Hiện tại VFF có đến 11 ban chức năng trực thuộc Ban chấp hành, nhưng thực tế nhiều ban chỉ có tên cho vui - Ảnh: Tư liệu TT
Đại hội VFF khóa 8 vẫn chưa chốt được thời điểm tổ chức do chưa giải quyết được khâu chuẩn bị nhân sự. Thế nhưng có lẽ người ta quên mất một điều tối quan trọng rằng trước khi bàn tới việc ai ngồi vào ghế nào ở cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá Việt Nam thì phải xem người đó có khả năng thực sự hay không?
Theo yêu cầu của FIFA thì kể từ Đại hội khóa 8 sắp tới, Ban chấp hành mới của VFF sẽ giảm xuống chỉ còn 17 người, nghĩa là giảm 1/4 số người (khóa trước là 23 người).
Ít người mà công việc vẫn như vậy (chưa nói là nhiều hơn), đồng nghĩa là phải chọn cho được những người có năng lực, tầm nhìn, trình độ tương xứng để tham gia bộ máy, để làm việc thực sự.
Đấy quả là bài toán không dễ giải của VFF, nơi mà cách đây không lâu, đã từng có thành viên ngao ngán thốt lên với giới truyền thông rằng: "VFF có đoàn kết bao giờ đâu mà mất".
Thực tế là với hình thức bầu cử hiện nay, Ban chấp hành VFF rất dễ bị vô hiệu hóa, trở thành những "nghị gật", mỗi năm họp 1 lần trong 1-2 ngày hầu như không đem lại tác dụng thực sự gì cả cho bóng đá Việt Nam.
Quyền lực của chủ tịch và phó chủ tịch được Đại hội trao, tất cả mọi sự "của các anh tất" nên BCH chỉ mang tính chất "bù nhìn".
Ban chấp hành VFF hiện nay có đến 23 thành viên nhưng dường như mỗi khi các ủy viên thường vụ (5 người) đã quyết định xong việc gì, thì Ban chấp hành dường như chỉ làm phần việc đơn giản còn lại là tán thành, thông qua mà thôi chứ không thấy phản biện để lật lại vấn đề, tìm giải pháp tốt hơn.
Chức năng, nhiệm vụ thì đã có quy định rõ ràng nhưng trong những lần mà bóng đá Việt Nam gặp thất bại ở sân chơi khu vực như AFF Cup hay SEA Games, hiếm khi nào người ta thấy các ủy viên Ban chấp hành ghé vai gánh vác, chia sẻ trách nhiệm với chủ tịch, phó chủ tịch.
Thêm vào đó, hiện tại VFF có đến 11 ban chức năng trực thuộc Ban chấp hành. Nhưng thực tế nhiều ban chỉ có tên cho vui mà gần như không có bất cứ hoạt động gì trong suốt 4 năm như ban Truyền thông - quan hệ quốc tế, ban Y học thể thao, ban Chiến lược, Hội đồng HLV quốc gia…
Chính vì thế, hơn bao giờ hết, trong bối cảnh sắp tới Ban chấp hành VFF sẽ ít người, nhiều việc thì cần phải bớt đi những "nghị gật" và những bộ phận không cần thiết, thay vào đó là những người có khả năng thực sự để điều hành nền bóng đá Việt Nam.
Theo: tuoitre.vn