà xin cơm thừa canh cặn lại là chuyện khác. Nhiều người cũng đặt câu hỏi, là thanh niên khoẻ mạnh 18, 21 tuổi, ở khu trọ còn nhiều người, sao lại không thể nhờ bạn bè, xóm trọ, nhờ người thân hay chính quyền, người dân giúp đỡ mà lại để “cả tuần nằm nhà không có gì lót bụng”?

Và sự thật hé lộ phần nào khi phần kết thúc bài viết, người kể chuyện kết luận rằng: “Thủ tướng nói “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, vậy mà ngay giữa Thủ đô lại để người dân cả tuần không có gì lót bụng”. Từ đó đưa ra lời lẽ phê phán, chỉ trích Chính phủ, cho rằng người dân đừng tin gì chính quyền, chỉ nói hão còn dân “sống chết mặc bay”!

Với sự dẫn dắt như vậy, câu chuyện lan rộng trên Facebook và nhiều “còm” được thể té nước theo mưa, miệt thị Đảng, Nhà nước, chế độ. Thậm chí, có “còm” kích động người dân phản đối không thực hiện Chỉ thị 16 và nói rằng, đây là cái cớ để chính quyền o ép người dân chết đói và “Hà Nội đang yên bình, cần gì phải giãn cách”. 

Trên nhiều diễn đàn mạng gần đây cũng chia sẻ hình ảnh những người rời TP Hồ Chí Minh về quê bằng các phương tiện có thể, kể cả đi bộ. Đáng nói, họ lồng ghép một số hình ảnh thể hiện sự bĩ cực của con người như nằm vất vưởng vệ đường, trẻ con rách nát bẩn thỉu co quắp bên cột mốc quốc lộ, cảnh bà mẹ địu 3-4 con thơ gầy còm, thất thểu xin ăn. Từ những hình ảnh đó, các đối tượng lồng ghép thành video, xen vào ảnh biệt thự, tiệc tùng của một số quan chức để châm chỉa: “Đảng tự xưng quang vinh, tài tình, sáng suốt mà sao vẫn để dân đói khổ”.

Trang “Việt Tân” miệt thị: “Họ đã chắc từng tin vào lời nói “không ai bị bỏ lại phía sau”, “không để ai phải thiếu ăn thiếu mặc”, tin vào gói cứu trợ 62 nghìn tỉ và 26 nghìn tỉ. Có thể họ đã từng nghe rằng tiền không đến tay người dân đâu nhưng họ vẫn cố gắng tin vì đó là hy vọng duy nhất, hy vọng của sự sống… Không ai có thể tưởng tượng được, một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đứng thứ hai thế giới mà người dân lại thiếu đói”… Đây là kiểu lắp ráp “râu ông cắm cằm bà”.

Thực tế, khi rời khỏi TP Hồ Chí Minh một cách tự phát, cũng có người đi nhiều ngày đường nên lâm cảnh đói khát, tuy nhiên họ cũng đã được chính quyền và người dân dọc tuyến di chuyển hỗ trợ. Việc gán ghép ảnh của em bé, bà mẹ trong lúc đi đường đói mệt để nói rằng hàng vạn người dân TP Hồ Chí Minh bị chính quyền bỏ đói, phó mặc dân là kiểu đánh tráo bản chất.

Thậm chí, có đối tượng còn lấy hình ảnh người mẹ và các con đi đường rồi đính kèm bài thơ “Những điều trông thấy” của Nguyễn Du viết phê phán chế độ phong kiến từ hơn 200 năm trước để “áp” vào hiện tại, đả kích chế độ. Trong khi họ phớt lờ những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh và an sinh tại TP Hồ Chí Minh khi hàng loạt chính sách hỗ trợ nhu yếu phẩm cho nhân dân đã và đang được thực hiện, chính quyền và các đội tình nguyện xung kích đến từng ngõ phố để hỗ trợ cho dân.

Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Thành phố cho biết, hệ thống Mặt trận Tổ quốc cơ sở rà soát kỹ để không hộ dân nào bị bỏ sót, không để hộ nào thiếu đói. Hôm 5/8, thêm gói hỗ trợ lần hai với 900 tỉ đồng cho người dân TP Hồ Chí Minh cũng đã được phê duyệt.

Hiện nay, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam, các đối tượng xấu cố tình hướng lái vấn đề để người dân bất tin vào chính quyền, gây mâu thuẫn, bức xúc giữa nhân dân và chính quyền. Số chống đối, bất mãn vu cáo nguyên nhân việc dịch bệnh lây lan nhanh trong “làn sóng thứ tư” là do Nhà nước “hân hoan” tổ chức đại hội, bầu cử, họp Quốc hội mà bỏ mặc người dân tự đối phó. Đây là luận điệu chống phá rất nguy hiểm khi họ cố tình đánh lạc hướng nguyên nhân do khách quan sang “lỗi cố ý” của chính quyền.

Thực tế, các cơ quan chuyên môn đã chỉ rõ, nguyên nhân dịch bệnh bùng phát do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm gấp nhiều lần chủng cũ và các nước châu Á, trong đó có Đông Nam Á đều đang phải đối mặt thách thức này. Đồng thời, do tuyến biên giới phía Nam giáp ranh Campuchia trải dài, khó kiểm soát nên khi dịch bệnh bùng phát bên nước bạn đã ảnh hưởng lớn đến trong nước. Cùng với đó, một số tổ chức, cá nhân thiếu ý thức, trách nhiệm trong chấp hành quy định chống dịch, đã có các hành động tụ tập gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Trong cam go, sự nỗ lực, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là yếu tố tiên quyết để chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh, như Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”. 

Với mỗi người, sự tỉnh táo trước thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội là điều rất quan trọng. Đừng vội vàng chia sẻ, bình luận, lan truyền hình ảnh, thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là dạng thông tin, hình ảnh chạm vào nỗi đau thương, mất mát, bi ai, trắc ẩn của con người trong đại dịch bởi kẻ xấu đang dùng chiêu bài tung tin giả đánh vào nhân tâm, vào nước mắt người dân nhằm gieo rắc tâm lý bất an và kích động chống phá đất nước.

Nguồn cand.com.vn