CÔNG AN BẠC LIÊU
Bóng đá kết nối con tim Việt
Cập nhật ngày: 25-01-2018
Nhiều năm trước, tôi nghĩ bóng đá như một chất men nồng làm say không chỉ người trong cuộc. Nhưng sáng 23-1 (giờ Mỹ), giữa trời tuyết lạnh của một góc thành phố Chicago, tôi mới ngộ ra: Bóng đá có gì đó giống như ma thuật bởi có sức quyến rũ đến lạ kỳ.
Bóng đá kết nối con tim Việt
Chiến thắng của U-23 VN là chất xúc tác kết nối những con tim Việt. Ảnh: N.K

8h sáng, Trường tiểu học Goudy, học sinh đã vào học nhưng ở một góc sân trường, một nhóm phụ huynh người Việt vẫn nán lại và câu chuyện của họ toàn nói về bóng đá, về thành tích kỳ diệu của U-23 VN tại Trung Quốc.

Tin nhắn của cựu vô địch, kỷ lục gia ở cự ly 100 mét của những năm 1980 Trần Như Hoài cho tôi cứ như tiếng reo: “U-23 VN thắng quá đẹp anh ơi”. Hoài qua Mỹ định cư đã nhiều năm nay và giờ làm tài xế Uber ở San Jose. Dù vậy, nỗi lo mưu sinh dường như quá nhỏ khi: “Đêm qua em thức cả đêm, sáng đi làm không muốn nổi. Thật vui”.

Trong khi đó, cựu kiện tướng bơi lội, vô địch bơi vượt sông Mai Hằng Hà và chồng là Châu Văn Lễ (bóng chuyền Seaprodex) đang sống ở San Diego chia sẻ: “Ở hãng em làm có vài người Việt. Bữa ăn sáng hôm nay chỉ nói chuyện U-23 VN”.

Sáng 23-1, có nghĩa là chỉ vài tiếng sau trận đấu, máy điện thoại của tôi còn có khá nhiều tin nhắn của anh em, bạn bè và phần lớn đều là cựu VĐV của thể thao VN trước đây. Chấp nhận cuộc sống xa xứ vì nhiều lý do khác nhau nhưng từ trong sâu thẳm họ, nỗi nhớ quê hương, nhớ thể thao vẫn đọng lại. Kiên Nguyễn, Cao Xuân Thái - hai chủ công của bóng chuyền Công Nhân Hóa Chất vang danh một thời, hay Hoàng Tố Lynh, nữ hoàng thể dục dụng cụ của VN... đều nói đến chiến tích của bóng đá VN như nói về gia đình mình.

Sáng 23-1, quán cà phê bụi Luck Food trên đường Argyle - khu Việt Nam của Up town Chicago ngập tràn bóng đá. Khách uống cà phê rất nhiều người đầu đã bạc trắng và không ít người đến Mỹ định cư theo diện HO. Nhưng nét mặt họ vẫn rạng ngời sinh khí khi nói đến những chiến thắng nghẹt thở của U-23 VN.

Những cái tên Quang Hải, Tiến Dũng được nhắc đến như những người quen thay cho những âu lo về các chính sách của tổng thống liên quan đến nhập cư hằng ngày. Thậm chí nỗi ám ảnh về bạo lực ở trường trung học tại tiểu bang Kentucky cũng lọt thỏm trong chiến thắng của bóng đá VN.

Người VN mình thật kỳ lạ. Lằn ranh của sự bất đồng về tư tưởng, về mưu sinh dường như nhòa đi khi nói về kỳ tích của người Việt. Riêng mình, tôi lại nhớ đến lời mời tham dự ngày họp mặt của bóng chuyền Sài Gòn ở hải ngoại vào ngày 24-2. Nhưng ý tưởng ban đầu của anh em bóng chuyền đã nhanh chóng được đổi thành ngày họp mặt của thể thao VN tại Mỹ. Quy tụ rồi lan tỏa. Người Việt ở đâu cũng vậy. Trong thâm tâm mỗi con người, hai tiếng Việt Nam vẫn luôn đọng lại để rồi bùng lên khi có cơ hội.

Yêu lắm bóng đá VN bởi điều kỳ diệu không hẳn chỉ là chiến thắng mà đó còn là sự kết nối.

Theo: tuoitre.vn

Các tin khác