CÔNG AN BẠC LIÊU
Đừng để chốn linh thiêng lấm bụi trần
Cập nhật ngày: 30-01-2020
Đã thành thông lệ, sau Tết nguyên đán sẽ nối tiếp mùa lễ hội trên khắp cả nước. Lễ hội thường tập trung ở các địa điểm mang ý nghĩa tâm linh hoặc văn hoá cộng đồng. Và năm nào cũng vậy, vấn đề ý thức của du khách lại được đề cập đến.

Quần thể chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất thế giới, nằm trong khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao – Hà Nam là nơi tổ chức đại lễ Vesak 2019 (Lễ Phật đản 2019).
 

Vào những ngày cuối kì nghỉ Tết nguyên đán, từ khắp mọi miền đất nước, dòng người nườm nượp đổ về đây với mục đích du xuân, cầu cho năm mới may mắn và bình an đến với bản thân và gia đình.

 
Ước tính từ ngày mùng 2 Tết đến mùng 5 Tết, mỗi ngày Tam Chúc đã đón khoảng 6 vạn khách du lịch

Việc đi lại ở khu vực này rất thuận tiện bởi hai lẽ, thứ nhất là hệ thống đường sá rộng rãi, từ cổng vào đến khu vực các chùa chính và bãi đỗ xe là một hình tròn. Lẽ thứ hai là Ban quản lý của chùa đã bố trí xe điện phục vụ du khách, đặc biệt vào mùa lễ hội thì còn tăng cường thêm xe buýt, xe điện.

 

PV đã có cuộc trao đổi với Thượng toạ Thích Minh Quang – Phó trụ trì chùa Tam Chúc. Thượng toạ cho biết năm nay từ mùng 2 Tết đã có rất đông du khách tới du xuân bởi thời tiết đẹp. Ước tính cho tới ngày hôm nay 29-1 tức mùng 5 Tết, mỗi ngày có khoảng hơn 6 vạn người tới đây du xuân và dự kiến sẽ còn tăng. 

 
Dẫm đạp thậm chí bày đồ ăn lên giải phân cách đã được làm sạch và trồng hoa

Con số này lớn hơn rất nhiều so với lượng khách tới vào dịp Vesal 2019 chỉ vào khoảng hơn 20.000 người. Thượng toạ cũng bày tỏ sự vui mừng vì Tam Chúc đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh ưa thích của du khách thập phương.
 

Bước vào mùa lễ hội 2020, BQL chùa Tam Chúc đã bố trí 500 xe điện gồm xe thuê thêm, 100 ô tô khách từ 29-45 chỗ để tăng cường, có 12 thuyền lớn và 60 thuyền nhỏ để phục vụ du khách. 
 

Tuy nhiên, Thượng toạ cũng chia sẻ rằng, với số lượng người đông như vậy thì việc phục vụ chu đáo, cẩn thận chi tiết sẽ rất khó nhưng nhà chùa luôn cố gắng hết sức để mỗi du khách đến đây đều hoan hỉ, thư thái.

 

Chia sẻ thêm về những ngày này, Thượng toạ cho biết, mặc dù điểm bán vé xe điện và thuyền mở cửa vào 6 giờ sáng nhưng ngay từ 5 giờ đã có nhiều người tới xếp hàng. Thông thường, du khách đến Tam Chúc những ngày này sẽ đi xe điện và thuyền vào khu vực chính, một số còn lại sẽ đi bộ vào và bắt xe điện hoặc thuyền ra. 

 
Ngang nhiên ngồi lên bức phù điêu gốm để nghỉ chân hoặc chụp ảnh

Tuy nhiên theo quan sát của PV, rất nhiều du khách không mua vé đã nhảy xe điện hoặc trèo lên thuyền, lợi dụng lúc đông người, lực lương bảo vệ không thể kiểm soát nổi. Hành động này dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy, xe điện và thuyền đều quá tải… Mặc dù lực lượng công an, bảo vệ đã có nhiều biện pháp nhắc nhở nhưng không thể bao quát hết.

 
Trèo lên thuyền qua lan can là hành động của những khách "dù"

Trả lời PV, chị Hồng Ánh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đây là lần đầu tiên chị cùng gia đình tới du xuân ở đây và cũng như rất nhiều du khách khác, gia đình chi rất bức xúc bởi ý thức của nhiều du khách “nhảy” xe điện. Theo chị đó là những người không mua vé, hành động của họ khiến chị đã quyết định xuống xe và chờ xe khác. 
 

Tuy nhiên, chị cũng phải mất khoảng nửa tiếng mới lên được xe bởi số lượng khách “dù” quá đông, họ sẵn sàng đẩy khách có vé xuống để chiếm chỗ. Mặc dù vậy, chị cũng cho rằng bản thân cảm thấy hài lòng về việc bố trí nhân viên phục vụ, hướng dẫn và giá cả ở chùa. Chị chỉ phải bỏ ra 90 nghìn đồng để mua vé xe điện khứ hồi và được tham quan một vòng hồ Tam Chúc.

 

Du khách đi xe điện ở Tam Chúc

Tương tự như vậy, ở bến thuyền Tam Chúc, mặc dù lực lượng chức năng đã bố trí người để hướng dẫn du khách nhưng khách “dù” đã trà trộn vào đám đông, lợi dụng khách xuống trèo qua lan can vào trong. 
 

Bị nhắc nhở thì họ xuống nhưng nhiều kẻ cứng đầu sẵn sàng gây gổ khiến nhiều du khách hoảng sợ. Giá thuyền cho mỗi du khách là 200 nghìn đồng khứ hồi, du khách sẽ được tham quan quần thể chùa, đình Tam Chúc trên hồ. 

 

Chia sẻ với PV về khoảng thời gian 30 phút trên thuyền của mình, chị Thuỵ Vân (Vĩnh Hồ, Hà Nội) vẫn chưa hết sợ hãi kể lại, chị phải rất khó khăn mới chen lên được thuyền mặc dù chị đã cầm vé trên tay và khi tàu xuất phát chị mới giật mình nhìn ra số lượng người trên tàu đúng là như nêm, mọi người chen chúc nhau, tiếng trẻ con khóc như ri. 

 
Nhân viên trên thuyền ra hiệu mở đường trên bờ cho thuyền cập bến

Nhân viên trên thuyền đã khản cả giọng vẫn phải hét lên đề nghị mọi người đứng yên không đi lại nhưng một vài khách “dù” đã ngay lập tức lên tiếng giễu cợt với lời lẽ thô tục… 
 

Không dừng lại ở đó, khi còn chưa cập bến, một số du khách từ tầng trên đã chạy xuống chen lấn khiến thuyền chòng chành, đã có lúc chị cảm giác thuyền nghiêng hẳn sang một bên, lúc đó chị chỉ lẩm nhẩm trong đầu “a di đà phật” cầu sao thuyền cập bến nhanh nhất.

 

Việc đi lại là thế, còn ở trên khu vực chùa, ý thức của du khách cũng không mấy khá hơn. Bên ngoài điện chính là  thềm đá được làm bằng đá núi lửa mang từ Indonesia về đã nhiễm nhiên trở thành chỗ chụp ảnh và nghỉ chân của nhiều người. Từ người lớn tới trẻ em đều hồn nhiên trèo lên đó như thể đó là chiếu nghỉ chân.
 

Nhân viên bảo vệ ở đây cũng chỉ biết thở dài bởi có nhắc người này thì người kia lại lặp lại y hệt. PV đã thử nhắc một du khách nam khi người này ngồi lên thềm đá nhưng đáp lại là ánh mắt khinh khỉnh, bất cần!

 
Trèo tường vì... lười đi bộ

Đó là chưa kể đến việc xả rác bừa bãi, hút thuốc lá, thuốc lào phì phèo ngay cổng chùa…thì nhiều nhan nhản. Mùa lễ hội, mùa du xuân là lúc du khách tìm cho mình cảm giác thoải mái, vui vẻ nhưng xem ra sẽ chẳng có ai vui được bởi ý thức của rất nhiều người đang làm hỏng đi kỳ du xuân của đại đa số.


Nguồn cand.com.vn

Các tin khác