Bé T. nhập viện trong tình trạng khó thở, ho kéo dài, đã điều trị một số nơi nhưng không cải thiện. Chị Lê Thị Ngọc Giàu, mẹ bé T. cho biết, cách đây 3 tháng, bé T. nhặt được đầu bút bi bằng nhựa trong sân trường, cho vào miệng ngậm chơi, trong lúc đùa nghịch với bạn đã nuốt đầu bút bi đó.
Bé thấy khó thở, được gia đình đưa đi khám tại một số nơi ở địa phương nhưng không tìm ra dị vật. Thấy con ho, khó thở kéo dài nên gia đình đưa bé lên khám tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1.
Bé trai L.T.T đã hồi phục sức khoẻ sau khi được làm thủ thuật thành công lấy dị vật. |
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Phó khoa Tai Mũi Họng - BV Nhi đồng 1 cho biết, với những trường hợp như của bé T. đã được BV tuyến dưới điều trị theo phác đồ viêm phổi nhưng không đỡ, bé không có tiền sử hen suyễn, chụp X-quang thấy một bên phổi của bé phát hiện có tình trạng ứ khí. Đây là điều khiến các bác sĩ nghi ngờ bé bị hóc dị vật đường thở.
Kết quả chụp CT –S can vùng cổ ngực tại Nhi đồng 1 đã tìm ra đầu bút bi bị mắc kẹt tại đường ống trong lòng phế quản thùy dưới bên phải. Và rất may là đầu bút bi này có lỗ thông hơi nên phế quản của bé không bị tắc hoàn toàn, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Sau 3 ngày được soi đường thở, và gắp dị vật, tình trạng sức khỏe của bé đã ổn định, không còn khó thở, giảm ho, không đau ngực.
Cách đây một tuần, một bệnh nhi bị sặc hạt chôm chôm cũng được cấp cứu tới BV Nhi Đồng 1, mặc dù đã được BV tuyến dưới đặt nội khí quản nhưng do dị vật chắn ngang đường thở chính nên khi đưa đến BV, dù lấy được dị vật ra nhưng bé vẫn tử vong do đã chết não.
Riêng trường hợp như của bé T. trên, là dạng dị vật không kẹt ở đường thở chính mà rơi vào phế quản hai bên phổi, nếu để lâu sẽ gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, loét và hoại tử gây thủng phế quản, rất nguy hiểm đến tính mạng.
BS khuyến cáo: Theo các bác sĩ, dịp Tết Nguyên đán, năm nào BV cũng tiếp nhận 5-10 ca trẻ sặc hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương, vì thế, các bậc phụ huynh hết sức lưu ý, không cho trẻ chơi, ngậm các đồ vật nhỏ trong miệng. Trường hợp trẻ đã bị sặc dị vật, tuyệt đối không được thò tay vào họng trẻ để móc dị vật ra vì ngón tay người lớn chỉ càng khiến cho dị vật bị kẹt sâu hơn, nguy hiểm cho trẻ. Với các trường hợp trẻ không khó thở nhiều , nên cho trẻ ngồi hoặc bồng trẻ đến ngay cơ sở y tế. Nếu trẻ bị nặng, khó thở, tím tái, cần ép bụng trẻ để đẩy dị vật ra. |