Gác việc riêng để góp mặt
Đặc thù của vận động viên (VĐV) thể thao người khuyết tật là tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe. Từ đó, họ sẽ tự giúp đỡ chính bản thân cũng như chính những người thân. Thực tế, đa số VĐV đều có một nghề để “kiếm cơm” chứ không thể trông nguồn thu nhập hằng tháng từ ngành thể thao như các VĐV bình thường khác.
Ở Việt Nam, hiếm nơi nào chi trả bồi dưỡng tiền ăn và tiền công tập luyện hằng tháng cho VĐV khuyết tật. Có chăng, Hà Nội vẫn thực hiện việc này nhưng cũng chỉ với số lượng nhỏ. Dù vậy, các VĐV người khuyết tật cũng được quan tâm hết mức khi được trao thưởng cho thành tích thi đấu quốc tế.
Tuy vậy, thành tích chỉ đến với những VĐV thực sự xuất sắc. Cho nên, quyết định tham dự các kỳ Đại hội thể thao quốc tế dành cho người khuyết tật cũng là cả vấn đề.
Như trường hợp của đôi vợ chồng Cao Ngọc Hùng – Nguyễn Thị Hải ở môn điền kinh. Cả hai tích cóp từ tiền thưởng thi đấu quốc tế để mở quán ăn. Trong thời gian chuẩn bị cho kỳ Đại hội này, cả hai phải tập vào buổi sáng nên không thể bán hàng, đành cho thuê mặt bằng cửa hàng. Đến buổi tối, cả hai mới mở quán chỉ mong thu đủ bù chi, qua đó có thể giúp đỡ được những người phục vụ tại quán – cũng có hoàn cảnh đặc biệt.
Hay trường hợp của tay vợt cầu lông Trịnh Anh Tuấn khi phải xin nghỉ không lương tại một xí nghiệp may trong khoảng 1 tháng trước Đại hội kỳ này. Trong khi đó, kình ngư nổi tiếng Nguyễn Thành Trung cũng tạm chia tay ban nhạc phục vụ các đám tiệc của mình để tập luyện và thi đấu tại ASIAN Para Games 9. Không đi chơi nhạc, từ chối nhiều mối quen cũng đồng nghĩa mất thu nhập.
Vì vậy, Nguyễn Thành Trung chỉ mong sẽ đoạt huy chương tại Đại hội để bù đắp vào những khoản thu nhập bị “rơi vãi” kia. Ý chí của Nguyễn Thành Trung cũng được đền đáp khi anh giành HCV nội dung 100m ếch nam, cũng là tấm HCV đầu tiên của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Đại hội.
|
Đô cử Nguyễn Bình An hoàn thành trọn vẹn giấc mơ tại Đại hội năm nay. |
Còn đô cử nổi tiếng Nguyễn Bình An lại đầy động lực trước kỳ Đại hội này. Chàng trai sinh năm 1985 này từng không may bị bại liệt từ bé nên không thể di chuyển như người thường. Thế rồi, không chờ số phận mang vận may đến, anh tự tìm nẻo mưu sinh. Ban đầu, Bình An tìm đến nghề may rồi sau đó chuyển sang bán vé số tại Trà Vinh cho đến bây giờ.
Trong thời gian ấy, anh bén duyên với cử tạ người khuyết tật và trở thành nhà vô địch thế giới, châu lục, khu vực. Anh cũng đã kết hôn và có 2 cô con gái. Như Bình An chia sẻ thì rất sợ để con phải mặc cảm vì có người bố luôn phải ngồi xe lăn. Vì thế, anh càng quyết tâm thi đấu để đạt thành tích nhằm giúp con luôn tự hào về bố. Đến bây giờ, các con anh luôn tự hào về bố vì bố đã giành đủ loại huy chương quốc tế. Trước Đại hội này, Bình An cũng quyết tâm thi đấu thật tốt để giành huy chương, để khiến các con thêm tự hào về bố. Ngoài ra, anh cũng hy vọng sẽ tích cóp được tiền thưởng từ tấm huy chương của mình để dần hiện thực hóa mục tiêu mở một phòng tập tạ.
Giấc mơ trọn vẹn
Đến lúc này, mục tiêu của những VĐV nổi tiếng như Nguyễn Bình An (cử tạ), Nguyễn Thành Trung, Võ Thanh Tùng (bơi) đã thành hiện thực. Ở môn cử tạ, Nguyễn Bình An và một đô cử khác là Đặng Thị Linh Phượng đã mang về tổng cộng 2 HCV cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Nguyễn Thành Trung cũng giành được tấm HCV để “lấy thu bù chi” trong khi Võ Thanh Tùng cũng đã đoạt HCV và đang hy vọng tái lập thành tích 5 HCV như ở kỳ ASIAN Para Games trước đây.
Những tấm HCV và nhiều tấm huy chương khác tại Đại hội này đã và sẽ khiến các VĐV khuyết tật Việt Nam giảm được nhiều sức ép trong cuộc sống. Nhiều VĐV như Võ Thanh Tùng, Lê Văn Công (cử tạ, không dự Đại hội kỳ này do bị tai nạn giao thông)… cũng tích cóp đáng kể từ tiền thưởng thi đấu quốc tế. Đấy là động lực lớn lao để họ tham dự Đại hội bên cạnh mục tiêu đánh giá quá trình tập luyện thể thao của mình.
Còn với những VĐV có mục tiêu rõ ràng như Nguyễn Bình An thì đây đúng là giấc mơ trọn vẹn. Ở đó, tấm HCV Đại hội không chỉ giúp anh tin rằng các con sẽ tự hào hơn về bố mà còn đem lại khoản thu nhập đáng kể cho gia đình anh. Theo Quyết định 32 năm 2011 của Chính phủ, mức thưởng tại ASIAN Para Games dành cho VĐV người khuyết tật lần lượt theo mức 35 triệu đồng – HCV, 17,5 triệu đồng – HCB, 15 triệu đồng – HCĐ. Ngoài ra, VĐV phá kỷ lục Đại hội sẽ được thưởng 12,5 triệu đồng. Như thế, các VĐV sẽ có khoản thu nhập đáng kể so với mức thu nhập hằng ngày của họ.
Ông Vũ Thế Phiệt, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội từng khẳng định: “Chúng tôi chưa bao giờ đặt ra vấn đề phải đoạt huy chương hay giao chỉ tiêu nào với VĐV người khuyết tật. Đơn giản, chúng tôi chỉ đề nghị các VĐV phấn đấu hết mình”.
Chỉ cần vậy là đủ bởi sự “hết mình” ấy sẽ mang lại quá nhiều điều cho VĐV. Không chỉ là những cuộc đua tài để biết mình biết người, để thấy rõ hiệu quả mà thể thao mang lại mà còn là cơ hội tích cóp chút vốn liếng hay đơn giản chỉ là lời tự hứa với các con…
Thể thao Việt Nam sớm vượt chỉ tiêu
Năm 2014 ở Incheon (Hàn Quốc), Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đoạt 9 HCV, trong đó VĐV Võ Thanh Tùng (bơi) giành 5 HCV. Tại Đại hội năm nay, khi thiếu nhà vô địch Paralympic Lê Văn Công (cử tạ), Đoàn Việt Nam đặt mục tiêu giành 4 HCV. Tuy nhiên, chỉ sau nửa chặng đường tại Đại hội, Đoàn Việt Nam đã giành 5 HCV.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự ASIAN Para Games – 2018 với 75 thành viên, trong đó có 52 vận động viên. Đoàn tranh tài ở 7 môn trong tổng số 18 môn của Đại hội, gồm: bơi, điền kinh, cử tạ, cờ vua, cầu lông, bóng bàn và Judo.
Minh Khuê
|
Theo: cand.com.vn