Mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ 01/01/2025
Cập nhật ngày: 7-01-2025
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Nghị định gồm 04 chương, 55 điều, có hiệu lực từ 01/01/2025.
 

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Theo đó, Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bao gồm: hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Nghị định cũng quy định về mức trừ điểm giấy phép lái xe đối với từng hành vi vi phạm hành chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.

Sử dụng điện thoại khi đang điều khiển ô tô bị phạt 4 đến 6 triệu đồng

Nghị định này quy định cụ thể mức xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước; chở người trên buồng lái quá số lượng quy định.

Trường hợp người điều khiển xe không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; chở người trên xe ô tô không thắt dây đai an toàn (tại vị trí có trang bị dây đai an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Hành vi điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.

Phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông...

Mức phạt 12 đến 14 triệu đồng áp dụng đối với người điều khiển xe dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định.

Phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, ủy ban nhân dân nơi gần nhất.  

Người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều sẽ bị phạt từ 18 đến 20 triệu đồng.

Người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, quay đầu xe trên đường cao tốc bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.

Mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn là từ 6 đến 40 triệu đồng.
 

Cảnh sát giao thông Công an Bạc Liêu tăng cường tuần tra, đảm bảo TTATGT trên địa bàn

Điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng

Về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, Nghị định này nêu rõ:

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe có hành vi dừng xe, đỗ xe ở lòng đường gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường, vỉa hè trái phép.

Hành vi chở theo 02 người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 12 tuổi, người già yếu hoặc người khuyết tật, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật cũng bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.

Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác; chở theo từ 03 người trở lên trên xe; dừng xe, đỗ xe trên cầu sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Người điều khiển xe đi ngược chiều, đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sẽ bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 8 đến 10 triệu đồng sẽ áp dụng đối với người điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 10 đến 14 triệu đồng đối với người điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông.

Mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn là từ 02 đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông như điều khiển xe không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; không có đèn soi biển số; đèn báo hãm sẽ bị phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Trường hợp điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không gắn biển số; gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.

Điểu khiển xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm bị phạt 400 đến 600 nghìn đồng

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, cụ thể:

Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định, đi dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên; dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác; chở người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy buông cả hai tay; chuyển hướng đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Người điều khiển xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ xảy ra và kết thúc trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử phạt.

Trường hợp hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt./.

Hải Linh