Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, mặc dù hàu nuôi trên lốp xe ở Lăng Cô có các chỉ tiêu lý hóa, kim loại nặng cao hơn hàu nuôi ở phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, chất lượng hàu nuôi trên lốp xe vẫn bảo đảm các tiêu chí an toàn thực phẩm.
Sở NN&PTNT cũng kết luận, việc nuôi thủy sản trên lốp cao su ở vùng nước nông và nhỏ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường nước, ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực nuôi trồng, vì vậy, cần phải có kế hoạch theo dõi, phân tích môi trường thường xuyên tại vùng nuôi trên lốp cao su.
Về lâu dài, Sở sẽ tiếp tục khuyến cáo các đối tượng cần chuyển đổi hình thức nuôi, tổ chức sắp xếp nuôi hàu bằng các phương thức phù hợp như cọc tre, cọc gỗ, giàn, bè... để vừa bảo đảm mỹ quan, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường biển Lăng Cô.
Trước đó, thông tin hàu nuôi bằng lốp cao su cũ ở đầm Lập An bị nhiễm độc, có thể gây bệnh đường ruột, thậm chí là ung thư, mà không dựa vào ý kiến chuyên gia, hay các kết luận khoa học, đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. Hơn 320 hộ dân ở đây nuôi hàu bị ảnh hưởng do hàu bị rớt giá, từ 200.000 đồng xuống còn 70.000 đồng/kg hàu thịt.
TS. Hoàng Thái Long, Trưởng khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học Huế cho báo CAND biết, nhiều nơi trên thế giới cũng nuôi hàu trên lốp cao su. Còn PGS.TS. Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, khẳng định, ăn hàu nuôi trên lốp cao su không ảnh hưởng đến sức khỏe, bởi hàu ăn sinh vật phù du, chứ không ăn các chất độc hại từ lốp xe trôi ra.
Theo ý kiến chuyên môn của một số nhà khoa học, về mặt hóa học, lốp xe được cấu tạo chủ yếu bằng cao su và các phụ gia khác, qua quá trình flo hóa, clo hóa để trở nên săn chắc, khó tan, khó phân hủy, nên hàu tuy sống bám vào lốp xe nhưng không ăn các chất độc trong lốp xe trôi ra.
|