Nhiều vụ việc người vi phạm giao thông chống đối, lăng mạ, khiêu khích hoặc tấn công lực lượng CSGT đã gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Đồng thời cũng đặt ra cho chúng ta một vấn đề: Liệu pháp luật và chế tài xử phạt hiện hành chưa đủ nghiêm nên nhiều người mới có thái độ như vậy?
Những ngày qua liên tiếp xảy ra tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bỏ chạy, chống đối hiệu lệnh kiểm tra, chửi bới, ném xe, đe dọa, thậm chí tông thẳng xe vào CSGT. Ngoài ra, còn có tình trạng tài xế say xỉn, chống đối kiểm tra nồng độ cồn... những hành vi này nhẹ thì gây thương tích, nặng thì dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
Chẳng hạn, vào lúc 20h ngày 21/1 vừa qua, tài xế ôtô 5 chỗ là một thượng úy Quân đội không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra nồng độ cồn ở TP Vinh (Nghệ An) đã quay đầu xe tông vào CSGT đang làm nhiệm vụ phía trước rồi bỏ chạy.
Hai ngày trước đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố Đặng Đình Vượng, nam sinh lớp 12, về hành vi “Chống người thi hành công vụ” sau khi đối tượng này lái xe máy vượt chốt tuần tra, tông Thiếu tá CSGT Hồ Sỹ Tích dập phổi.
Cũng liên quan đến sự chống đối lực lượng CSGT, ngày 15/1, tại Km 1101+400 trên tuyến quốc lộ 1A, tổ công tác Trạm CSGT Đức Phổ (Quảng Ngãi) dừng xe đầu kéo BKS 61C-388.39 kéo theo rơ-moóc BKS 51R-137.99 để kiểm tra nhưng bị tài xế chống đối. Khi tổ công tác yêu cầu xuống xe, tài xế đã lấy từ cabin con dao dài khoảng 25cm nhảy xuống đất đe dọa, tấn công tổ công tác.
Tương tự, hai cán bộ CSGT đã bị ôtô húc văng khi đang kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn diễn ra tại thị xã Duy Tiên (Hà Nam).
Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong 10 năm qua đã xảy ra hơn 360 vụ chống đối CSGT. Hậu quả khiến 4 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 194 người khác bị thương. Dĩ nhiên, những hành vi chống đối người thi hành công vụ nói trên bị dư luận bất bình, lên án và xử lý; nhưng cũng đặt ra một vấn đề: Liệu pháp luật và chế tài xử phạt hiện hành chưa đủ nghiêm nên nhiều người mới có thái độ coi thường pháp luật như vậy?
Hiện nay, mức xử phạt hành chính vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ôtô theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ có thể lên tới 30 - 40 triệu đồng; bị tước giấy phép lái xe trong vòng 22 - 24 tháng… Bên cạnh đó, Điều 330 Bộ luật Hình sự đã quy định rõ chế tài xử phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi chống người thi hành công vụ với mức phạt có thể lên tới 7 năm tù. Tuy nhiên, đó chỉ là với vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ bị xử lý hành chính (Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) với mức phạt tiền cao nhất là 8 triệu đồng.
Nhìn rộng ra, cảnh sát Mỹ được coi là lực lượng mạnh tay nhất thế giới trong việc xử lý các đối tượng chống đối người thi hành công vụ. Tòa án tối cao Mỹ đã cho phép hành vi dùng vũ lực có thể dẫn đến chết người từ năm 1989, trong điều kiện cảnh sát cảm nhận được mối nguy hiểm sắp xảy ra một cách hợp lý. Khi tuần tra, cảnh sát Mỹ luôn mang theo súng và được phép “khai hỏa” trong rất nhiều trường hợp khi nghi phạm có dấu hiệu bất tuân mệnh lệnh hoặc chống đối.
Còn cảnh sát ở Na Uy, New Zealand, Anh, Ireland và một số quốc gia khác khi thực hiện nhiệm vụ hàng ngày thường không mang theo súng. Tuy nhiên, khi tình hình trật tự trị an trở nên phức tạp hơn thì nhiều nước cũng phải điều chỉnh tăng thêm chế tài cho lực lượng thực thi công vụ. Sau các vụ khủng bố xảy ra trong những năm gần đây, nhiều quốc gia như Anh, New Zealand hay Na Uy phải xem xét lại quy định dùng súng...
Như vậy, so với một số nước nói trên, luật pháp Việt Nam vẫn chưa đủ độ nghiêm; hay nói một cách dễ hiểu đó là lực lượng thực thi công vụ ở nước ta vẫn còn quá “hiền”, thiếu các công cụ để hỗ trợ. Vì thế mới có chuyện lái xe vi phạm khi giao thông trên đường dám tông thẳng vào cán bộ Công an hoặc hành hung hòng tẩu thoát.
Thực tế các vụ việc cho thấy hành vi chống người thi hành công vụ xuất phát từ thái độ ngông cường, coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ, Và đây là một hành vi nghiêm trọng ảnh hưởng đến trật tự trị an của xã hội nói chung, gây bất bình trong dư luận.
Ở góc nhìn khác, những hành vi chống đối CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn có màu sắc xem thường môi trường sinh hoạt lành mạnh của cộng đồng. Không ai có quyền đứng trên pháp luật, tác oai tác quái trên đường phố để thỏa mãn động cơ thấp hèn cá nhân của mình.
Điều đáng quan ngại ở chỗ, Tết Nguyên đán cũng đang cận kề nên vấn đề lái xe sau khi sử dụng bia - rượu lại càng được đưa lên bàn để… “mổ xẻ”. Bởi vì, với một phong tục tập quán và một nền văn hóa lâu đời như Việt Nam thì “văn hóa rượu bia” khó bỏ, nhất là những dịp Lễ, Tết. Do đó, việc xử phạt người uống rượu bia khi tham gia giao thông vẫn là câu chuyện “trường kỳ”, nhưng chúng ta vẫn phải kiên trì tuân thủ, thực hiện.
Quan trọng hơn, trong xã hội văn minh, mọi hành vi nguy hiểm nơi công cộng đều phải được trấn áp mạnh tay. Mọi sự phân định đúng sai đã có lực lượng chức năng và mọi người đều bình đẳng trước sự chung tay xây dựng cuộc sống tiến bộ. Không ai được phô diễn sự kém ý thức và cũng không ai được nhân danh “phán quan” để đi ngược lại hành trình ấy bằng kiểu ứng xử ngang tàng và manh động.
Nhiều người dân đồng quan điểm rằng cần phải tăng chế tài xử phạt, đưa các vụ ra xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Pháp luật là phải thượng tôn, nếu không sẽ còn tồn tại tư duy chống đối lực lượng thi hành công vụ, sẽ còn thiệt hại nhân mạng vô ích chỉ vì rượu bia và đau đớn hơn khi máu các chiến sĩ vẫn đổ giữa thời bình vì rượu bia, ma túy…