Bệnh ung thư máu là một căn bệnh nguy hiểm và thường thì bệnh nhân phải tới giai đoạn bệnh nặng với các triệu chứng biểu hiện rõ ràng mới phát hiện ra bệnh.
Bệnh ung thư máu thường đi kèm với sự sụt giảm, triệt tiêu lớn số lượng các tế bào máu (hồng cầu). Nếu không được điều trị sớm thì tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân mắc bệnh này rất cao.
Triệu chứng phổ biến
Đốm đỏ: Nếu có những đốm đỏ hoặc tím trên da thì bạn hãy đến gặp bác sĩ để chẩn đoán, phòng trước còn hơn để muộn. Bởi hiện tượng này cũng có thể là hệ quả của việc sụt giảm số lượng tiểu cầu trong cơ thể.
Nhức đầu: Không phải cứ nhức đầu là ung thư máu mà cũng có thể do nhiều bệnh lí khác nhưng ở ung thư máu thường xuất hiện các cơn đau dữ dội, đi kèm với đó là hiện tượng đổ mồ hôi, da dẻ xanh xao. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự suy thoái lưu lượng máu đưa lên não khiến não không được cung cấp đủ oxy nên gây đau đầu.
Đau xương: Một trong những triệu chứng chính của ung thư máu chính là đau xương. Các cơn đau có thể xuất hiện tùy theo mức độ của bệnh và thường xuất hiện ở khớp xương chân, đầu gối, cánh tay, lưng… Nguồn gốc của những cơn đau này là từ tủy xương – nơi sản xuất ra các tế bào máu.
Sưng hạch bạch huyết: Các tế bào bach huyết mất dần khả năng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh bên ngoài Viêm hạch bạch huyết là một dạng viêm bạch cầu gây ra do vi khuẩn. Vì thế, sưng hạch bạch huyết thường nổi dưới da của bệnh nhân ung thư máu và không gây đau.
Xanh xao, mệt mỏi: Khi mắc ung thư máu, lượng hồng cầu có trong máu bị suy giảm đáng kể, hiện tượng này còn gọi dễ hiểu hơn là “thiếu máu” Hồng cầu là tế bào máu có chức năng chính là hô hấp, chúng vận chuyển oxy đến tất cả các cơ quan, các mô. Thiếu máu khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, xanh xao bởi cơ thể không đáp ứng được nhu cầu trao đổi dưỡng khí.
Chảy máu cam: Chảy máu cam là hiện tượng khá thường gặp, và nhiều người thường xem nhẹ hiện tượng bệnh lý này. Thông thường, chảy máu cam thưởng xảy ra ở mức độ nhẹ và dễ cầm máu ngay.
Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp lượng máu chảy nhiều, xảy ra liên tục trong nhiều ngày thì ngay lập tức bạn phải nhập viện và khám bệnh. Bởi rất có thể, bạn đã mang bệnh ung thư máu, bởi đây có thể là hệ quả của việc giảm số lượng tiểu cầu – tế bào có tác dụng cầm máu.
Sốt cao thường xuyên: Bệnh nhân mắc ung thư máu thường suy giảm trầm trọng khả năng miễn dịch. Là do các tế bào bạch cầu dần dần mất đi khả năng tiêu diệt vi khuẩn, vi rút từ bên ngoài nên việc bị các yếu tố bên ngoài nhâm nhập vào cơ thể để gây bệnh là một triệu chứng thường thấy khi bị căn bệnh này. Hiện tượng suy giảm miễn dịch thường thể hiện qua những cơn sốt cao, những vết thương nhiễm trùng khó lành.
Đau bụng: Khi sự tiến triển của bệnh ung thư máu gia tăng ở gan và lá lách, nó có thể gây sưng tấy ở các bộ phận này. Chính vì thế, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau bụng, đầy hơi. Mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn và ói mửa thường là kết quả xuất phát từ gan và lá lách bị tổn thương. Đây là triệu chứng khi bệnh đã nặng bệnh đã vào giai đoạn khó khống chế.
Nguyên nhân và phòng ngừa
Ung thư máu là do lượng bạch cầu sản sinh quá nhiều và quá nhanh trong một thời gian ngắn. Bạch cầu vốn được sinh ra để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân từ bên ngoài. Tuy nhiên khi lượng bạch cầu sản sinh quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng bạch cầu ăn hồng cầu.
Hồng cầu sẽ bị phá hủy dần và người bệnh có dấu hiệu thiếu máu. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Đây là căn bệnh ung thư ác tính không hình thành nên khối u.
Bệnh này thường gặp ở những người bị nhiễm chất phóng xạ, hoặc ở trong môi trường quá ô nhiễm.
Ngoài ra còn do hội chứng bệnh Down, hội chứng rối loạn máu và yếu tố di truyền: rất hiếm gặp chỉ vài người trên thế giới. Gần đây có một số nghiên cứu kết luận rằng, bệnh ung thư bạch cầu hay bạch cầu cấp đều không qua yếu tố di truyền.
Có thể phòng ngừa bệnh bằng cách giảm thiểu tiếp xúc với rủi ro gây ung thư (như tránh khói thuốc lá ), thực hiện nếp sống lành mạnh ( không hút thuốc lá, uống nhiều rượu…), dinh dưỡng đầy đủ hợp lý.
Người thường xuyên tiếp xúc với phóng xạ, hóa chất độc mà có những dấu hiệu bệnh bất thường đều nên đi kiểm tra sức khỏe theo định kỳ để sớm phát hiện ra bệnh.
Điều trị ung thư máu
Phương pháp điều trị ung thư máu phụ thuộc vào mức độ của bệnh và sức khỏe của bệnh nhân. Về cơ bản có một số phương pháp điều trị ung thư máu như sau: xạ trị, hóa trị, ghép tủy xương, điều trị kháng thể, cấy tế bào gốc, truyền máu để tạo sinh huyết.
Xạ trị: Là việc sử dụng các chùm tia năng lượng cao nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư máu. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng nó để chuẩn bị một bệnh nhân sắp ghép tủy xương. Một liều bức xạ thấp sẽ làm giảm hệ thống miễn dịch nên cơ thể ít có khả năng từ chối các tế bào của người cho.
Hóa trị: Là việc sử dụng thuốc uống, thuốc tiêm hoặc thuốc truyền vào dịch não tủy theo từng chu kỳ để tiêu diệt các tế bào ung thư máu.
Ghép tủy/Cấy tế bào gốc: Đây là phương pháp áp dụng sau khi người bệnh đã được hóa trị, xạ trị. Những tế bào gốc se được cấy vào người bệnh thông qua một tĩnh mạch lớn. Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả hơn cả với tỷ lệ 50% bệnh nhân có thể kéo dài cuộc sống sau khi thực hiện.
Theo: Vietnamnet.vn