Một số chất phụ gia trong hamburger và các loại thức ăn nhanh khác có liên quan đến việc này.
Tuổi dậy thì trung bình của con gái đã giảm từ 11 tuổi xuống còn 10 tuổi trong vòng 15 năm qua. Một thế kỷ trước, tuổi dậy thì của các em vào khoảng 14 tuổi. Những thay đổi tương tự cũng được ghi nhận ở bé trai.
Di truyền học từng được cho là đóng vai trò quan trọng với thời gian dậy thì nhưng giờ đây, các nhà khoa học đã xem xét tác động của các yếu tố môi trường.
Tiến sĩ Kristian Almstrup, thuộc Đại học Copenhagen của Đan Mạch, cho rằng, paraben - tên gọi chung của nhóm chất bảo quản hóa học được sử dụng rộng rãi nhất trong mỹ phẩm - có thể gây dậy thì sớm do ảnh hưởng đến bộ gen trong cơ thể, gọi là biến đổi biểu sinh.
Ông nói: "Những hóa chất này có trong rất nhiều thứ, thậm chí là chất tẩy rửa quần áo của bạn. Ngoài ra, nhiều chất phụ gia trong thức ăn nhanh cũng là nguyên nhân".
Ăn nhiều thịt
Chuyên gia y tế Arikawe Adeolu làm việc tại Trung tâm y tế liên bang ở Jabi (Nigeria) cho rằng, béo phì và việc tiêu thụ một lượng lớn đạm động vật là nguyên nhân chính gây ra tình trạng dậy thì sớm ngày một nhiều.
Tiếp xúc với hóa chất kiểu như thuốc trừ sâu cũng có thể gây dậy thì sớm, Adeolu nói. "Thông thường, tuổi dậy thì trung bình vào khoảng 11-12 tuổi, nhưng giờ đây, có những đứa trẻ 8-9 tuổi đã dậy thì do tình trạng trẻ em béo phì gia tăng. Một bé gái béo phì rất dễ dậy thì sớm so với những em gầy hơn. Các tế bào mỡ có khả năng sản sinh ra một loại estrogen và nó sẽ bắt đầu quá trình dậy thì".
Tăng lượng tiêu thụ đạm động vật, chủ yếu là từ thịt và các sản phẩm sữa, là một nguyên nhân khác. Trong khi đó, các loại thuốc trừ sâu được gọi là hóa chất phá vỡ nội tiết cũng liên quan đến tình trạng này.
"Các chất hóa học làm thay đổi cân bằng nội tiết cơ thể được tìm thấy trong chai nhựa và các sản phẩm nhựa khác dùng để gói bọc thức ăn nhanh", Adeolu cho biết thêm.
Nguy cơ ung thư vú
Theo tạp chí Atlantic (Mỹ), dậy thì sớm ở bé gái đã trở thành mối quan tâm ngày càng tăng lớn trên thế giới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nó gây ra một số nguy cơ với sức khỏe, như khả năng mắc ung thư vú, các bệnh tim mạch, trầm cảm, đái tháo đường...
Tiến sĩ Joanne Murabito, Phó giáo sư y khoa đại học Y tại Boston cho biết: “Có kinh nguyệt sớm sẽ gây hại tới sự phát triển các điều kiện sức khỏe về sau này".
Một nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu ung thư tại Anh thì đưa ra kết luận, việc phát triển ngực ở trẻ em từ 10 tuổi hoặc trẻ hơn làm tăng nguy cơ ung thư vú đến 20%. Hơn nữa, theo các bác sĩ chuyên khoa, dậy thì sớm ở bé trai còn là căn nguyên gây nên bệnh vô sinh.
Ngoài ra, trẻ dậy thì sớm thường bị thấp lùn khi trưởng thành. Lúc mới dậy thì, cơ thể trẻ được kích thích cao lớn sớm hơn tuổi nhưng xương dài lại bị đóng sớm khiến tổng chiều cao khi trưởng thành bị hạn chế.
Khi trẻ lớn trước so với bạn bè, tâm lý của trẻ sẽ bất an, sợ hãi nên giảm tập trung học tập. Một số trẻ lớn sớm nhưng kiến thức lại chưa kịp lớn theo nên cũng dễ phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục.
Đối phó với tình trạng này, cần hạn chế những đồ ăn nhanh và thực phẩm được chiên nhiều dầu mỡ, nên cho trẻ ăn vặt bằng rau quả, củ.
Đối với trẻ phát triển bình thường, cha mẹ không tự ý dùng các sản phẩm bổ dưỡng có tính kích thích sự tăng trưởng và dậy thì; Không cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm chứa nội tiết tố, mỹ phẩm của người lớn; Hạn chế cho con tiếp xúc tranh ảnh, phim truyện có yếu tố kích dục...
Nguồn: