CÔNG AN BẠC LIÊU
Văn nghệ với người lính và thời cuộc
Cập nhật ngày: 24-10-2018
Sau đợt ra mắt cùng lúc năm tác phẩm lý luận, phê bình văn hóa, văn học, nghệ thuật với gần hai nghìn trang sách cách đây không lâu, nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò lại bất ngờ và vui mừng khi tiếp tục được đón nhận tập sách mới khá dày dặn Văn nghệ với người lính và thời cuộc của GS, TS Đinh Xuân Dũng.

Tập sách Văn nghệ với người lính và thời cuộc (NXB Lao động) dày 350 trang, là tác phẩm thuộc chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2018, bao gồm những bài viết và tiểu luận được tuyển chọn của GS, TS Đinh Xuân Dũng trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 6-2018. Với hai phần nội dung chính: “Cảm nhận về Tổ quốc, đồng đội và văn nghệ” và “Mấy suy nghĩ lý luận từ thực tiễn văn hóa, văn nghệ”, tác giả đã mang đến bạn đọc những bài học kinh nghiệm, sự khái quát từ thực tế để nâng cao thành lý luận về công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội và vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật đương đại. Đồng thời chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ về các giá trị trường tồn đã làm nên bản sắc và bản lĩnh dân tộc trong suốt hành trình lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Lên đường nhập ngũ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, rồi sau này có một thời gian dài làm công tác tuyên huấn trong quân đội, đối với GS, TS Đinh Xuân Dũng và nhiều bạn bè của ông từng khoác áo lính, điều thiêng liêng và trân quý nhất là Tổ quốc và tình đồng đội. Tổ quốc là để họ chiến đấu và sẵn sàng hy sinh quên mình, đồng đội là những người cùng chia sẻ trên các chặng đường chiến đấu, đi qua máu lửa khốc liệt của chiến tranh để đến ngày toàn thắng. Đây là những điều tác giả muốn chia sẻ với thế hệ hôm nay ở phần đầu tập sách “Cảm nhận về Tổ quốc, đồng đội và văn nghệ”, để họ biết và có thể hiểu một cách sâu sắc hơn chiều dài lịch sử nhiều thăng trầm, nhưng vô cùng tự hào của dân tộc. Đồng thời cũng là lời nhắn nhủ hướng về cội nguồn “không thể lãng quên, không bao giờ được quên lãng sự hy sinh lớn lao vì độc lập, tự do và thống nhất trọn vẹn của Tổ quốc”. Bằng những lập luận và dẫn chứng thuyết phục, tác giả đã làm rõ và cho thấy nguồn cội sức mạnh Việt Nam từ một nền văn hóa nghìn năm yêu chuộng hòa bình, của những con người hiền hòa, nhân nghĩa, song cũng vô cùng kiên cường, quả cảm, không bao giờ khuất phục trước mọi thế lực xâm lăng.

Trong phần nội dung này, độc giả có thể thấy những trải nghiệm thực tế gắn bó với công tác tuyên huấn và sau này tham gia quản lý, lãnh đạo Cục Tuyên huấn của quân đội, GS, TS Đinh Xuân Dũng đã có những bài viết về công tác tư tưởng - văn hóa với mục tiêu cao nhất là bảo đảm quân đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, từ nâng cao nhận thức về công tác tư tưởng - văn hóa đến nâng cao chất lượng chính trị, rèn luyện con người, xây dựng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, một giá trị độc đáo, tiếp nối và kế thừa các giá trị của văn hóa quân sự Việt Nam. GS, TS Đinh Xuân Dũng cũng đưa ra những phân tích sâu sắc, nhìn nhận, đánh giá về văn học nghệ thuật cách mạng thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ở hai miền nam, bắc. Qua đó, khẳng định, nền văn học nghệ thuật ấy gắn bó chặt chẽ và đi cùng lịch sử dân tộc với sức sống bền vững và trở thành một tài sản tinh thần quý giá. Cuối phần một, tác giả đề cập đến một số nhà văn quân đội đã có những tác phẩm thành công về người lính cách mạng và cả những vị tướng từng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng - văn hóa của quân đội, để thấy rõ hơn tầm nhìn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với lĩnh vực quan trọng này.

Phần hai tập sách Văn nghệ với người lính và thời cuộc là các bài viết lý luận và phê bình, nêu bật vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, động lực phát triển của kinh tế - xã hội, cảnh báo những sai lầm trong việc hạ thấp vai trò của văn hóa khi rơi vào chủ nghĩa thực dụng kinh tế. Các bài viết và tiểu luận khẳng định vai trò lãnh đạo, định hướng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, nêu lên các thách thức và yêu cầu cần gìn giữ, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; dự báo về đường hướng phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại cùng các giải pháp nhằm củng cố, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học nghệ thuật ở nước ta hiện nay. Bên cạnh những vấn đề lý luận mang tầm vĩ mô, tác giả cũng bàn về những vấn đề thiết thực trong công tác văn hóa cơ sở, xuất bản cũng như đóng góp ý kiến về triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn và xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Cảm nhận chung của bạn đọc khi gấp lại những trang sách Văn nghệ với người lính và thời cuộc là sự khâm phục trước sức làm việc và thành quả lao động của GS, TS Đinh Xuân Dũng, một nhà nghiên cứu đã ngoài tuổi bảy mươi, trong người lại mang nhiều bệnh tật. Đó không chỉ là mong muốn, khát khao được làm việc mà còn là trách nhiệm của thế hệ đi trước với hôm nay và mai sau như ông từng chia sẻ.

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác