CÔNG AN BẠC LIÊU
Cẩn trọng khi khám bệnh tại cơ sở có bác sĩ nước ngoài
Cập nhật ngày: 27-07-2017
Thời gian qua, tại nhiều phòng khám có bác sĩ nước ngoài thường xảy ra tình trạng người đến khám bị “vẽ” thêm bệnh để thu tiền; không minh bạch với người bệnh, thậm chí hù dọa về sự nguy hiểm của căn bệnh để người bệnh phải theo khám lâu dài. Các phòng khám này thường quảng cáo hấp dẫn, khi khám bệnh thường chẩn đoán bệnh nam khoa, phụ khoa, da liễu, cho nên người bệnh rất ngại tố cáo nếu bị lừa.

Anh Nguyễn Ngọc H. ấm ức kể: “Tôi đến Phòng khám đa khoa Thế giới ở quận 5, TP Hồ Chí Minh để khám. “Xem xét” xong, vị bác sĩ người Trung Quốc nói tôi bị bệnh lậu và yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu, máu ngay tại đây. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ yêu cầu tôi đến phòng tiểu phẫu để vệ sinh. Sau đó điều dưỡng cho biết, tôi phải điều trị ngay với giá 12,8 triệu đồng và tiền tiểu phẫu bao quy đầu giá 6,8 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc một triệu đồng/ngày”.

Khi xuống quầy thanh toán tiền, thấy tiền thuốc hơn 6 triệu đồng/ngày đầu, anh H. thắc mắc thì được trả lời, ngày đầu sau tiểu phẫu dùng thuốc tốt nên chi phí như vậy, còn những ngày sau chỉ khoảng một triệu đồng… Nhận thấy phòng khám này tính chi phí điều trị và tiền thuốc quá cao, và kéo dài thời gian điều trị, anh H. đến nơi khác xét nghiệm. Kết quả cho thấy anh H. đã chỉ bị nhiễm trùng đường tiểu và điều trị hậu phẫu bao quy đầu, với chi phí khám và tiền thuốc chưa đến 200 nghìn đồng.

Chị Phan Ngọc U. cho biết: “Tôi đi khám phụ khoa tại Phòng khám đa khoa Thái Bình Dương ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, bị bác sĩ người nước ngoài hù dọa là nếu không tiểu phẫu kịp thời sẽ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Tôi quá lo lắng, cho nên khi họ yêu cầu làm các xét nghiệm, siêu âm... thì tôi đều đồng ý, chỉ mong sao hết bệnh. Phòng khám đã tính hóa đơn tổng cộng hết 24 triệu đồng và cho các loại thuốc về uống. Sau khi về nhà, gia đình mới đưa tôi ra phòng khám khác để khám lại thì bác sĩ ở đây nói bệnh của tôi không đáng ngại, gần như vô hại, chỉ cần điều trị thông thường và vệ sinh cẩn thận.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong sáu tháng đầu năm, Thanh tra sở đã kiểm tra và xử phạt 13 phòng khám có yếu tố nước ngoài (chủ yếu là bác sĩ Trung Quốc), với tổng số tiền phạt 536 triệu đồng. Các hành vi vi phạm thường gặp là: Lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định; lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực trong quá trình hoạt động;…

Theo Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ban đầu khi xin phép hoạt động, tất cả các giấy phép đều do người Việt Nam đứng tên; bác sĩ, y tá, điều dưỡng,… đều là người Việt Nam. Thế nhưng sau khi hoạt động, các phòng khám bắt đầu đưa bác sĩ Trung Quốc vào làm việc. Trong năm 2016, với khoảng 14 nghìn cơ sở y tế tư nhân đang hoạt động, Thanh tra sở đã phạt các hành vi vi phạm với số tiền hơn 10 tỷ đồng; riêng 16 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đã bị phạt 1,1 tỷ đồng.

Những cơ sở đã bị xử phạt như: Công ty TNHH Phòng khám đa khoa 575 bị phạt 308 triệu đồng vì hành vi “thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để hành nghề không bảo đảm điều kiện cần thiết để người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chuyên môn được phép”; Công ty TNHH một thành viên Y học cổ truyền Tâm Đức bị phạt 185 triệu đồng vì hành vi “bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ”; Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Y tế Thái Bình Dương bị phạt 145 triệu đồng vì hành vi “lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật”…

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người bệnh khi đến các phòng khám có bác sĩ nước ngoài. Bác sĩ muốn can thiệp thì phải được sự đồng ý của người bệnh. Người bệnh không nên chấp nhận việc điều trị nửa chừng rồi gợi ý phải điều trị thêm “bệnh phát sinh”, hồ sơ bệnh án, đơn thuốc… phải thể hiện bằng tiếng Việt.

PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Qua hoạt động giám sát cho thấy, bên cạnh các phòng khám đa khoa có chất lượng phục vụ tốt, tuân thủ các quy định của Bộ Y tế, vẫn còn một số phòng khám gây bức xúc cho người dân. Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá chất lượng của tất cả các phòng khám đa khoa (nhất là các phòng khám có bác sĩ người nước ngoài làm việc) và công khai kết quả để người dân biết.

Sở cũng sẽ hướng dẫn và tăng cường quản lý, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài tuân thủ quy định về kê khai giá dịch vụ y tế; niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thu phí đúng giá niêm yết; xây dựng khuyến cáo và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành.

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác