Lại trò tung hỏa mù, xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước
Cập nhật ngày: 6-04-2021
 
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV là kiện toàn các chức danh chủ chốt của Nhà nước. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã “cắt gọt, bình luận thông tin một cách sai lệch, xuyên tạc tình hình nhằm kích động sự hoài nghi trong dư luận, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
 

Các đối tượng bất chấp thực tế rằng công tác nhân sự được Đảng, Nhà nước ta thực hiện hết sức thận trọng, có sự cân nhắc kỹ lưỡng, các đối tượng xấu vẫn liên tục bôi lem. Đặc biệt, những ngày gần đây, khi Quốc hội khóa XIV tiến hành kiện toàn các chức danh chủ chốt (Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số chức danh lãnh đạo bộ máy Nhà nước), một lần nữa các đối tượng lại gia tăng công kích, tung ra các nhận định, đánh giá, ý kiến sai trái, xuyên tạc, vu khống...
 

Các trang Facebook như Việt Tân, Chân trời mới media; một số tờ báo nước ngoài có nội dung tiếng Việt như RFA (Đài Á châu tự do), VOA (Đài tiếng nói Hoa Kỳ), BBC…cùng nhiều trang mạng truyền thông do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành liên tục đưa ra những bài viết, bình luận tiêu cực, không đúng thực tế, với cách đánh giá sai lệch, gây hoang mang, tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận.
 

Một số đối tượng lại cố tình đưa ra thông tin theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” bằng cách suy diễn “Quốc hội khóa cũ bầu Chủ tịch Quốc hội khóa mới”, “Quốc hội khóa XIV làm thay Quốc hội XV”, “bầu cử ở Việt Nam diễn ra theo kiểu chưa sinh ra cha đã sinh ra con”…  Ở một diễn biến khác, các đối tượng cơ hội chính trị tiếp tục tấn công công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước ta bằng những luận điệu vô căn cứ, vu khống rằng bầu cử Quốc hội chỉ là một “vở kịch” được Đảng dựng ra để lừa dối người dân; việc đi bầu cử không có nghĩa lý gì vì tất cả các vị trí đã được “xếp ghế” từ trước; bầu cử Quốc hội là thời điểm “chia chác”, “đấu đá” quyền lực giữa các phe nhóm, quy chụp Việt Nam là quốc gia “độc tài” và không có dân chủ trong công tác nhân sự… Từ đây, các đối tượng gây hoang mang dư luận, kích động người dân không đi bầu cử.
 

Khoản 7, Điều 70, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”. Đồng thời, Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định cụ thể nội dung này. Với cơ sở pháp lý như trên, việc miễn nhiệm và bầu mới một số chức danh chủ chốt của Nhà nước trong kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV là hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp.
 

Thực tế, các chức danh Nhà nước được miễn nhiệm và bầu mới tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV không phải là bầu cho khóa mới, bầu cho nhiệm kỳ sau, “làm thay” Quốc hội khóa XV như những gì các đối tượng xấu đang tố tình rêu rao, lan truyền để chống phá, công kích công tác bầu cử, kích động “tẩy chay bầu cử”. Việc miễn nhiệm, bầu mới là của Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Việc kiện toàn nhân sự chủ chốt Nhà nước tại thời điểm hiện tại là để bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều cán bộ chủ chốt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ không vào Bộ Chính trị khóa mới. Vì vậy, việc phân công, sắp xếp, bố trí, kiện toàn lại bộ máy Nhà nước để bảo đảm sự lãnh đạo, bảo đảm sự đồng bộ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước là hết sức cần thiết. 
 

Sau khi Quốc hội khóa XV được cử tri bầu ra, tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa mới sẽ thực hiện công tác nhân sự cho nhiệm kỳ 2021 - 2026. Và một điều hiển nhiên là nếu các đồng chí giữ vị trí được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV không trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đối với các vị trí yêu cầu phải là đại biểu Quốc hội) hoặc không được Quốc hội khóa XV tín nhiệm bầu, phê chuẩn thì nghiễm nhiên sẽ thôi giữ chức vụ. Khi đó, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện công tác nhân sự theo đúng quy định.  
 

Cùng với công tác nhân sự tại Quốc hội, càng đến gần ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị càng đẩy mạnh việc tuyên truyền, xuyên tạc chống phá bầu cử. Song song với việc “tự rạch mặt ăn vạ” qua chiêu trò “tự ứng cử” và kích động, kêu gọi người dân “tẩy chay bầu cử”, các đối tượng xấu cũng tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền bôi lem, làm sai lệch bản chất công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước ta.
 

Đồng thời, những kẻ này cũng ráo riết tiến hành công kích, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp; đưa tin sai trái, thất thiệt về đời tư, phẩm chất, mối quan hệ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hòng gây hoang mang dư luận, từ đó hướng lái, kích động người dân thực hiện các hành vi sai trái, tiếp tay cho các hoạt động chống phá.



Nguồn: cand.com.vn