HLV Park Hang-seo không còn thế “một mình một ngựa”
Cập nhật ngày: 4-02-2020
 
Không chỉ phải đau đầu đấu trí với một HLV đẳng cấp World Cup như Nishino từ Thái Lan, ông Park Hang-seo sẽ còn giáp mặt với người đồng hương trẻ tuổi và đầy tài năng là Shin Tae-yong của Indonesia...
 

Hai năm trước, HLV Park Hang-seo có thể được xem là “Vua một cõi”, khi Đông Nam Á chứng kiến một Milovan Rajevac suy yếu ở Thái Lan, Indonesia bất ổn với một Luis Milla đỏng đảnh hay tại Malaysia, Tan Cheng Hoe chưa đủ tầm và kinh nghiệm để đấu trí với thầy Park. Nhưng sau hai năm, đấu trường khu vực chứng kiến một kiềng ba chân rõ ràng, nơi mà Akira Nishino hay Shin Tae-yong không dễ dàng để Park Hang-seo vượt mặt.
 

Park Hang-seo đã có đối thủ
 

Vị thế ở Đông Nam Á của đội tuyển Việt Nam quả thực rất khác trước và sau khi HLV Park Hang-seo nắm quyền. Từ một đội bóng thường yếu bóng vía và thất bại ở bán kết, từ một đội bóng thậm chí bị đánh giá là không thể theo được Thái Lan trong 10 năm, đội tuyển Việt Nam đã phá đi một loạt cái dớp để vươn lên đứng vị trí số 1 khu vực một cách đầy xứng đáng.
 

Chức vô địch AFF Cup 2018, huy chương Vàng SEA Games 2019 cùng mạch bất bại và vị trí số 1 bảng đấu vốn tập hợp những đối thủ mạnh nhất Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thái Lan cùng một đội Tây Á khác là UAE) là những minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của Việt Nam cùng tài cầm quân xuất sắc của HLV Park Hang-seo ở bình diện Đông Nam Á.
 

Nhưng tất nhiên, Đông Nam Á không thể cứ chịu mãi cảnh HLV Park Hang-seo xưng hùng xưng bá với đội tuyển Việt Nam. Ngay sau khi bị mất đi vị thế ở Đông Nam Á, Thái Lan ngay lập tức tìm kiếm tướng tài binh giỏi. Họ không ngần ngại chi ra tới hơn 80.000 USD/tháng để thuyết phục HLV Akira Nishino - người từng dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản tại World Cup 2018 về cầm quân U23 và ĐTQG Thái Lan.

 

Và kể từ sau sự hiện diện của Nishino, Thái Lan ở cấp độ U23 và ĐTQG đã không còn thất bại liên tục trước Việt Nam của thầy Park Hang-seo như trước đó. Thậm chí ở cả 3 trận hòa từ vòng loại World Cup đến SEA Games, Thái Lan của HLV Nishino còn có phần trên cơ hơn so với đội bóng áo đỏ. Lần gần nhất so tài với nhau, nếu như không thi đấu chùng xuống bất ngờ, U22 Thái Lan (vốn đã dẫn trước 2-0 ngay trong 11 phút đầu tiên) có lẽ đã tiễn U22 Việt Nam rời SEA Games 2019.
 

Không chỉ phải đau đầu đấu trí với một HLV đẳng cấp World Cup như Nishino từ Thái Lan, ông Park Hang-seo sẽ còn giáp mặt với người đồng hương trẻ tuổi và đầy tài năng là Shin Tae-yong của Indonesia. Thất bại liên tiếp trong 3 năm qua với các HLV đến từ châu Âu khiến đội bóng xứ Vạn đảo quyết định đặt niềm tin ở Shin Tae-yong - người từng giúp Hàn Quốc đánh bại đội tuyển Đức cũng ở World Cup 2018.
 

Sự kỵ giơ đến từ triết lý
 

Cả hai đối thủ mà HLV Park Hang-seo phải chạm trán, có thể là tại AFF Cup 2020 vào cuối năm không chỉ từng dẫn dắt các đội tuyển mạnh nhất châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc ở VCK World Cup 2018 mà họ còn sở hữu lối đá kỵ giơ với vị chiến lược gia đang cầm quân đội tuyển Việt Nam. Có thể nói rằng, lối đá phòng ngự phản công dựa trên sơ đồ 3-4-3 của thầy Park là điểm nhấn giúp Việt Nam gặt hái rất nhiều thành công từ châu lục đến khu vực.
 

Nhưng ở thời điểm ấy, tính bất ngờ ở châu lục cộng thêm các đối thủ ít có phương án hóa giải và bản thân cũng không định hình được những lối chơi sắc bén đã giúp triết lý “Park The Bus” thành công từ chủ quan đến khách quan. Nhưng sau giai đoạn cực thịnh, cách đá của Việt Nam dần bị bắt bài và vấp phải sự “chống trả quyết liệt” của những trường phái khác, điển hình là lối chơi tấn công, gây sức ép tầm cao quyết liệt và giành quyền kiểm soát thế trận liên tục vốn là sở trường của ông Nishino lẫn Shin Tae-yong.
 

Còn nhớ ở những cuộc đối đầu với Thái Lan ở vòng loại World Cup, dù không để đối phương ghi được bàn thắng nhưng ngược lại, Việt Nam của thầy Park cũng không thể có cơ hội tiếp cận cầu môn một cách thường xuyên để chọc thủng lưới đối thủ.
 

Điều tương tự cũng xảy ra với U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2020. Bất chấp việc có thể giữ sạch lưới trước U23 UAE và U23 Jordan nhưng U23 Việt Nam cũng phải hy sinh quá nhiều phần không gian tiếp cận lên phần sân đối thủ. Hệ quả sau 2 trận hòa với tỷ số 0-0, U23 Việt Nam đã bị mất quyền tự quyết trước khi bị loại khỏi vòng bảng, sau thất bại ngược 1-2 trước U23 Triều Tiên. 
 

HLV Park Hang-seo đương nhiên nhận ra những điểm yếu và bất lợi mà mình đang phải trải qua. Bên cạnh việc thay đổi cách chơi, sơ đồ chiến thuật nhằm tạo ra sự đổi mới cho Việt Nam, bản thân nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng phải tìm kiếm thêm những nhân tố mới tạo ra đột biến, nếu như không muốn rơi vào tình trạng bão hòa để rồi thất bại trước trường phái khác đến từ Thái Lan hay Nishino.

 

Sự trở lại quan trọng của Văn Đức

Tính đến hiện tại, đội tuyển Việt Nam vững vàng ở ngôi đầu bảng vòng loại World Cup 2022 nhờ một sự chắc chắn ở hàng thủ. Nhưng hàng công của Việt Nam không thật sự được đánh giá cao ở hiệu suất săn bàn và tiếp cận khung thành.

Nguyên nhân nằm ở lối chơi có phần đơn giản dựa trên những đường chuyền dài trực diện vượt tuyến cho các cầu thủ có tốc độ như Văn Toàn tổ chức phản công.

Trong năm 2020, với sự trở lại của Văn Đức, khả năng triển khai bóng nhịp nhàng qua 3 tuyến của Việt Nam sẽ trở lại, qua đó giúp lối chơi của thầy Park đa dạng hơn, đột biến hơn.


Nguồn cand.com.vn