Công khai thông tin về hành vi tiêu cực tại lễ hội, điểm du lịch
Cập nhật ngày: 28-02-2018
 
Ngày 27-2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 669/BVHTTDL-VHCS gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Công điện số 240/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018.
 

Bộ yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết. Các đơn vị không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả làm việc; không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh quản lý và tổ chức lễ hội; không tổ chức lễ hội có tính bạo lực, phản cảm, nhằm mục đích trục lợi. Cần rà soát, chấn chỉnh việc khai ấn, phát ấn không đúng nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích và lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, đồ mã tại các cơ sở thờ tự và lễ hội. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm; công khai trên các phương tiện thông tin về những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, điểm du lịch.

Lễ hội Lim, hát Quan họ Bắc Ninh

Sáng 27-2 (12 tháng Giêng năm Mậu Tuất), lễ hội vùng Lim, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh chính thức vào hội, thu hút hàng nghìn người dân và du khách về dâng hương, trảy hội, nghe hát Quan họ.

Hội Lim là lễ hội lớn, được tổ chức vào dịp đầu Xuân mới, mang đậm bản sắc văn hóa vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc và cũng là một trong những lễ hội Quan họ lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Năm nay, theo kế hoạch, phần lễ được tổ chức từ sáng 12 tháng Giêng với các hoạt động dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim. Lễ rước diễn ra vào sáng 13 tháng Giêng, từ Trường tiểu học thị trấn Lim đến đình Lim. Ngoài ra, người dân địa phương còn tổ chức rước sắc từ làng Đình Cả sang đình làng Lộ Bao và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền, chùa. Bên cạnh đó, du khách cũng được hòa mình vào không gian văn hóa Quan họ do các nghệ nhân thể hiện cùng các trò chơi dân gian; trải nghiệm nghề làm gốm Phù Lãng, tranh dân gian Đông Hồ.

Hội thảo "Thơ và những vấn đề thơ đương đại"

Sáng 27-2, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Thơ và những vấn đề thơ đương đại”. Đây là hoạt động mở đầu cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 - năm 2018, sẽ được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất.

18 tham luận tại hội thảo đã tập trung vào ba chủ đề chính: Đánh giá thành tựu của thơ đương đại và những thách thức phải vượt qua; bàn về lý luận và phê bình thơ hiện nay; công chúng thơ và mối tương quan giữa thơ hàn lâm và thơ đại chúng. Một số tham luận đáng chú ý như “Thơ cách tân trong chuyển động thi ca Việt”, “Nhận diện thơ Việt từ sau đổi mới đến nay”, “Bây giờ thơ sống thế nào?”, “Thế hệ thơ đổi mới và câu hỏi thơ với công chúng”… thẳng thắn đề cập đến những thách thức của thơ đương đại, góp phần nhận diện và đưa ra những đề xuất, kiến nghị các hướng đi mang tầm vóc mới trong lao động sáng tạo thơ ca.

Nguồn nhandan.com.vn