Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia từ ngày mồng 5 đến 7-1-2019, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Đác Nông tổ chức.
Đây là một trong những chương trình hướng tới kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh, đồng thời nhằm bảo tồn và phát huy hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đác Nông nói riêng.
Bên cạnh đó, Lễ hội được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, động viên khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của hoa văn, trang phục thổ cẩm truyền thống.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông khẳng định, Đác Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng cho mảnh đất phía nam Tây Nguyên. Đây là nơi lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, trong đó thổ cẩm là một trong phương tiện biểu đạt. Thổ cẩm cũng là di sản văn hóa quý giá, giàu tính nhân văn cần được bảo tồn và phát triển.
“Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm các dân tộc tỉnh Đác Nông đang tận dụng thời gian nông nhàn của người phụ nữ để tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm còn hạn chế. Thông qua hoạt động lễ hội, chúng tôi hy vọng các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm dệt nâng cao tay nghề; tiếp cận với các công cụ dệt, phương thức dệt mới thay thế những công cụ dệt thủ công truyền thống để nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm”, bà Hạnh nói.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông cũng cho biết, trong những năm qua, Đác Nông đã có những nỗ lực nhằm gìn giữ, phát triển văn hóa thổ cẩm bằng cách mở các lớp dạy dệt, giới thiệu, trưng bày triển lãm thổ cẩm, thương mại hóa các sản phẩm từ thổ cẩm…
Nguồn nhandan.com.vn