CÔNG AN BẠC LIÊU
Hậu trường chuyện bếp núc phục vụ ẩm thực Lãnh đạo Mỹ - Triều
Cập nhật ngày: 5-03-2019
Chỉ với vỏn vẹn 10 ngày chuẩn bị ở tất cả các khâu, nước chủ nhà đã mang đến một "Việt Nam đại yến" được các phóng viên quốc tế khen ngợi hết lời.

Những ngày qua, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội đã trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế. Hình ảnh cái bắt tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un một lần nữa xuất hiện trên trang nhất  khắp các mặt báo. Tuy nhiên, hình ảnh "cái bắt tay thân tình" giữa đội bếp chuẩn bị các món ăn phong cách Mỹ với hai đầu bếp đến từ Triều Tiên, hay khẩu vị của mỗi vị lãnh đạo ra sao thì không phải ai cũng biết. 
 

Khẩu vị khác biệt 
 

Tối 27-2, tức một ngày sau khi đến Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thân mật và thưởng thức bữa tối đầu tiên cùng nhau tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi. 
 

Thực đơn của bữa tối này "cực kỳ đơn giản" với yêu cầu từ phía Nhà Trắng gồm: món khai vị cocktail tôm với quả bơ cắt hạt lựu, chanh tươi và các loại thảo mộc; món chính là bít tết thăn lưng bò ăn kèm với quả lê nhồi kim chi; món tráng miệng là bánh socola dung nham cùng các loại dâu rừng tươi và kem vani; và đồ uống cuối cùng là nước quả hồng khô với mật ong, một thức uống truyền thống của Triều Tiên. 

 
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nói chuyện vui vẻ trong bữa tối tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi hôm 27-2. Ảnh: Reuters. 

CNN cho biết, các đầu bếp trong nhóm Hà Nội của khách sạn Sofitel Legend Metropole đã làm việc rất nghiêm túc với phái đoàn Nhà Trắng và Bình Nhưỡng để tạo ra một thực đơn kết hợp giữa văn hóa ẩm thực Mỹ - Triều. 
 

Anh Paul Smart, bếp trưởng của khách sạn Sofitel Metropole Legend Hanoi chia sẻ: "Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thích món bít tết của mình được nướng chín kỹ (well done) thì Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lại chuộng kiểu bít tết có độ chín vừa phải (medium rare)". 
 

Bếp trưởng Paul Smart cũng cho hay, thói quen ẩm thực của mỗi người là khác nhau. Nếu Tổng thống Donald Trump được biết tới với gu ẩm thực đơn giản và phục vụ nhanh thì Chủ tịch Kim Jong-un có thói quen ăn uống chú trọng vào chất lượng. 

 
Các đầu bếp ở khách sạn Sofitel Metropole Legend Hanoi đang chuẩn bị "bữa tối đơn giản" cho hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên. Ảnh: Getty Images.

Qua những chia sẻ từ các đầu bếp riêng của Chủ tịch Triều Tiên, bếp trưởng Paul Smart nhấn mạnh rằng, ông Kim Jong-un coi thưởng thức ẩm thực là một trải nghiệm. Ví dụ như việc dùng món bít tết với độ chín vừa phải sẽ giữ lại độ tươi và ngọt thịt nhất định. Đặc biệt, loại thịt bò phục vụ cho bữa tối của hai nhà lãnh đạo là loại thịt bò hảo hạng có nguồn gốc từ Triều Tiên. 
 

"Các đầu bếp phía Bình Nhưỡng mang theo toàn bộ nguyên liệu riêng, bao gồm cả thịt bò thăn lưng hảo hạng của nước này được đựng trong một hộp kim loại ướp lạnh. Thịt bò rất tươi và có vân mỡ đẹp như đá cẩm thạch", bếp trưởng Paul Smart nói. 
 

Được biết, đây là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump được thưởng thức thịt bò có nguồn gốc từ Triều Tiên. Theo bếp trưởng Paul Smart, Tổng thống Donald Trump đã dùng hết khẩu phần của mình và còn khen món ăn rất tuyệt vời. 
 

"Công thức của tình bạn"
 

Cũng theo lời kể của bếp trưởng Paul Smart, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Luôn có người giám sát các khâu chế biến và  những đại diện phụ trách về bếp núc của hai bên phải nếm thử món ăn trước khi nó được đưa lên phục vụ. 
 

Anh Paul Smart dành hết lời ca ngợi cho các đầu bếp Bình Nhưỡng: "Mọi thứ mang tới Việt Nam từ Triều Tiên trên chuyến tàu hỏa bọc thép đều được gói riêng và đạt chuẩn vệ sinh. Thậm chí họ còn dùng bông tẩm cồn để làm sạch dụng cụ bếp như dao và thớt. Nói cách khác, các đầu bếp Triều Tiên đã chuẩn bị các khâu một cách rất chuẩn mực". 

 
Paul Smart - Bếp trưởng người Australia của khách sạn Sofitel Metropole Legend Hanoi. Ảnh: Getty Images. 

Nếu như món bít tết và nước quả hồng khô được chế biến bởi phía Bình Nhưỡng thì hai món ăn kinh điển của Mỹ là cocktail tôm và bánh sôcôla dung nham lại được phía Nhà Trắng tin tưởng giao cho nhóm đầu bếp của Sofitel Legend Metropole tại Hà Nội. 
 

"Hai đầu bếp của Triều Tiên đều rất tài năng và vị giác tuyệt vời. Nhưng chính họ cũng rất ngạc nhiên với cách mà chúng tôi chế biến mọi thứ. Họ chưa bao giờ biết đến món cocktail tôm, một món ăn kinh điển của người Mỹ vào những năm 1980. Họ thực sự bị hấp dẫn bởi hương vị của biển cả trong ly cocktail đó. Và chúng tôi đã trao cho họ công thức món ăn này để mang về Triều Tiên", bếp trưởng Paul Smart kể.
 

Anh cũng thêm rằng, không chỉ là việc hoàn thành nhiệm vụ, các đầu bếp Triều Tiên đã chia sẻ với đội bếp tại Hà Nội cách làm kim chi, món ăn kèm truyền thống không thể thiếu trên bàn ăn của người dân Triều Tiên và Hàn Quốc. Và dù hai nhà lãnh đạo không có thời gian để cùng dùng bữa trưa vào ngày 28-2, nhưng các đầu bếp trước đó đã chuẩn bị món gan ngỗng béo ăn kèm thạch táo đỏ; cá tuyết và rau củ bỏ lò cùng cơm hầm thập cẩm. 
 

"Theo tôi, những thứ được bày ra trên bàn đôi khi chưa phải là tất cả. "Cái bắt tay thân tình" giữa những đầu bếp trong hậu trường của sự kiện đã truyền đi một thông điệp đầy mạnh mẽ: Người Triều Tiên sẵn sàng giới thiệu với thế giới về ẩm thực nước họ và cũng sẵn sàng tiếp thu tinh hoa của nền ẩm thực toàn cầu", bếp trưởng Paul Smart nhấn mạnh.  
 

Nức lòng ẩm thực Việt Nam 

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump và phái đoàn hai bên dùng bữa trưa ngày 27-2. Ảnh: Hoàng Hà

Nói đến hậu trường ẩm thực của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 thì không thể không nhắc tới các món đặc sản trong bữa tiệc trưa giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump ngày 27-2 và tiệc tối 1-3 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì để tiếp đón Chủ tịch Kim Jong-un. 
 

Ông Donald Trump đã bị "chinh phục" bởi bữa trưa gồm các món ăn truyền thống như salat xoài xanh, sò điệp; nem rán với nguyên liệu tôm, thịt, miến, rau; súp cua hoàng đế, su su xào tỏi, xôi tôm bọc lá sen.... tại Văn phòng Thủ tướng.
 

Các nghệ nhân tự tay chế biến đặc sản Hà Thành phục vụ các phóng viên quốc tế. Ảnh: Ngọc Tú. 

Còn giới truyền thông Triều Tiên thì hết lòng khen ngợi và liên tục đăng tải các hình ảnh về buổi chiêu đãi tối 1-3 với 9 món: nộm bưởi Đoan Hùng, nem cua bể, gỏi cuốn Nam bộ và một số món thịt...; hoa quả bốn mùa, chè long nhãn hương bưởi tráng miệng... và sự thích thú của Chủ tịch Kim Jong-un khi vừa được nghe, vừa được tập gảy đàn bầu...
 

Chưa hết, nét đẹp ẩm thực Việt trong dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 còn được thể hiện ở hình ảnh Việt Nam chiêu đãi các phóng viên tại Trung tâm Báo chí quốc tế hàng chục món ngon gia truyền Hà Nội. Chỉ với vỏn vẹn 10 ngày chuẩn bị ở tất cả các khâu, nước chủ nhà đã mang đến một "Việt Nam đại yến" được các phóng viên quốc tế khen ngợi hết lời. 
 

Bà Bùi Thị Hương Thủy, Phó phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội chia sẻ, các món ăn được giới thiệu trong không gian ẩm thực Hà Nội ở Trung tâm Báo chí quốc tế phải đạt tiêu chí hàng đầu là an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng gợi ý nên phục vụ các món mà bạn bè quốc tế đã biết đến. 

 
Phóng viên quốc tế thích thú khi thưởng thức những món ăn của Việt Nam tại Trung tâm Báo chí Quốc tế. Ảnh: Tổ Quốc 

Đặc biệt, là đại diện cho nền ẩm thực nước nhà, các món ăn được lựa chọn phải có uy tín và có truyền thống lâu đời. Ví dụ, bún thang bà Ẩm là đời thứ ba, phở Thìn là đời thứ ba, cafe Giảng cũng vậy. Lịch sử, nguồn gốc, quy trình, nguyên liệu đều rất rõ ràng, uy tín và đã được kiểm nghiệm qua thời gian. 
 

Anh Bhavan Jaipragas, phóng viên báo South Morning China Post viết trên Twitter cá nhân rằng: "Người Việt Nam rất coi trọng các món ăn dành cho truyền thông quốc tế - tương tự như Singapore đã làm vào năm ngoái. Tại trung tâm báo chí, họ còn tổ chức triển lãm nghệ thuật chế biến món ăn của Hà Nội". 
 

Trao đổi với phóng viên báo Công an nhân dân, Takahashi Yusuke, bình luận viên cao cấp của Đài Phát thanh- Truyền hình NHK (Nhật Bản) chia sẻ, NHK có tổng cộng 39 phóng viên đến tác nghiệp tại Việt Nam và tất cả đều hài lòng trước sự hỗ trợ cánh nhà báo của nước chủ nhà: "Mọi thứ ở đây vượt trên mong đợi của chúng tôi, đặc biệt là sự thân thiện của người Việt Nam. Chúng tôi không gặp bất cứ khó khăn gì đáng kể khi tác nghiệp tại Hà Nội. 
 

Ngược lại, chúng tôi còn được phục vụ chu đáo, được thưởng thức những món ăn rất riêng của Việt Nam. Trên cả tuyệt vời. Tôi từng tham gia các sự kiện ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Washington, Jakarta và một số địa điểm ở Trung Đông, nhưng Hà Nội là một trong những thành phố khiến tôi ấn tượng nhất".

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác