Nguyên nhân tử vong khi cắt amidan
Cập nhật ngày: 27-12-2016
 
Tại Mỹ, trong 1,2 triệu người cắt amidan có 500 ca tử vong và gần 2.000 ca bị các biến chứng khác. Tỷ lệ tử vong chung trên toàn thế giới vào khoảng 1/1.000-1/10.000 trường hợp.
 

Ở Việt Nam, năm 2008, bệnh nhân Thu H, 16 tuổi (quận 2, TP HCM) sau khi vừa cắt xong amidan thì bất ngờ ngất xỉu khi nhân viên bệnh viện đang dìu em từ giường mổ sang băng ca. Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, hút đàm dịch và hỗ trợ thở bằng máy.

Nguyên nhân tử vong khi cắt amidan

Trái với dự đoán ban đầu của các bác sĩ là bệnh nhân chỉ bị sốc thuốc, Thu H có triệu chứng hôn mê sâu, nhiều tuần liền em không tỉnh dậy, mọi sinh hoạt cá nhân đều không thể kiểm soát... Em được cắt amidan bằng phương pháp gây tê.

Tiếp đến, ngày 22/7 cùng năm, anh Nguyễn Đức T (28 tuổi, trú tại thôn 7, xã Đắk La, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) đến bệnh viện để cắt amidan trong tình trạng sức khỏe bình thường. Anh được các bác sĩ tại bệnh viện này tiến hành mổ cắt amidan bằng phương pháp gây mê nội khi quản.

Tuy nhiên, đến trưa ngày 23/7, khi vừa được phẫu thuật xong thì anh Thuận có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, mạch không bắt được... Mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng rạng sáng ngày 26/7 anh đã tử vong. Sang ngày hôm sau, khi mổ khám nghiệm tử thi kết quả cho thấy anh bị tử vong là do phù phổi cấp sau gây mê.

Ngày 2/4/2012, anh Ngô Văn T (28 tuổi, Hải Phòng) đã tử vong khi vừa được các bác sĩ gây tê, chuẩn bị làm thủ thuật cắt amidan tại bệnh viện.

Sáng 17/5 cùng năm, chị Nguyễn Thị Phương T, trú tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc đến bệnh viện huyện cắt amidan. Sau vài giờ đồng hồ chị T đã tử vong…

Ngày 31/10 năm nay, bệnh nhân Nguyễn Thị T (sinh năm 1981, trú tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) tử vong “bất thường” sau khi vào bệnh viện đa khoa tỉnh cắt am​ida​n.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân được các bác sỹ chẩn đoán viêm am​ida​n mãn tính quá phát và được chỉ định mổ. Ngày 2/11, bệnh nhân được phẫu thuật cắt am​ida​n bằng dao điện gây mê nội khí quản.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn, bệnh viện đã tiến hành cấp cứu, sau đó chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên để cứu chữa. Tuy nhiên, khoảng trưa cùng ngày, bệnh nhân đã tử vong.

Nguyên nhân tử vong

Theo các bác sĩ chuyên khoa, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong hoặc biến chứng sau khi cắt amidan. Bệnh nhân cắt amidan thường tử vong vì 2 lý do: một là chảy máu nhưng không được xử lý kịp thời, hai là do thuốc gây tê, gây mê như nhầm thuốc, thuốc quá liều hoặc bệnh nhân bị phản ứng với thuốc.

Ngoài ra, cũng có thể do bệnh nhân có mang bệnh sẵn trong người như tim mạch, lao phổi... nhưng các xét nghiệm thường quy không phát hiện được. Chỉ sau khi phẫu thuật bệnh mới bộc phát làm bệnh nhân bị tử vong hoặc biến chứng.

Thông thường, trước khi chuẩn bị phẫu thuật cắt amidan, bệnh nhân đều được kiểm tra về tình trạng sức khỏe, bệnh sử... Sau đó, bác sĩ mới gây mê và mổ. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển sang phòng hậu phẫu để theo dõi.

Khi bệnh nhân được chuyển sang phòng hậu phẫu, các kỹ thuật viên tại phòng này có thể do chủ quan nên đã rút ống nội khí quản sớm hơn so với sự hồi phục lẫn phản xạ của bệnh nhân.

Sau khi rút ống nội khí quản, trong một thời gian ngắn bệnh nhân vẫn có thể tự thở do lượng ôxy trợ thở trong lúc phẫu thuật vẫn còn sót lại. Tuy nhiên, sau khi cạn lượng ôxy này, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái hôn mê sâu và nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp bệnh nhân bị chảy máu vết mổ nhưng chưa kịp lấy lại phản xạ tự nhiên sau mổ, nên máu sẽ chảy ngược vào phổi làm suy hô hấp dẫn đến tử vong... Điều quan trọng là khi cắt mổ amidan, phải có sự giám sát kỹ của kỹ thuật viên phòng hậu phẫu, đặc biệt cần thiết là phải canh đúng thời điểm để rút ống nội khí quản.

Lời khuyên dành cho các bệnh nhân viêm nhiễm amidan là chỉ nên cắt bỏ amidan nếu bị viêm quá 4 lần trong 1 năm, mỗi lần viêm kéo dài hơn 1 tuần, có các biến chứng gần như: viêm tai giữa, viêm mũi họng, phế quản hoặc biến chứng xa viêm cầu thận, viêm màng ngoài tim, viêm khớp...

Đối với bệnh nhân còn nhỏ tuổi, chỉ nên phẫu thuật cắt bỏ amidan khi đã trên 7 tuổi và amidan đã quá to làm cản trở đường hô hấp gây khó thở trong lúc ngủ.

Theo: Vietnamnet.vn