CHLB Đức tài trợ 3,4 tỷ đồng bảo tồn, phục hồi Điện Phụng Tiên - Đại nội Huế
Cập nhật ngày: 8-01-2019
 
NDĐT - Ngày 7-1, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa phi lợi nhuận, Fulda (Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức), phối hợp tổ chức lễ bàn giao cổng, bình phong, non bộ tại điện Phụng Tiên (Đại nội Huế), kết thúc dự án hợp tác bảo tồn và phục hồi các công trình trên, kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu.
 
CHLB Đức tài trợ 3,4 tỷ đồng bảo tồn, phục hồi Điện Phụng Tiên - Đại nội Huế

Ngài Đại sứ và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tặng hoa và giấy chứng nhận cho các học viên được đào tạo qua dự án.

Tham dự lễ bàn giao có Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Ngọc Thiện; Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Christian Berger; lãnh đạo Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh cùng các ban, ngành tại Thừa Thiên - Huế.

TS, Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: Trải qua hơn 180 năm, Điện Phụng Tiên (Đại nội Huế) đã được tu bổ nhiều lần nhưng trong chiến tranh đã bị hủy hoại hoàn toàn. Dự án bảo tồn phục hồi cổng, bình phong và non bộ của Điện Phụng Tiên do Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ cùng với nguồn vốn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên - Huế với tổng ngân sách thực hiện hơn 4,2 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ hơn 3,4 tỷ đồng.

Theo TS Phan Thanh Hải, Điện Phụng Tiên là một trong năm miếu/điện quan trọng của triều Nguyễn, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Điện cũng là nơi cho phép nữ giới trong Hoàng gia được tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói, thờ tự tổ tiên triều Nguyễn hằng ngày. Điện gồm có năm công trình chính là chính điện, Đông Tây Phối điện, Tả Hữu Tòng Viện. Lối vào điện nổi bật với hệ thống kiến trúc tinh xảo như cổng, bình phong, non bộ…

Các đại biểu tham quan không gian di tích Điện Phụng Tiên.

Dự án bảo tồn phục hồi cổng, bình phong và non bộ điện Phụng Tiên được thực hiện trong 13 tháng với hai giai đoạn. Giai đoạn một (từ 29-9-2017 đến 29-10-2018), bao gồm hoạt động bảo tồn, phục hồi Cổng, Bình Phong tại Điện Phụng Tiên kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho các học viên. Giai đoạn hai (từ 1-11 đến 31-12-2018), bao gồm hoạt động phục hồi, tôn tạo non bộ - Bể cạn tại Điện Phụng Tiên. Dự án cũng đạt được hai mục tiêu quan trọng là phát triển và áp dụng phương pháp mới để bảo tồn và phục hồi chân xác, thông qua việc sử dụng kỹ thuật nguyên bản trong xây dựng vữa màu và vẽ fresco. Đồng thời, xây dựng năng lực cho công tác bảo tồn bền vững các công trình di sản của Việt Nam cho tám học viên dự án. Công trình sắp đặt phong thủy có thiết kế đặc sắc này đã được phục hồi, tôn tạo hoàn chỉnh, bảo đảm tính nguyên gốc và sử dụng các phương pháp chống thấm an toàn.

Trong hai tháng tiếp theo, các học viên dự án sẽ bảo tồn và phục hồi một chiếc cổng nhỏ của điện Phụng Tiên để chứng minh năng lực áp dụng những kiến thức kỹ thuật họ đã học được. Công việc của họ sẽ được tiến hành với sự tư vấn của Trưởng nhóm dự án người Đức – bà Andrea Teufel và dưới sự giám sát của Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Những học viên hoàn thành sẽ được ban giám khảo chuyên môn cấp chứng nhận nhằm xác nhận họ có đủ năng lực bảo tồn và phục hồi các công trình lịch sử. Đây là một bước quan trọng hướng đến công tác đào tạo nhân viên bảo tồn một cách chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Phát biểu tại bổi lễ bàn giao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Nguyễn Dung đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này. Ý nghĩa ấy thể hiện ở tính liên tục cũng như hiệu quả cao trong công tác bảo tồn, phục hồi ngoại thất tại khu di sản Huế. Đồng thời, khẳng định mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và CHLB Đức nói chung, giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế với Đại sứ quán CHLB Đức nói riêng.

Ông Nguyễn Dung nhấn mạnh: “Tôi rất trân trọng và đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của Bộ Ngoại giao CHLB Đức, đặc biệt là ngài Christian Berger, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CHLB Đức tại Việt Nam, vì những đóng góp ý nghĩa cho công tác bảo tồn, phục hồi nội và ngoại thất ở các công trình di tích lịch sử của cố đô Huế trong hơn 15 năm qua”.

Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Christian Berger đã bày tỏ tình cảm yêu mến đối với TP Huế, đồng thời khẳng định cả hai mục tiêu của dự án đã đạt được với kết quả rất thành công, là phát triển và áp dụng phương pháp mới để bảo tồn và phục hồi chân xác, thông qua việc sử dụng kỹ thuật nguyên bản trong xây dựng vữa màu và vẽ fresco. Cùng với bảo tồn, phục hồi một số công trình, dự án còn kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho đội ngũ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Đây là cơ sở để Đại sứ kiến nghị Bộ Ngoại giao CHLB Đức tiếp tục tài trợ cho Huế những dự án tiếp theo.

Ông Christian Berger nói: “Cục Di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế là hai đối tác tuyệt vời và đáng tin cậy. Chúng tôi quyết định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện việc bảo tồn di sản văn hóa, mong muốn tạo điều kiện cho những người quan tâm có thể tiếp cận được các hoạt động đào tạo cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn di tích”.

Nguồn nhandan.com.vn