Hành động của các nước trước mưu đồ nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc
Cập nhật ngày: 21-07-2020
 
Dư luận trong thời gian gần đây nhìn chung đều cho rằng Trung Quốc đã có nhiều hành động "bắt nạt" các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông.
 

"Dư luận trong thời gian gần đây nhìn chung đều cho rằng Trung Quốc đã có nhiều hành động "bắt nạt" các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn, làm mất an ninh trong khu vực, thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang. Và các nước không thể đứng nhìn sự an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông - tuyến đường giao thương hàng hải huyết mạch của thế giới bị xâm phạm", TS James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (London, Anh) nhận định.
 

Những lập trường cứng rắn
 

Cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới như Ấn Độ, Australia, Nhật Bản... đều lên tiếng phản đối trước những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.
 

 Ngoại trưởng Australia Marise Payne thậm chí còn chỉ trích mạnh mẽ các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi tháng 4 và tuyên bố của Bắc Kinh về việc lập các "quận hành chính mới".
 

Bà Marise Payne nói rằng, Australia "rất quan tâm đến sự ổn định của tuyến hàng hải quan trọng này cũng như các quy tắc và luật lệ chi phối nó" và kêu gọi các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và bảo vệ tự do hàng hải, hàng không.
 

Đó là trên phương diện tuyên bố ngoại giao, còn ở thực địa, khu trục hạm HMAS Parramatta của hải quân Australia đã tham gia diễn tập cùng các chiến hạm Mỹ là USS Barry, USS America và USS Bunker Hill khi đi qua Biển Đông, gần nơi tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella do Công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành.

 
Trung Quốc thường sử dụng tàu cá hoặc tàu hải cảnh, hải giám để tấn công các tàu, thuyền của các quốc gia láng giềng trên Biển Đông. Ảnh:Getty


Nhật Bản cũng bày tỏ "quan ngại chính đáng" và "phản đối mạnh mẽ" bất kỳ hành động nào gây gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Với quan điểm xuyên suốt đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, từ năm 2016, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản đã nêu rõ rằng, các hoạt động hiện tại của Trung Quốc tại Biển Đông là bá quyền, đơn phương, hướng tới việc đặt các nước vào việc.
 

Vì thế, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; giúp các nước trong khu vực Đông Nam Á bảo vệ quyền lợi, nâng cao năng lực phòng thủ trên biển và củng cố mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật...
 

Còn Ấn Độ thời gian quan cũng đã thay đổi chiến lược trên Biển Đông, trong đó xây dựng kế hoạch gần gũi hơn với các quốc gia có cùng tranh chấp với Trung Quốc. Quan điểm của Ấn Độ đến giờ vẫn là tự do hàng hải rất quan trọng vì 55% hàng hóa thương mại nước này đều được vận chuyển qua Biển Đông.
 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Sirvastava từng khẳng định, Biển Đông là một phần của tài nguyên chung toàn cầu và Ấn Độ luôn quan tâm đến việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. "Chúng tôi kiên quyết ủng hộ quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và hoạt động thương mại hợp pháp không bị ngăn trở trong những vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế.
 

Không quốc gia nào chấp nhận một Trung Quốc luôn thù địch kiểm soát tuyến đường biển chiến lược này", ông Anurag Sirvastava nói.
 

Cũng đánh giá vai trò quan trọng của Biển Đông khi có tới 1/3 lưu lượng vận chuyển hàng hóa của thế giới qua đây, Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans cho rằng, việc bảo đảm tự do hàng hải tại khu vực này là điều mà cả thế giới đều cần. Ông Igor Driesmans cũng khẳng định cam kết của EU trong việc duy trì trật tự tại các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không.
 

Với Mỹ, nước có những lợi ích ở Biển Đông, cả Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều nghị sĩ đã lên tiếng chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông, nhấn mạnh đó là hành vi bất hợp pháp, gây hại cho các nước trong khu vực. Hồi tháng 4, Mỹ phản đối kịch liệt việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Đến tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Trung Quốc không được phép xem Biển Đông là “đế chế hàng hải”, đồng thời cho biết phía Mỹ sẽ sớm thảo luận thêm về vấn đề này.
 

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink trong cuộc gặp gỡ báo chí đầu tháng 7 cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài trên Biển Đông. Chúng tôi tin rằng, các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông dù lớn hơn nhỏ đều phải hành xử theo luật pháp quốc tế, đưa ra các tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, phải thượng tôn pháp luật và không được dùng thế của nước lớn để áp chế nước nhỏ. Chúng tôi tin vào các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp Biển Đông, tin vào quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”.
 

Phân tích những hành động của Trung Quốc trong việc ngăn cản các quốc gia khác khai thác dầu khí trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động của Malaysia và Việt Nam, Đại sứ Daniel J.Kritenbrink chỉ rõ, Mỹ phản đối Trung Quốc cản trở các quốc gia thành viên ASEAN tiếp cận khai thác trữ lượng dầu khí ở Biển Đông; phản đối Trung Quốc ngăn cản hoạt động tự do trên vùng biển này cũng như ngăn cản các hoạt động kinh tế ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; phản đối việc Trung Quốc hay bất kỳ nước nào sử dụng các biện pháp ép buộc để tăng cường tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. "Mỹ kêu gọi Trung Quốc dừng ngay các hoạt động mang tính khiêu khích làm ảnh hưởng đến ổn định khu vực", Đại sứ Daniel J.Kritenbrink nói.
 

Và không chỉ tuyên bố, Mỹ còn có những hành động trên thực tế nhằm bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngày 4-7, Mỹ đã điều 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng 4 tàu chiến khác đến Biển Đông tham gia cuộc tập trận quy mô lớn với Philippines, cùng thời điểm Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự riêng gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 

"Mục đích của cuộc tập trận là nhằm thể hiện một tín hiệu rõ ràng đối với các đối tác và đồng minh của chúng tôi rằng Mỹ cam kết đảm bảo an ninh và ổn định khu vực", Chuẩn Đô đốc George M.Wikoff, chỉ huy cuộc tập trận cho biết.
 

Và công hàm ngoại giao lên  Liên hợp quốc
 

Theo đánh giá của các nhà phân tích, câu chuyện pháp lý tại Biển Đông “nóng” hơn bao giờ hết, sau khi Mỹ chính thức gửi Công thư lên Liên hợp quốc (LHQ), phản đối các yêu sách biển quá đáng của Trung Quốc.
 

Trong văn kiện gửi ngày 1-6, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craff đề cập tới công hàm của Trung Quốc ngày 12-12-2019 nhằm phản đối việc Malaysia cùng ngày đã gửi một bản Đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ. Đại sứ Kelly Craft nhấn mạnh, Mỹ phản đối các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc do không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh qua Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
 

Công thư của Mỹ được lưu hành đúng vào thời điểm các quốc gia Đông Nam Á gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc lên LHQ. Tờ Channel News Asia cho hay, ngày 5-6, tức 4 ngày sau công thư của Mỹ, Indonesia - quốc gia vốn trước nay quan điểm rằng không tham gia bất kỳ tranh chấp lãnh hải nào ở Biển Đông đã thông báo về công hàm ngoại giao của nước này gửi lên LHQ từ ngày 26-5.
 

Trong bức thư gửi Tổng thư ký LHQ, Indonesia đã bác bỏ các yêu sách vô lý và trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông; đề cập đến 3 công hàm trước đó của Trung Quốc và bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh về vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa đối với các thực thể tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đồng thời lặp lại rằng đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) bao hàm yêu sách về các quyền lịch sử là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại với UNCLOS...
 

Hãng Times of India bình luận rằng "cuộc đấu công hàm ngoại giao về vấn đề Biển Đông" được Malaysia khởi xướng hồi tháng 12 năm ngoái, bằng một công hàm phản đối Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với thềm lục địa ở Biển Đông. Khi đó, Malaysia đã đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa về thềm lục địa mở rộng của nước này tại Biển Đông - một động thái mà Bắc Kinh đã ngay lập tức đáp trả tại LHQ.
 

Chưa đầy 3 tháng sau, Philippines cũng trình công hàm phản đối công hàm của Trung Quốc và một công hàm phản hồi công hàm của Malaysia. Động thái này của Manila cũng nhận được công hàm phản đối từ Bắc Kinh.
 

Ngày 30-3, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ trình công hàm phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông với lập luận rõ ràng rằng, các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. 10 ngày sau, Việt Nam tiếp tục gửi thêm một công hàm nữa lên LHQ, để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông, trong đó có đề cập đến công hàm của Malaysia và của Philippines.
 

Phân tích những diễn biến này, nhà nghiên cứu luật hàng hải quốc tế tại Đại học Gadjah Mada (UGM) Andi Arsana cho hay: "Những gì Indonesia, Malaysia, Việt Nam đang làm đều dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi yêu sách của Trung Quốc là đơn phương, trái với Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đó là một vấn đề không thể thảo luận. Các nước không nên và cũng không đồng ý các cuộc đàm phán hoặc đàm phán song phương về vấn đề này".
 

Trong khi đó, TS James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (London, Anh) nhận định: "Dư luận trong thời gian gần đây nhìn chung đều nhận định Trung Quốc đã có nhiều hành động "bắt nạt" các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia. Các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực, thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang.
 

Và các nước không thể đứng nhìn sự an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông - tuyến đường giao thương hàng hải huyết mạch của thế giới bị xâm phạm. Các công hàm ngoại giao vừa hướng tới việc giải thích vấn đề theo luật pháp quốc tế, vừa củng cố cho những phản ứng ngoại giao của cộng đồng quốc tế - một biện pháp cần thiết và khôn khéo để giải quyết vấn đề Biển Đông".

Nguồn cand.com.vn