Dội nước đá cứu người bị bỏng, đúng hay sai?
Cập nhật ngày: 21-11-2016
 
Các chuyên gia y tế cảnh báo, sơ cứu bỏng bằng nước đá vô tình khiến tình trạng nạn nhân thêm nặng.
 

Chiều 17/11, trên đường Trưng Nhị (Hà Đông, Hà Nội) đã xảy ra vụ nổ bốt điện khiến ông Vũ Đình Thái (63 tuổi) tử vong và bà Nguyễn Thị Hạnh (57 tuổi) bán hàng nước bị bỏng nặng.

Dù được đưa vào BV cấp cứu, nhưng ông Thái đã không qua khỏi. Vụ việc cũng làm 3 người khác bị thương.

Trong một clip được chia sẻ lên mạng xã hội, khi thấy một nạn nhân la hét khi bị bỏng nặng, người phụ nữ đã sơ cứu bằng cách dùng nước đá dội lên người này.

Dội nước đá cứu người bị bỏng, đúng hay sai?

Dội nước đá lên người nạn nhân bị bỏng trong vụ nổ bốt điện

Việc sơ cứu bỏng bằng cách dội nước đá lạnh đã gây ra nhiều tranh cãi. Có người cho rằng dội nước lạnh sẽ giúp hạ nhiệt cơ thể nạn nhân bị bỏng, cũng có người cho rằng phương pháp trên không đúng cách và có thể khiến nạn nhân nguy kịch hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ThS. BS. Phan Thái Sơn - Trưởng khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bản chất của bỏng ở sự việc nêu trên là do quá trình chập điện làm cho bốt điện bị phát nổ.

Trong bốt điện có chứa các dung dịch, bị nóng lên và tăng áp suất làm vỡ ra. Khi đó, những người đứng bên cạnh đã bị các chất lỏng bên trong bốt điện văng vào người gây ra hiện tượng bỏng.

BS Sơn khẳng định, tất cả các khuyến cáo của thế giới về vấn đề sơ cứu bỏng thì việc lấy nước đá lạnh dội vào nơi bị bỏng là không đúng.

Cách sơ cứu người bị bỏng đúng cách

Theo BS Sơn, nhiệt độ của nước đá sẽ thấp hơn nhiệt độ của cơ thể rất nhiều. Thậm chí nếu bỏ nhiều đá trong nước, thì nhiệt độ đó có thể xuống gần 0 độ C.

Trong khi đó, tại chỗ bị bỏng nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể, có thể lên đến 45 – 50 độ C.

Nếu dùng nước đá để hạ nhiệt độ nhanh tại chỗ như vậy thì nó sẽ làm tình trạng tổn thương của bỏng nặng lên - BS Sơn nói và cho biết, khi ấy cần đưa phần cơ thể bị bỏng dội dưới vòi nước sạch hoặc ngâm trong chậu nước với nhiệt độ bình thường trong khoảng thời gian từ 15 – 20 phút.

Dội nước đá cứu người bị bỏng, đúng hay sai?
(Theo: afamily)

Cũng theo vị Trưởng khoa Cấp cứu, đối với những nạn nhân khi bị bỏng mà hóa chất văng vào, thấm trên quần áo thì cần nhanh nhất cắt bỏ quần áo trên người nạn nhân để tránh làm tăng tổn thương và độ sâu của bỏng lên.

Với người sơ cứu nên sử dụng dụng cụ để cắt bỏ quần áo, không nên trực tiếp lột bỏ quần áo của nạn nhân ra vì có thể làm bóc phần da bị bỏng.

Sau khi cắt bỏ quần áo, tiếp tục làm phần cơ thể mà quần áo che phủ với nước sạch trong thời gian 15 - 20 phút để rửa sạch các dị vật bẩn, hóa chất và hạ nhiệt độ xuống gần nhiệt độ cơ thể bình thường.

Tiếp theo, người sơ cứu sẽ dùng các băng gạc sạch phủ lên các tổn thương, tránh để các tạp bẩn tiếp tục vương vào các vết thương và vận chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế để đánh giá mức độ tổn thương và cấp cứu kịp thời.

Việc vận chuyển nên sử dụng dịch vụ cấp cứu của các cơ sở y tế có các trang thiết bị chuyên dụng.

Đối với các trường hợp bỏng nhẹ, sau sơ cứu xong thì nên hướng dẫn người bệnh đến các cơ sở y tế để đánh giá mức độ tổn thương.

BS Sơn nói thêm, bỏng phân chia ra nhiều mức độ, tùy theo diện tích bỏng, độ sâu bỏng, tác nhân gây bỏng, và vị trí bỏng.

Có những tổn thương bỏng diện tích rất lớn nhưng tổn thương bỏng chỉ ở độ 1, độ 2, nghĩa là người bệnh chỉ đỏ da, có các phỏng nước đơn thuần thì việc điều trị rất đơn giản. Với những diện tích nhỏ ở tay hoặc chân, sau khi hạ nhiệt, vết bỏng sẽ dần tự liền lại.

Đối với bỏng hóa chất, sau khi rửa sạch nhưng hóa chất vẫn còn bám ở tổn thương bỏng, làm vết bỏng ngày càng sâu hơn nữa, và ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, mắt, cơ quan sinh dục thì đều là bỏng nặng. Nạn nhân cần phải đến các cơ sở y tế để đánh giá mức độ tổn thương.

Theo: Vietnamnet.vn