Dự lễ hội có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam và một số địa phương lân cận và đông đảo bà con phật tử.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Phật Giáo Việt Nam đã thỉnh chuông, đánh trống khai hội, tổ chức lễ dâng hương cầu quốc thái dân an
Đây là lễ hội được phục dựng lại cách đây 1000 năm trên tuyến đường hành hương kết nối di sản: Chùa Vàng – Tràng An – Cố đô Hoa Lư – Chùa Bái Đính – Vân Long (Ninh Bình) – Chùa Đồng Tâm (Hòa Bình) – Chùa Tam Chúc (Hà Nam) – Chùa Hương Sơn – Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Quần thể chùa Tam Chúc có diện tích gần 5.100 ha, với gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên,... cùng nhiều thung lũng, ba mặt bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, trước là hồ Tam Chúc với ba quả núi. Mặt bằng chùa Tam Chúc rộng tới 144 ha, với nhiều công trình như chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Trung tâm Hội nghị quốc tế…
Đây là ngôi chùa được xây dựng quy mô, bề thế dự báo đạt kỷ lục Guinness. Đó là chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh cao 468 m, với 299 bậc lên, được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối xếp liền nhau thành một khối nặng 2.000 tấn do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác, một kiệt tác về kiến trúc đá. Điện Tam Thế ở độ cao 45 m trên trục thần đạo, ba tầng mái cong mang kiến trúc đình chùa Việt, cao tới 39 m, mặt sàn 5.400 m2, đủ đón 5.000 phật tử cùng hành lễ.
Điện Pháp Chủ hai tầng mái cong, cao 31 m, mặt sàn 3.000 m2. Điện Quan Âm cao 30,5 m, mặt sàn rộng 3.000 m2. Cổng Tam Quan 3 tầng mái cong, cao 28,8 m, ba mặt sàn rộng 3.558 m2. Nhà thờ Tổ hai tầng tháp mái cong với chiều cao 25 m, mặt sàn 1.050 m2; nhà Tăng Ni năm tầng cao 30,8 m, với mặt bằng 3.600 m2; đền Thánh Cao Sơn được tọa lạc trên diện tích 1,75 ha phía hồ Tay Ngai, với Thủy Đình ba tầng mái, Nhà Tả Hữu Vu, Đền Chính...; đền Mẫu với chất liệu gỗ theo phong cách truyền thống Thủy Đình ba tầng mái, Nhà Tả Hữu Vu, Đền Chính, Nghi Môn. Đình làng Tam Chúc được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ trên diện tích 3.700 m2 trên đảo giữa hồ.
Lễ hội chùa Tam Chúc Xuân Kỷ Hợi là sự kiện mở đầu chào mừng Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc (Vesak) 2019 diễn ra từ ngày 12-5 đến 14-5-2019 tại chùa Tam Chúc và cũng là lễ hội khai xuân được tổ chức hằng năm để cầu nguyện quốc thái dân an.
Nguồn nhandan.com.vn