CÔNG AN BẠC LIÊU
Những người thầm lặng bảo vệ “vùng xanh, vùng đỏ”
Cập nhật ngày: 17-11-2021
Họ là những Bảo vệ dân phố, cánh tay đắc lực của lực lượng Công an cơ sở trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự khu phố. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, họ cũng là những người âm thầm lăn lộn tại những con hẻm, khu phố để canh giữ an toàn “vùng xanh”, bảo vệ nghiêm ngặt “vùng đỏ”. Rất nhiều người bị nhiễm dịch bệnh, có trường hợp bệnh nặng nên đã không qua khỏi, bỏ lại những đứa con nhỏ không người chăm sóc…

Tình nguyện giữ vững “vùng xanh”

Con hẻm 108 Thành Thái, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh vốn đang vững vàng chống chọi với đại dịch thì đột nhiên xuất hiện F0. Người dân ai nấy đều cửa đóng then cài, không ló mặt ra khỏi cửa, nhưng con hẻm này lại là lối đi tắt của nhiều người từ nơi khác muốn ra đường Tô Hiến Thành trong những thời điểm tắc đường và lâu dần thành quen.

Nhận thấy nguy cơ từ “vùng xanh” chuyển thành “vùng đỏ”, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của hàng trăm cư dân, anh Bùi Văn Tuấn đã xung phong ra làm bảo vệ dân phố, ngày đêm bắc ghế ra ngồi tại đầu con hẻm. Cùng với Công an phường và y tế địa phương, anh chăng dây, gắn biển “vùng xanh”, kê chiếc bàn to ngay giữa hẻm để người giao hàng để lên đó cho anh sát khuẩn và gọi điện thoại cho người dân ra lấy, đối với người dân ngoài khu vực thì anh hướng dẫn lưu thông theo hướng khác…

Sự tình nguyện của anh Tuấn, ngay từ lúc đầu đã được đa số bà con hoan nghênh, song cũng có vài ý kiến dè bỉu. Bỏ ngoài tai tất cả những lời đàm tiếu, anh Tuấn vẫn miệt mài với công việc gần như là “vác tù và hàng tổng”, hàng ngày tiếp nhận hàng hóa mang đến tận cửa những hộ gia đình đặt mua, nhẹ nhàng nhắc nhở những ai chưa thực hiện nghiêm biện pháp “5K”, bảo vệ khu vực lấy mẫu xét nghiệm, tuần tra bảo đảm an ninh khu phố.

Đến ngày hết giãn cách theo Chỉ thị 16, thấy địa bàn bình an, nhiều người dân đã tìm anh để tặng quà cùng lời cảm ơn, những người đàm tiếu trước đó cũng nói lời xin lỗi, nhưng anh Tuấn chỉ cười bảo: “Dịch khiến cho ai cũng lo lắng, tâm lý bất ổn nên lỡ lời một chút cũng không sao đâu. Nay mọi người đều khỏe, tui thấy ấm lòng lắm rồi…!”.

Cũng tự nhận công việc “vác tù và hàng tổng” một cách tự nguyện chỉ với mong muốn giữ cho khu phố mãi là “vùng xanh”, nhưng lúc đầu chị Thùy ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh bị rất nhiều bà con nghi ngờ rằng phụ nữ không thể kham nổi và chắc là bám vào để bán tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm và rau củ mà trước đó chị thường bán theo dạng online. Bỏ ngoài tai tất cả những lời ong tiếng ve, chị Thùy lao vào công việc, giúp đỡ mọi người trong khu phố như giúp chính người thân của mình.

Nơi mà chị Thùy đảm nhận công việc bảo vệ dân phố đa phần là khu nhà trọ với gần 500 công nhân và người lao động tự do thuê ở. Hầu hết trong số đó đều thuộc diện làm ngày nào ăn ngày ấy nên chỉ vừa thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 được vài ba ngày đã bị thiếu hụt đồ ăn, thức uống và thuốc men, đặc biệt rất đông các cháu nhỏ đói sữa phải uống nước cháo.

Nhìn những hoàn cảnh khó khăn mà không cầm lòng được nên cứ sau khi xuống ca trực chốt phong tỏa, chị Thùy lại tranh thủ liên hệ với những bạn thân quen xin từng mớ rau, con cá mang về gửi tận tay các hộ khó khăn, ngoài ra chị cũng bỏ tiền túi mua sữa tặng cho các cháu nhỏ.

Chỉ sau hơn một tuần bắt tay vào việc, chị Thùy đã khiến cho tất cả mọi người trong khu phố phải thay đổi suy nghĩ, chuyển sang yêu thương, lắng nghe những gì chị truyền tải đúng và góp ý khi cảm thấy phương pháp khác tốt hơn. Bà con cũng không tự ý ra ngoài mua sắm, công nhân cũng từ bỏ thói quen tụ tập đám đông, ngoan ngoãn ở yên trong phòng trọ và nếu có thiếu thốn gì hoặc cần mua thuốc chữa bệnh cho các cháu nhỏ đều gọi cho chị Thùy bất cứ giờ nào trong ngày.

Ngày hết giãn cách xã hội, chị Thùy xin nghỉ công việc bảo vệ dân phố mà chị nói là “thời vụ” để trở về với công việc chính là mua bán hàng online khiến nhiều người dân cứ ngẩn ngơ nuối tiếc bởi ngoài giữ yên “vùng xanh”, chị còn giống như ruột thịt của tất cả những hộ dân lao động nghèo trong khu vực.

Những người thầm lặng bảo vệ “vùng xanh, vùng đỏ” -0
Anh Bùi Văn Tuấn thường trực tại chốt bảo vệ “vùng xanh” ở phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Chấp nhận nguy hiểm, chỉ mong khu phố được an toàn

Đại dịch ập đến, con hẻm 1368 thuộc KP24, phường Tân Tạo, quận Bình Tân lập tức trở thành khu vực nguy hiểm “vùng đỏ” vì xuất hiện nhiều ca F0. Người dân trong hẻm chủ yếu là lao động nghèo và công nhân thuê trọ ít có kiến thức về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế nên khi cơ quan chức năng lập chốt phong tỏa, Bảo vệ dân phố Trần Văn Nhôm đã xung phong “ăn ngủ” tại đầu con hẻm.

Vài ngày đầu, anh Nhôm chỉ chuyên tâm giữ chặt chốt kiểm soát để nội bất xuất, ngoại bất nhập và nhận hàng hóa mà bà con đặt mua đem khử khuẩn rồi gọi điện cho gia chủ đến nhận. Đến khi phát hiện có gia đình, toàn bộ thành viên đều dính F0 thì sau khi nhận hàng hóa xong, anh Nhôm tranh thủ mang đến tận cửa rồi thông báo để họ nhận, ai nhờ mua thuốc men và một số loại nhu yếu phẩm, anh Nhôm cũng giúp.

Mờ sáng, đang trực chốt, anh Nhôm bỗng thấy nhức đầu, chóng mặt và ho khan. Sau khi tự test nhanh phát hiện cả hai vợ chồng bị nhiễm dịch bệnh, anh Nhôm gọi điện thông báo cho Cảnh sát khu vực và được hỗ trợ ngay túi thuốc điều trị. Tưởng chỉ nhẹ, hai vợ chồng quyết định tự cách ly điều trị tại nhà, nhưng nửa đêm hôm ấy, bệnh có chiều hướng tăng nặng khiến cả hai vợ chồng anh khó thở, chân tay thì mỏi nhừ không nhấc lên nổi. Gọi cho y tế cơ sở thì nhận được câu trả lời “đã quá tải, liên hệ với tuyến trên”.

Anh Nhôm chỉ còn biết cầu viện anh Sang – Cảnh sát khu vực và lập tức được đồng chí Cảnh sát khu vực dùng xe gắn máy đưa cả hai đến bệnh viện và cuộc đấu tranh sinh tử với COVID-19 bắt đầu xảy ra bởi anh Nhôm chưa thể tiêm vaccine vì vừa mổ khối u não. Cảnh sát khu vực đưa vợ chồng anh Nhôm đến bệnh viện quận Bình Tân thì lập tức bị từ chối vì giường bệnh đã kín từ lâu, lại không thể có nhân viên y tế điều trị, đến bệnh viện Bình Dân cũng bị từ chối với lý do tương tự.

Nhận thấy sức khỏe của vợ chồng anh Nhôm suy yếu quá nhanh và có nguy cơ tử vong trên đường do bình oxy mang theo đã cạn, anh Cảnh sát khu vực đã động viên cả hai rồi tức tốc đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi đã qua cơn nguy kịch, bác sỹ điều trị mới thông báo cho vợ chồng anh Nhôm biết là chỉ chậm vài phút thì khả năng sống gần như bằng không.

Bệnh tình mới đang có chiều hướng thuyên giảm thì anh Nhôm lại nhận tin không vui khi biết anh trai mình cũng vừa là bảo vệ, vừa là Tổ trưởng tổ dân phố 25 bị dính F0 và cũng có chiều hướng trở nặng. Cũng may các bác sỹ kịp thời phát hiện đã động viên, chia sẻ nên anh Nhôm đã trấn tĩnh lại và nhanh chóng được xuất viện sau 10 ngày điều trị.

Trở về địa phương, anh tự cách ly tại nhà thêm một tuần rồi lại tiếp tục lao giữ chốt kiểm soát phòng, chống dịch, bảo vệ khu vực xét nghiệm, lên danh sách những hộ gia đình khó khăn để được nhận trợ cấp, tuần tra phòng chống tội phạm và đặc biệt là mang kinh nghiệm chiến thắng F0 giúp đỡ những trường hợp F0 khác…

Không may mắn như vợ chồng anh Nhôm, anh Đinh Chánh Định, tổ viên Tổ bảo vệ dân phố KP5, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh vừa nhiễm COVID-19 được vài ngày thì trở nặng và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 10/8/2021.

Trước đây, anh Định làm công nhân cầu đường với thu nhập ổn định, nhưng quanh năm suốt tháng chạy theo công trình nên cứ nay đây, mai đó. Năm 2014, khi người vợ đã ly hôn giao lại đứa con chậm phát triển cho anh chăm sóc, anh đã quyết định xin nghỉ việc về nhận một chân làm Bảo vệ dân phố với mức trợ cấp hàng tháng là 2,2 triệu đồng và những lúc rảnh rỗi chạy xe ôm kiếm thêm tiền lo cho con. Nhờ có sức khỏe tốt và có lẽ cũng nhờ “trời thương” hoàn cảnh vất vả nên mặc dù ban ngày lao động quần quật, tối đến thì xuống đường tuần tra phòng chống tội phạm nhưng không mấy khi anh Định bị đau bệnh, chỉ thỉnh thoảng sổ mũi, hắt hơi vài cái rồi hết luôn.

Dịch bệnh căng thẳng, các chốt kiểm soát phòng, chống dịch được thiết lập, anh Định nhận nhiệm vụ vừa trực chốt, vừa hỗ trợ bảo vệ an toàn các điểm tiêm vaccine, các điểm lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển các túi nhu yếu phẩm đến từng hộ gia đình trong khu phố… Do phải tiếp xúc với rất nhiều người ở nhiều khu vực khác nhau nên đến sáng ngày 31-7-2021, sau khi xét nghiệm, anh Định cùng 2 bảo vệ dân phố khác có kết quả dương tính với COVID-19.

Gửi đứa con trai (22 tuổi nhưng giống trẻ 4-5 tuổi vì chậm phát triển) cho bà con chòm xóm chăm sóc hộ, anh Định lên xe đến Bệnh viện quận Bình Thạnh điều trị. Những ngày đầu, bệnh tình thuyên giảm rất nhanh nên anh Định cũng an tâm và thường xuyên gọi điện thoại căn dặn cậu con trai phải biết nghe lời cô dì bên hàng xóm, chờ vài ngày ba sẽ về, nhưng đến ngày thứ 7, bệnh bỗng trở nặng đột ngột. Mặc dù được các y, bác sỹ cố gắng hết sức nhưng không thể làm gì được và anh Định đã trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện vào ngày 10/8/2021.

Theo: cand.com.vn

Các tin khác