Chuyện cây nêu ngày Tết ở làng biển Bố Trạch
Cập nhật ngày: 11-02-2019
 
NDĐT- Theo thời gian, giữa nhịp sống hiện đại, phong tục dựng cây nêu ngày Tết dần thưa vắng mỗi khi Tết đến, Xuân về. Ấy thế nhưng với người dân các làng biển huyện Bố Trạch (Quảng Bình), việc dựng cây nêu không chỉ cầu mong may mắn mà hơn thế trở thành một phong vị ngày Tết không thể thiếu.
 
Chuyện cây nêu ngày Tết ở làng biển Bố Trạch

Cây nêu được dựng ngày 30 Tết tại nhiều gia đình làng biển Quảng Bình.

Chợ bán cây nêu

Cận Tết, ghé chợ bán cây nêu nằm cạnh Quốc lộ 1A đoạn qua xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, chúng tôi thấy tấp nập người bán, mua. Gọi là chợ nhưng thực ra chỉ họp vài ngày giáp Tết và để chỉ bán một thứ hàng hóa duy nhất là cây tre để làm nêu dựng ngày Tết. Khoảng 25, 26 Tết, hàng nghìn cây tre được người bán tập kết về thành từng bãi hoặc xếp thành từng đống để cho người mua thoải mái lựa chọn theo ý của mình. Tre làm nêu dài chừng 10-12 m, thân được róc sạch nhưng phần ngọn vẫn còn lại ít lá, cong vút, đong đưa trong gió.

Ông Nguyễn Ngọc Len ở xã Đức Trạch được đứa cháu chở đến chợ để chọn cây nêu. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ông đánh giá, cây nêu năm nay dáng đẹp, thân vừa tầm, dễ chọn.

“Có thể do năm nay miền Trung không có bão, ít mưa gió nên tre mọc đều, đẹp, từ đó trở thành những cây nêu dáng đẹp”- ông Len nhận xét. Cũng theo ngư dân cao tuổi này, việc chọn mua một cây nêu hết sức quan trọng, bởi đó là biểu tượng của sức mạnh tinh thần, sự may mắn của gia đình trong năm mới. Với người dân vùng biển, sức mạnh tinh thần ấy càng được nhân lên nhiều phần.

“Để có cây nêu đẹp trước tiên mình phải chọn cây tre thẳng, đều, khỏe, trên ngọn phải sum suê và nguyên đọt. Cành không được gấp khuỷu, dị tật. Sau khi lựa chọn được những cây tre vừa ý, mình đưa về rồi gác lên mái nhà, tuyệt đối không được để dưới đất để tránh người khác vô ý bước qua, chỉ đến khi làm bữa cơm tất niên cuối năm, cây nêu mới được dựng lên”- ông Lên giảng giải.

Chọn mua được cây tre dài chừng 12m để về làm nêu, ông Nguyễn Thành Vinh ở xã Đức Trạch nói xen vào: “Cây nêu thường được dựng vào chiều 29 hoặc 30 Tết khi làm lễ tất niên cuối năm. Cây nêu là để bài trừ những rủi ro trong năm và cầu mong một năm mới gia đình sức khỏe, hoà thuận, làm ăn phát đạt”.

Bà Phan Thị Đào, người có thâm niên bán cây nêu, cho biết, từ chiều 25 Tết, bà đã chở hai xe tre làm nêu đến bán ở đây. Trước đây, bà mua tre của các vùng miền núi trong tỉnh, nay tre ít dần, bà phải ra Hà Tĩnh, Thanh Hóa tìm, chọn mua tre về làm nêu. Có năm bà bán đến 1.500 cây song năm nay chỉ khoảng 1.200 cây. Giá mỗi cây nêu 150- 200 nghìn đồng tùy chiều .

Dựng nêu

Làng biển Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch có truyền thống lập làng từ hàng trăm năm nay. Hằng năm sau ngày 25 Tết, người làng Lý Hòa dù bận bịu đến đấu cũng phải dành thời gian mua cho bằng được một cây tre thật ưng ý để dựng nêu. Và lễ thượng nêu được tổ chức rất trang trọng với tấm lòng thành kính.

Các cụ cao niên làng Lý Hòa cho biết, đúng trưa ngày 30 Tết, các bậc trưởng lão, trưởng họ cùng người dân tập trung ở đình làng để làm lễ thượng nêu. Khi lễ cúng vừa xong, thì mọi người cùng thượng nêu là hai cây tre to, dáng rất đẹp trước cửa đình làng. Trên ngọn nêu được treo thêm cờ hội. Sau lễ tại đình làng, việc dựng nêu tiếp tục được thực hiện tại các miếu của làng, nhà thờ dòng họ và sau cùng là ở mỗi gia đình.

Gốc cây nêu được chôn trong một hố đất đã được đào sẵn giữa sân hoặc trước cửa nhà. Theo quan niệm của người làng Lý Hòa, khi hạ nêu nếu mắt của thân cây tre càng sát mặt đất thì năm đó sẽ ăn nên làm ra, đặc biệt nếu mắt tre trong mấy ngày Tết mà nảy chồi thì nhà đó sẽ có một năm phát tài.

Bây giờ, ở nhiều làng biển Bố Trạch khi dựng nêu thường treo cùng cờ Tổ quốc và kèm theo bóng đèn chiếu sáng. Có gia đình còn treo thêm chùm lưỡi câu ở ngọn cây nêu để cầu may mắn trong những chuyến ra khơi vào lộng.

Cây nêu được dựng vào ngày 30 Tết và đến ngày 7 tháng Giêng Âm lịch sẽ được hạ xuống bằng một lễ nhỏ, gọi là lễ hạ nêu, để bắt bầu cho một năm mới với nhiều kỳ vọng bình an và may mắn.

Những ngày Tết này, đi dọc Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bố Trạch, không khó để du khách nhận ra không khí Tết ấm cúng, đoàn viên của người Quảng Bình qua “rừng” nêu cùng cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Lòng người như chợt ấm hơn trước nét thanh bình và rạo rực của tiết xuân sang.

Nguồn nhandan.com.vn