Từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 53 trường hợp vi phạm hành chính trong hoạt động du lịch với tổng số tiền phạt gần 400 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: HDV thuyết minh về du lịch trái pháp luật, dùng thẻ HDV giả và không mang thẻ HDV trong khi hành nghề... Trong đó có nhiều người nước ngoài làm HDV và thuyết minh du lịch “chui”. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 20 người với tổng mức phạt hơn 322 triệu đồng, hủy thị thực, buộc xuất cảnh và đưa vào diện chưa cho nhập cảnh hàng chục trường hợp. Phát hiện 32 trường hợp dùng văn bằng giả, chứng chỉ giả trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ HDV, xử lý 18 trường hợp; triệt phá một đường dây làm giả thẻ HDV...
Một nguyên nhân lớn nhất được nói đến là sự tăng trưởng khách du lịch quá nhanh, cho nên một số địa phương đã thiếu HDV hoặc HDV không đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tình trạng sử dụng HDV “chui” như nêu trên.
Theo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cả nước hiện có hơn 14.800 HDV quốc tế và hơn 8.600 HDV trong nước, tập trung ở các trung tâm du lịch lớn và chủ yếu là HDV nói tiếng Anh. Nếu chia đều cho lượng khách nước ngoài vào Việt Nam (khoảng 15 triệu lượt trong năm 2018 này), mỗi HDV quốc tế phải phục vụ khoảng 1.000 du khách mỗi năm. Con số này gần gấp hai lần mức bình quân ở các nước. Với du lịch trong nước, HDV càng thiếu nhiều hơn. Mỗi năm Việt Nam có hơn 73 triệu lượt khách du lịch trong nước, nếu chia trung bình thì mỗi HDV trong nước phải phục vụ gần 8.600 du khách mỗi năm. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có tới quá nửa số HDV du lịch được cấp thẻ hành nghề hoạt động tự do, không thuộc quản lý của đơn vị nào. Điều này đã gây nên nhiều hệ lụy như các HDV tự do không có nơi trao đổi, bồi dưỡng nghề nghiệp, kỹ năng, kiến thức..., dẫn đến tình trạng không bảo đảm về trình độ chuyên môn, thiếu sự cập nhật về các quy định quản lý của ngành và suy thoái đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Thế nhưng, lượng du khách tăng, nguồn lực không tăng, cho nên vào mùa cao điểm, các công ty lữ hành vẫn phải thuê thêm HDV và khó tránh được việc thuê kiểu “vơ bèo gạt tép”!
Là lực lượng tiếp xúc và phục vụ khách nhiều nhất trong toàn bộ hoạt động du lịch, HDV là “người bán hàng trực tiếp” của ngành du lịch, chèo chống với những sơ suất dịch vụ mà khách chưa hài lòng, đồng thời cũng là người tiếp thị trực tiếp về du lịch đất nước để khách quay trở lại. HDV là người phát ngôn trực tiếp về lịch sử địa danh cũng như lịch sử quốc gia... Ấn tượng chuyến đi có tốt đẹp, hiệu quả hay không phần lớn phụ thuộc vào đội ngũ HDV. Cũng bởi vậy, tình trạng HDV du lịch “chui” đang làm ảnh hưởng xấu tới môi trường văn hóa du lịch Việt Nam và hình ảnh đất nước. Vì thế, siết chặt quản lý, làm lành mạnh trở lại môi trường du lịch là yêu cầu bức thiết đang đặt ra, đòi hỏi cần có chế tài mạnh hơn để xử lý nghiêm các HDV “chui”, kiên quyết thu hồi giấy phép đối với công ty lữ hành nào dung túng cho những HDV này.
Luật Du lịch (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) đã quy định điều kiện hành nghề của HDV là ngoài thẻ HDV còn phải là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc có hợp đồng lao động với công ty lữ hành, hoặc công ty chuyên cung cấp HDV. Tổng cục Du lịch đã công khai trên môi trường in-tơ-nét cơ sở dữ liệu trực tuyến về HDV trên cả nước với đầy đủ thông tin chi tiết (tại địa chỉ website: www.huongdanvien.vn); cùng với đó là website cơ sở dữ liệu, cập nhật thường xuyên về doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (tại địa chỉ: www.quanlyluhanh.vn). Hai cơ sở dữ liệu trực tuyến công khai này có thể góp phần hạn chế tình trạng HDV “giả”, doanh nghiệp “chui”. Tuy vậy, cơ sở dữ liệu này sẽ chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi được cập nhật thường xuyên, thông tin chính xác từ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý du lịch địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và đội ngũ HDV... Song song với đó, ngành du lịch cần khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ số trong việc cung cấp dịch vụ, thông tin điểm đến cho du khách để góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu HDV. Đó là xây dựng ứng dụng cung cấp thông tin trên điện thoại thông minh bằng nhiều ngôn ngữ. Khi du khách tới một điểm đến, toàn bộ thông tin liên quan sẽ tự động hiển thị trên điện thoại của họ. Về dài hạn, ngành du lịch cần phát triển nguồn nhân lực HDV với trình độ ngoại ngữ cao để phục vụ du khách nước ngoài tới Việt Nam ngày càng đông.
Nguồn nhandan.com.vn