Cứu sống bệnh nhân bị bỏng gần 90% cơ thể
Cập nhật ngày: 21-11-2016
 
Sau hai tháng điều trị tích cực và hơn 10 lần phẫu thuật do bị sốc bỏng nặng với diện tích bỏng đến gần 90% cơ thể, trong đó hơn 60% là bỏng sâu, sức khỏe của Ân đã dần tốt lên và đang được tập vận động để sớm về nhà với mẹ và em trai…
 

Bị bỏng lên đến 90% cơ thể, trong đó có hơn 60% bỏng sâu khiến Ân trở thành 1 trong những ca nặng nhất của khoa Điều trị tích cực – Viện Bỏng quốc gia. 

Những tưởng Ân sẽ không còn cơ hội trở lại cuộc sống như trước đó, thế nhưng bằng sự nỗ lực và quyết tâm của các thầy thuốc Viện Bỏng quốc gia, một lần nữa số phận may mắn lại mỉm cười với Ân, khi sau hai tháng điều trị tích cực và hơn 10 lần phẫu thuật, sức khỏe của Ân đã dần tốt lên và đang được tập vận động để sớm về nhà với mẹ và em trai…

“Cuộc chiến” giành giật sự sống

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phan Đình Hiệp bố cháu Phan Bùi Hữu Ân dường như vẫn không thể tin được phép màu đã đến với con trai 13 tuổi của gia đình anh, bởi cách đây hơn 2 tháng khi theo con trên chiếc xe cấp cứu từ BVĐK Bình Định ra Viện Bỏng quốc gia, anh và cả nhà chỉ có một mong ước duy nhất: “Mong các bác sĩ cố gắng mọi cách cứu lấy cháu và nếu may mắn không xảy ra thì gia đình cũng đành chấp nhận vì cháu bị bỏng quá sâu, quá nhiều”.

Cứu sống bệnh nhân bị bỏng gần 90% cơ thể

Cơ thể bị bỏng đến hơn 60% bỏng sâu của cháu Ân. Ảnh: BS Hoàng Thảo

Anh Hiệp cho biết, cháu Ân bị bỏng ngày 18/7/2016, lúc đó cả hai vợ chồng anh đều đi làm, khi anh chạy về thì mọi việc đã xong rồi, hoảng hốt anh chỉ biết theo xe cùng con lên bệnh viện tuyến tỉnh rồi là chuyển cháu ra ngoài này luôn từ bữa đó.

BS Lê Quang Thảo- Khoa Điều trị tích cực, một trong những thầy thuốc gắn bó với quá trình điều trị của Ân ngay từ ngày đầu tiên cháu nhập viện cho hay: Ca bỏng của cháu Ân rất nặng và được chuyển từ trong Bình Định ra. Với tỉ lệ bỏng lên đến 90% diện rộng và hơn 60% bỏng sâu, phải nói thật với nhau đó là ít ca còn tồn tại đến ngày hôm nay vì Ân bị bỏng sâu dẫn đến suy hô hấp, nhiễm trùng hô hấp, tính mạng như “ngọn đèn trước gió”.

Ngay khi chuyển đến Viện Bỏng quốc gia, cháu Ân đã ngay lập tức được chuyển vào khu vực điều trị cách ly đặc biệt trong tình trạng sốc bỏng nặng. Nhiều phác đồ điều trị cho bệnh nhân có diện tích bỏng, bỏng sâu gần như lớn nhất tại Khoa đã được các bác sĩ lên phương án để tìm cách tốt nhất cứu sinh mạng của cháu Ân. 

Nhiều loại kháng sinh liều cao, rồi thuốc chống nấm, kết hợp lọc máu liên tục, song song với phẫu thuật cắt da hoại tử sớm để loại bỏ nhiễm khuẩn sâu vào đường hô hấp cũng đã có trong bệnh án của Ân. 

Tuy nhiên, do bị bỏng sâu, nên chức năng hô hấp của Ân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cháu phải mở khí quản và thở máy liên tục, dài ngày, trong đó có đợt thở máy kéo dài hơn 2 tuần liền khiến nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi càng tăng cao hơn. 

Bên cạnh đó, với diện tích bỏng nhiều đến gần 90% cơ thể, nên Ân đã phải trải qua hơn 10 lần phẫu thuật cắt hoại tử để ghép da sớm (để đủ da cho các lần ghép của cháu Ân, ngoài nguồn da đồng loại dự trữ tại labo của Viện, các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực đã phải huy động thêm da của người thân cháu Ân mới thực hiện ghép được).

Tỷ lệ tử vong của những ca bệnh tương tự trên thế giới là 90%

Theo TS BS Nguyễn Hải An- Chủ nhiệm Khoa Điều trị tích cực, mặc dù các thầy thuốc của Khoa Điều trị tích cực đã từng tiếp nhận và điều trị cứu sống nhiều trường hợp bị bỏng nhiệt (bỏng lửa, nước sôi), tuy nhiên, các trường hợp đó bỏng nhiều nhất cũng chỉ khoảng 70% cơ thể và sâu nhất cũng khoảng 30-40% cơ thể. 

“Riêng với trường hợp cháu Ân, do cháu bị bỏng quá nhiều và quá sâu, bỏng đường hô hấp. Với diện tích này kết hợp bỏng đường hô hấp, trên thế giới tỷ lệ tử vong có thể đến 90%, nên đã có lúc, chính thầy thuốc chúng tôi cũng phải rơi vào cảm giác tuyệt vọng, vì sức khỏe của cháu Ân quá nguy kịch. 

Thế nhưng, nhờ các giái pháp phối hợp điều trị và sự mạnh mẽ vượt qua những nỗi đau mỗi lần phẫu thuật của cháu, nên tính mạng cháu đã được cứu sống”- TS An chia sẻ

Hiện nay Ân đã được chuyển sang Khoa Phục hồi chức năng để các bác sĩ và kỹ thuật viên hướng dẫn tập vận động. 

Nhìn con trai 13 tuổi đang tập vận động từng ngón tay, ngón chân rồi đi những bước ngắn… anh Phan Đình Hiệp vẫn không tin nổi đó là sự thật. Anh Hiệp nói trong nước mắt “Những tưởng những đau đớn và hiểm nguy của bỏng đã mang cháu Ân lìa xa khỏi chúng tôi, nhưng cháu đã được cứu sống, gia đình tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ đã hồi sinh ra con trai tôi lần nữa. 

Vẫn biết để cháu có thể hòa nhập, trở lại cuộc sống bình thường như trước đó, chặng đường phía trước còn khá gian nan, nhưng nhìn con trai tự đã đứng dậy được, tập vận động, với gia đình tôi cũng là hạnh phúc rồi”…

Cứu sống bệnh nhân bị bỏng gần 90% cơ thể

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho cháu Ân tại Viện Bỏng quốc gia - Ảnh: BS Hoàng Thảo

Cũng theo TS Hải An, tại Khoa Hồi sức tích cực vẫn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị bỏng nhiệt. 

Tuy nhiên, có một thực tế có khá nhiều trường hợp do gia đình chưa biết cách sơ cứu bỏng ban đầu, hoặc không đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị mà tin tưởng vào cách điều trị đắp thuốc nam… đã khiến cho việc chữa trị bỏng thêm khó khăn, thậm chí còn gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Đã có trường hợp trẻ bị bỏng vì gia đình tin tưởng vào đắp thuốc nam, nên khi chuyển đến viện, cháu đã bị sốt cao, co giật, rối loạn điện giải, chức năng gan…

Các thầy thuốc chuyên ngành bỏng khuyến cáo nạn nhân bị bỏng không bôi kem đánh răng lên vết bỏng mà chỉ ngâm nước mát 15-20 phút, cố gắng bảo tồn vòm nốt phỏng, tránh làm trợt vòm nốt phỏng. 

Nếu đã vỡ thì có thể bôi các loại mỡ có kháng sinh lên vết bỏng, hoặc đắp gạc vô trùng, thậm chí đắp khăn mặt tẩm nước sạch lên vết bỏng, băng kín và đưa đến cơ sở y tế. 

Trường hợp diện tích bỏng lớn, chiếm diện tích trên 10% diện tích cơ thể ở trẻ em hoặc trên20% ở người lớn, không nên ngâm lâu trong nước, sau khi hạ nhiệt vùng bỏng cho bn bằng nước sạch, tiến hành băng kín vùng bi bỏng, ủ ấm bệnh nhân, chuyển đến cơ sở y tế để cấp cứu.



Theo: Vietnamnet.vn