Từ ngày 15-11 tới, Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL về việc loại bỏ và hạn chế các hình thức sử dụng thuốc lá trong tác phẩm biểu diễn sân khấu và điện ảnh, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành, sẽ chính thức có hiệu lực.
Thông tư quy định không sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này cũng như không ca ngợi các tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá; cấm sử dụng bất kỳ hình thức hút thuốc nào trong tác phẩm biểu diễn sân khấu và điện ảnh dành cho trẻ em... Thông tư cũng nêu rõ trường hợp các tác phẩm chỉ được sử dụng thuốc lá khi khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật, gắn với tính cách của họ hoặc để phê phán, lên án các hành vi sử dụng thuốc lá và một số trường hợp đặc biệt nhằm mục đích nghệ thuật được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nghệ thuật.
Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hạn chế thuốc lá trong nghệ thuật biểu diễn không phải đến nay mới có. Trước đó Bộ VHTTDL đã có Thông tư số 02/2014 quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh và Thông tư số 12/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim. Điều này hoàn toàn phù hợp với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong xã hội, bởi những hình ảnh hút thuốc trên sân khấu hay trong phim ảnh có thể tác động tới người xem, khuyến khích hoặc dần tạo thói quen hút thuốc. Đồng thời, đó cũng có thể là những quảng cáo trá hình mà các doanh nghiệp tận dụng để lách luật. Thông tư số 25/2018 ra đời thay thế Thông tư số 02/2014 với điểm mới là việc hạn chế hút thuốc trong các bộ phim điện ảnh được kết hợp với bảng phân loại độ tuổi và quy định phải có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc bằng hình ảnh.
Trên thực tế, xu hướng hạn chế hình ảnh thuốc lá trên phim ảnh, truyền hình đã được nhiều quốc gia thực hiện lâu nay và khá chặt chẽ. Tại các nước châu Âu, những phim bất kỳ có cảnh hút thuốc (từ xì gà, thuốc lá hay bằng tẩu…) đều phải phân loại độ tuổi 18 trở lên. Các hãng sản xuất phim lớn ở Mỹ cũng loại bỏ triệt để cảnh sử dụng thuốc lá trong tất cả phim. Một số nước trong khu vực như Thái-lan cũng cấm hoàn toàn các hình ảnh hút thuốc lá trên truyền hình từ năm 2000. Bất kỳ hình ảnh nào có sử dụng thuốc lá đều bị làm mờ hoặc cắt đi. Đây cũng là xu hướng được công chúng và nhiều nhà quản lý, hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam đồng tình thời gian qua. Theo một số đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh nước ta, nghệ sĩ phải tự ý thức được việc hạn chế sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm của mình, tính toán kỹ để hình ảnh khói thuốc chỉ xuất hiện khi thật cần thiết. Các ý kiến cũng cho rằng có nhiều cách thể hiện tâm trạng, tính cách của nhân vật mà không nhất thiết phải dùng thuốc lá và đặc biệt là không thể có cảnh hút thuốc trong các phim cho trẻ em. Riêng trong lĩnh vực biểu diễn sân khấu, việc hạn chế và không đưa các hình thức hút thuốc vào cảnh diễn vừa tuân thủ các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, vừa bảo đảm những nguyên tắc trong phòng, chống cháy nổ ở các rạp diễn.
Tuy nhiên, để quản lý và thực hiện thông tư nêu trên một cách chặt chẽ trong điện ảnh, cần bổ sung, làm rõ các khái niệm khó định lượng như thời gian có cảnh hút thuốc là bao nhiêu hoặc chiếm bao nhiêu thời gian phim thì được coi là ít hoặc nhiều. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng một khi ngoài đời sống vẫn còn nhiều người hút thuốc và thuốc lá vẫn lưu hành rộng rãi, dễ dàng trên thị trường thì rất khó để cấm phản ánh điều đó trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Mặt khác, thuốc lá ở đây đang được hiểu là thuốc lá truyền thống, còn đối với các dạng khác như thuốc lá điện tử thì có áp dụng hay không. Một băn khoăn nữa là việc hạn chế thuốc lá theo quy định của thông tư mới chỉ áp dụng đối với phim của các hãng phim trong nước, còn phim nhập khẩu, phim hợp tác với nước ngoài được phát hành ngoài rạp hoặc chiếu trên các kênh truyền hình thì thế nào…
Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người là rõ ràng và chúng đang ngày càng được kiểm soát gắt gao, cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Không nên ngụy biện rằng thuốc lá giúp phản ánh tâm trạng hay cá tính nhân vật mà để lọt những hình ảnh phản cảm, có tác động xấu của thuốc lá trên sân khấu, màn ảnh hay truyền hình. Thông tư số 25/2018 thể hiện tinh thần “hạn chế” chứ chưa “cấm” tuyệt đối hình ảnh thuốc lá, nhưng cũng đã đến lúc các nghệ sĩ, diễn viên cần tìm kiếm và trau dồi những kỹ năng diễn xuất mới mẻ hơn khi cần thể hiện nội tâm, sự suy tư, bế tắc hay thăng hoa của nhân vật. Các nhà làm phim, đạo diễn sân khấu cần chủ động lựa chọn những cảnh thật đắt giá, phù hợp và phải thật cần thiết mới sử dụng đến các hình thức hút thuốc để tránh gây phản cảm cho khán giả, mà vẫn toát lên được tính cách nhân vật hay thông điệp của tác phẩm. Trong quá trình thực hiện thông tư, đòi hỏi các nhà quản lý cần tiếp tục lắng nghe và tiếp thu ý kiến để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp; sao cho vừa tuân thủ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, vừa bảo đảm được không gian sáng tạo nghệ thuật.
Nguồn nhandan.com.vn