Sự giàu có mà tôi nói đến không phải là vật chất, mà chính là truyền thống tốt đẹp mà bố mẹ tôi đã dày công gây dựng. Mẹ tôi, Trung tá Quách Thị Hiền, bác sĩ, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Công an tỉnh. Bố tôi là kỹ sư nhà máy thuỷ điện Hòa Bình.
Công việc của bố mẹ như hai đường thẳng song song vốn chẳng liên quan nhưng rồi gặp nhau ở một giao điểm duy nhất là sự bận rộn. Buổi sáng tôi thức dậy chuẩn bị đi học, thì bố mẹ đã có mặt ở cơ quan. Đôi lúc tôi ước cũng được bố mẹ chở đến trường, chứ không phải tự đạp xe đến trường mỗi ngày. Mong muốn tưởng chừng như đơn giản quá, lại xa vời hơn tôi tưởng. Thế nhưng tôi lại chẳng bao giờ trách được bố mẹ...
Những cuộc gọi đột xuất nhận được trong đêm, những ca trực cả ngày nghỉ lễ của mẹ. Những chuyến công tác xa, những lần chong đèn thâu đêm trong phòng làm việc của bố. Tôi biết... bố mẹ mình đều đang cố gắng vì điều gì? Lớn lao là vì xã hội, vì người dân. Còn nhỏ bé hơn, chính là vì tôi. Bố mẹ muốn là một tấm gương sáng, để tôi soi chiếu và biết cố gắng cho bản thân mình.
Tôi còn nhớ đợt dịch khủng khiếp vừa đi qua, mẹ tôi dường như chỉ có mặt ở nhà khi đêm đến - để ngả lưng một chút rồi lại chạy đua với ngày mai. Hình như khi đó tôi đã thấy mẹ hoá thành chiến binh. Một chiến binh không lộ mặt, thân mình được bọc kín bằng lớp “áo giáp” bảo hộ y tế. Đằng sau lớp “mặt nạ” là những vết hằn do đeo khẩu trang cả một thời gian dài. Công việc ở bệnh xá ngày nào cũng tất bật: Truy vết, khai báo rồi cả những cuộc điện thoại đột xuất. Mẹ cùng vài người đồng nghiệp gánh vác hết tất thảy. Nhưng tôi lại thấy mẹ chẳng kêu than gì khi về nhà. Hoặc có lẽ là do mẹ đã quá mệt mỏi, thứ động cơ bền bỉ nhất mẹ có để đảm đương khối công việc khổng lồ chính là trách nhiệm đối với đồng chí, đồng nghiệp. Tôi nhớ khoảng thời gian đó mẹ và tôi ít khi nói chuyện được với nhau, mỗi lần nói cũng chỉ dặn dò vài câu, và mẹ lại tiếp tục với công việc tất bật. Nhưng cũng vì thế, mà từng câu mẹ nói với tôi đều ghi tạc trong đầu: “Đây là nhiệm vụ mà mẹ phải làm. Có thể thời gian này mẹ ở bệnh xá còn nhiều hơn ở nhà. Thời dịch cũng như thời chiến. Ai cũng có nhiệm vụ. Và nhiệm vụ của con chính là giúp mẹ quán xuyến việc nhà, tự chăm sóc tốt cho bản thân mình!”.
Lúc đó, tôi vừa thương mẹ vừa cảm thấy tự hào. Tự hào vì bố mẹ đều như những chiến binh dũng cảm. Tự hào hơn nữa là vì tôi tự nhiên thấy mình trưởng thành và tự lập hơn rất nhiều, để mẹ có thể tin tưởng giao nhiệm vụ.
Thế rồi dịch bệnh cũng được kiểm soát, bố mẹ tôi tuy không còn bận rộn nhiều như trước nữa, nhưng vì tính chất công việc vẫn phải đi sớm về muộn. Vì thế, bữa cơm tối nào có đầy đủ các thành viên trong gia đình là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đối với tôi. Đi học về, tôi thấy mẹ đang ở trong bếp nấu nướng, bố chăm chút cho vài chậu cây đã lâu ngày không được tưới nước. Mùi thơm của thức ăn mẹ nấu len lỏi khắp nhà tôi, đó còn là hương vị của tình thân, gia đình. Hạnh phúc không nhất thiết phải là sự tròn trịa hoàn hảo, hạnh phúc là khi cuộc sống vẫn đầy rẫy những lo toan và khiếm khuyết nhưng chúng ta biết vun đắp và trân trọng những phút giây còn được ở bên gia đình.
Bữa cơm hôm ấy, bố hỏi tôi ước mơ của con là gì? Theo lẽ thường, con cái thường sẽ chọn nối nghiệp cha hoặc mẹ. Và trong tôi đã sớm có sự lựa chọn của riêng mình. Tôi muốn trở thành một chiến sĩ CAND. Tôi muốn giống như bố mẹ mình, trở thành một chiến binh dũng cảm, dùng trí tuệ và sức lực của mình để cống hiến như cách mà bố mẹ những năm qua luôn cho tôi nhìn thấy và tự hào. Và tôi cũng muốn trở thành người bảo vệ, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp mà bố mẹ đã dày công đắp xây, hy sinh nhiều thứ để có được.
Người ta thường hỏi ước mơ của bạn đáng giá bao nhiêu? Câu hỏi đấy khó có ai trả lời được. Nhưng nếu hỏi rằng ước mơ của bạn từ đâu mà có? Thì tôi sẽ chẳng ngần ngại mà tự hào nói rằng: Ước mơ của tôi là hạt mầm được mọc lên từ mảnh đất giàu có gia đình, được nuôi dưỡng bằng sự cống hiến không ngừng nghỉ và tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ!
Nguồn: cand.com.vn