Thói yêng hùng nổi máu giang hồ
Có nhiều kiểu phạm tội khác nhau như, trộm cắp, cướp giật, đánh nhau hoặc đơn giản chỉ vì cái nhìn “đểu” khi ra đường cũng khiến cho máu nóng của các thanh niên mới lớn sôi sùng sục, thói yêng hùng nổi lên dẫn đến tương tàn, thậm chí đoạt mạng sống của đối phương. Đó là trường hợp của H.T.H (14 tuổi) và T.Q.N (18 tuổi) cùng ngụ xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vừa bị Công an tỉnh Đồng Nai tạm giữ để điều tra về hành vi "Giết người".
Nguyên nhân chỉ vì hai thanh niên cho rằng, nhóm ba thanh niên đi xe máy qua mặt mình rồi cười đểu. Sẵn có tí “men” trong người, máu điên nổi lên, H. và N. lao vào nhà dùng xe mô tô đuổi theo. Bị chặn đánh bất ngờ, hai thanh niên đã kịp bỏ chạy, còn K. (18 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) không chạy kịp nên bị H. dùng tay đánh và N. lấy trong túi quần một con dao bấm đâm liên tiếp vào vùng ngực, cổ, đầu, lưng và tay. Sau đó, K. nằm gục trên lề đường rồi tử vong. H. và N. bị lực lượng công an bắt ngay sau đó và chắc chắn sẽ phải trả giá cho hành vi sốc nổi, điên loạn của mình.
Máu ngông cuồng, bất cần của thanh niên mới lớn không chỉ dừng lại ở việc bồng bột, nông cạn, hời hợt, sẵn sàng “động tay chân” với đối phương và không cần biết hậu quả sau này sẽ như thế nào với cuộc đời và tương lai của mình. Không chỉ trẻ ranh, manh động mà trong lối suy nghĩ, trong cách sống, một bộ phận “tuổi teen” lười lao động, ăn chơi sa đà, trác táng, đi trộm cắp, cướp giật ngoài đường.
Vào những ngày đầu tháng 12/2023, tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra những vụ cướp giật tài sản hết sức táo tợn của người đi đường. Từ vụ việc trên, Ban chỉ huy Công an Q.1 (TP Hồ Chí Minh) nhận định vụ án mang tính chất nghiêm trọng, các đối tượng gây án liên tục thể hiện tính chất liều lĩnh và manh động, nhiều khả năng các đối tượng còn rất trẻ và không cư trú tại địa phương nên đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ công an quận phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh nhanh chóng vào cuộc truy xét, bắt giữ những kẻ gây án.
Khẩn trương vào cuộc truy xét, ngày 6/12, tổ công tác xác định hai đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là Phạm Văn Tao (18 tuổi, tạm trú Q.10) và Huỳnh Thị Ngọc Trâm (17 tuổi, quê Đồng Tháp). Hai đối tượng đang phụ bán hàng tại quán cơm trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10) và rủ nhau đi cướp lấy tiền tiêu xài. Tao và Trâm khai nhận đã thực hiện hành vi gây ra hai vụ cướp giật tài sản trên đường Lý Tự Trọng và Lê Duẩn (P. Bến Nghé, Q. 1) vào ngày hôm trước.
Trước đó chưa đầy một tháng, băng cướp nhí gồm 10 đối tượng có độ tuổi từ 16 -17 (ngụ Q.12 và TP Thủ Đức) bị Công an huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) bắt giữ khẩn cấp để điều tra về tội cướp tài sản. Băng cướp này đã gây ra ít nhất 4 vụ cướp giật trên địa bàn các xã vùng ven huyện Củ Chi.
Thủ đoạn của chúng là dàn cảnh, bọc lót cho nhau khi tiếp cận mục tiêu. Một số chặn đầu xe, giả vờ hỏi đường, số khác quan sát xung quanh để dễ bề tẩu thoát. Nạn nhân sau đó bị khống chế, đe dọa bằng dao rạch giấy buộc đưa tiền, nếu không sẽ bị bọn chúng đâm chết. Bị uy hiếp, nạn nhân buộc phải đưa tiền hoặc tài sản có giá trị. Sau đó chúng rút chìa khóa xe máy của nạn nhân vứt đi rồi cả nhóm cùng nhau tẩu thoát.
Băng nhóm này tiếp tục thực hiện thêm ba vụ cướp khác trên địa bàn xã Bình Mỹ nhưng không thành công do bị hại chạy thoát được. Trên đường đi “ăn đêm”, băng nhóm gặp tổ tuần tra Công an xã Bình Mỹ nên tăng ga bỏ chạy. Lúc này, tổ tuần tra truy đuổi và bắt được hai đối tượng, số còn lại chạy thoát. Nhận tin báo, Công an huyện Củ Chi khẩn trương triển khai lực lượng truy xét và bắt được 8 đối tượng còn lại ngay trong đêm.
Trước tình trạng gia tăng tội phạm tuổi teen vào dịp cuối năm, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, hạn chế đi một mình đến nơi vắng người, nhất là ban đêm; không nên mang nhiều tài sản có giá trị trong người, những tài sản như trang sức bằng vàng cần mặc áo dài tay, có cổ cao để che kín lại.
Nếu không may gặp phải đối tượng cướp giật tài sản, người dân không nên chống cự lại, phòng khi đối tượng mang theo hung khí tấn công sẽ nguy hiểm cho tính mạng. Đồng thời, người dân hãy giữ bình tĩnh, ghi nhớ đặc điểm nhận dạng, phương tiện di chuyển, biển số xe của đối tượng để cung cấp cho cơ quan công an nhằm truy xét được nhanh chóng.
Ăn cướp và đánh nhau rơi vào nhóm đối tượng đã nghỉ học từ sớm, gia cảnh khó khăn, ra đời bươn chải kiếm cơm. Nhưng đáng lo lắng hơn còn có nhóm tuổi rất trẻ, đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhóm thiếu niên từ 11-14 tuổi tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chỉ trong 6 ngày đầu của tháng 12 đã gây ra 10 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. Tại cơ quan Công an, cả nhóm khai nhận, do ham chơi, nghiện game nên đã rủ nhau đi trộm cắp tài sản. Mục tiêu cả nhóm nhắm đến là các quán cà phê đã đóng cửa vào ban đêm để ăn trộm tiền và điện thoại di động. Quá trình đột nhập, trộm cắp tài sản, nhóm thiếu niên thường bịt mặt, trùm kín đầu để tránh bị phát hiện. Trong nhóm này có em là nữ, đang học lớp 6.
Cần sự vào cuộc của cả xã hội
Lười làm, siêng ăn chơi đã dẫn lối cho các thanh niên lao thân vào con đường phạm pháp. Đáng nói, các đối tượng tuổi đời còn rất trẻ nhưng hành vi gây án thì liều lĩnh, manh động. Đây là hồi chuông báo động về tội phạm trẻ hóa trong thời gian gần đây.
Ngoài trộm, cướp để có tiền tiêu xài cá nhân, tội phạm tuổi vị thành niên còn sốc nổi đến mức chỉ cần có mâu thuẫn nhỏ với nhau như: Nói xấu trên mạng, nghe nói có người chửi mình, nhìn thấy “ngứa mắt” liền tụ tập, mang theo hung khí nguy hiểm để “xử” nhau, bất chấp hậu quả sau đó là gì. Có nhóm lên tới hàng chục thanh, thiếu niên, trong đó có những em mới 13, 14 tuổi. Mỗi lần tụ tập, nhóm thường đi xe máy kẹp ba, ngông nghênh vác theo hung khí, rồ ga phóng nhanh trên đường. Nhiều thanh, thiếu niên còn chụp ảnh với hung khí rồi đăng lên trang Facebook cá nhân để ra oai.
Từng xét xử nhiều vụ án mà bị cáo là thanh niên mới lớn, Chánh án TAND TP Dĩ An (Bình Dương) Nguyễn Minh Hoàng cảm thấy rất đau lòng và trăn trở. Ông Hoàng nhìn nhận, hầu hết các vụ án liên quan đến thanh thiếu niên đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh mải lo công việc, một số thì bố mẹ sống không hòa thuận dẫn đến thiếu chăm lo cho con cái. Môi trường giáo dục chưa đầy đủ, hạn chế tiếp cận pháp luật cũng là nguyên nhân dẫn đến ý thức phạm tội của số đông bị cáo. Ngoài một số cá biệt cầm đầu, có nhiều em vi phạm chủ yếu do bị rủ rê mà chưa nhận thức được hậu quả.
Theo ông Hoàng, để hạn chế các hành vi phạm tội trên, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần có sự quan tâm đúng mực, có chiều sâu và thường xuyên trong công tác giáo dục, định hướng phát triển cho trẻ vị thành niên đi theo lối sống tích cực, tuân thủ pháp luật mới mong giảm thiểu các vụ án thương tâm.
Cùng quan điểm trên, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh phân tích, những lệch lạc trong tâm lý trẻ em không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình chịu tác động bất lợi từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ bị bủa vây từ trò chơi bạo lực, ấn phẩm phản văn hóa trên không gian mạng và phim ảnh. Do áp lực cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ không có thời gian quan tâm đến con, sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, hay như việc tỷ lệ ly hôn ngày càng cao. Trong hoàn cảnh ấy, trẻ lớn lên mà thiếu vắng sự bảo ban, quan tâm, uốn nắn kịp thời từ người lớn. Chưa kể, có gia đình thiếu hòa khí, cha mẹ thường xuyên cãi cọ, đánh nhau hoặc giáo dục con bằng bạo lực, ép học hành quá mức để đạt thành tích cao…, để lại những vết hằn trong tâm lý của trẻ. Khi không được chăm sóc, giáo dục đúng cách, trẻ rất dễ nảy sinh cảm giác thất vọng về gia đình, về cha mẹ, dẫn tới chán ghét, thậm chí căm thù người sinh thành ra mình.
Nhiều năm tham gia công tác bảo vệ quyền trẻ em, hỗ trợ pháp lý trong những vụ án hình sự do trẻ vị thành niên gây ra, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói bà nhói lòng khi tiếp cận hồ sơ những vụ án này. "Để làm giảm tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, trước hết các ban ngành, đoàn thể ở địa phương, lực lượng Công an tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; khi phát hiện thì xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Điều quan trọng là sự quan tâm của gia đình, nhà trường sẽ tác động đến định hướng, hành động của thanh thiếu niên. Phải nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng, ước muốn và nhanh chóng phát hiện những sai sót trong suy nghĩ, trong hành động của các em để chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời” - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ.
Nguồn: cand.com.vn