CÔNG AN BẠC LIÊU
Trưng bày voi ở Tây Nguyên
Cập nhật ngày: 28-11-2017
NDĐT - Đó là tên cuộc trưng bày được khai mạc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa qua. Trưng bày giúp công chúng có cơ hội tìm hiểu về những tập quán, nghi lễ liên quan đến việc bắt, thuần dưỡng, chăm sóc cũng như giá trị của voi trong đời sống văn hóa xã hội của một số dân tộc ở Tây Nguyên.


Rất đông du khách tham quan trưng bày.

Với 40 hiện vật, 38 bức ảnh và phim video cùng các bài viết được sắp xếp trong trưng bày theo sáu chủ đề: Tập tính của voi; Bắt và thuần dưỡng voi rừng; Chăm sóc voi; Voi trong đời sống kinh tế; Voi trong đời sống xã hội; Voi trong đời sống văn hóa. Trưng bày phản ánh vai trò của voi trong đời sống, văn hóa, xã hội cũng như những tri thức dân gian về việc bắt và thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên. Những câu chuyện được chia sẻ qua các giọng nói của người dân ở Tây Nguyên cho thấy, voi là một phần trong đời sống văn hóa Tây Nguyên, sự thay đổi vai trò của voi từ làm phương tiện vận chuyển hàng hóa, kéo gỗ sang việc chủ yếu phục vụ khách du lịch đóng góp kinh tế cho địa phương.

 

Du khách nước ngoài tìm hiểu về voi Tây Nguyên.

Phần lớn hiện vật trong trưng bày do ông Khăm Phết Lào con trai của ông Ama Kông (1910-2012) trao tặng Bảo tàng từ năm 2014. Tương truyền, Ama Kông đã bắt được hàng trăm voi rừng và nổi tiếng với các thang thuốc làm từ cây cỏ hái trong rừng. Từ nhỏ, Khăm Phết Lào theo cha trong các chuyến đi bắt voi rừng và hái cây cỏ làm thuốc. Từ năm 1989 ông phát triển nghề thuốc của người cha để lại với thương hiệu thuốc Ama Kông.

Trưng bày Voi ở Tây Nguyên là một sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động nhân dịp 20 năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến với công chúng (1997 – 2017). Trong những năm qua, bên cạnh việc giới thiệu văn hóa của cư dân nước ngoài, Bảo tàng đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, trình diễn về các dân tộc ở Việt Nam.

 

Chăm sóc voi nhà bị thương vì bị voi rừng tấn công.

Đây là lần đầu tiên một trưng bày giới thiệu về văn hóa của một số dân tộc ở Tây Nguyên thông qua hình ảnh con voi - một con vật có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân ở vùng đất cao nguyên này.

Trong khuôn khổ cuộc trưng bày Voi ở Tây Nguyên, Bảo tàng còn tổ chức một số hoạt động giáo dục dành cho công chúng như: Khám phá trưng bày, thuyết trình liên quan đến nội dung trưng bày, trình diễn của người Mnông…

Ông Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Thông qua trưng bày, chúng tôi mong muốn công chúng có cơ hội tìm hiểu về những tập quán, nghi lễ liên quan đến việc bắt, thuần dưỡng, chăm sóc cũng như giá trị của voi trong đời sống văn hóa xã hội của một số dân tộc ở Tây Nguyên, đồng thời góp tiếng nói nhằm nâng cao ý thức cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã nói chung và voi nói riêng".

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác