Đấu tranh với tội phạm mua bán "hàng nóng" trên mạng xã hội
Cập nhật ngày: 9-10-2023
 
"Hàng nóng" (súng, đạn quân dụng…) hiện được rao bán nhiều trên mạng xã hội mà kẻ mua phần lớn là các đối tượng phạm tội. Tội phạm có "hàng nóng" bao giờ cũng gây hậu quả nặng nề, dễ tước đoạt mạng sống của nạn nhân.
 

Ở tỉnh Bình Dương, tình trạng tội phạm sử dụng "hàng nóng" để buôn bán ma túy, giải quyết mâu thuẫn, cướp tài sản, đòi nợ thuê…có diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Công an các cấp luôn chú trọng, tăng cường phát hiện, triệt xóa các đường dây mua bán "hàng nóng".

385437552_335436955808900_1183967416834826581_n.jpg -0
Các đối tượng Sơn, Mến, Tuấn bị bắt cùng tang vật.

Ngày 19/9, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an TP Thuận An triệt phá một đường dây chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. 3 đối tượng bị bắt gồm: Phạm Hồng Sơn (SN 2004), Nguyễn Văn Mến (SN 1993) và Nguyễn Minh Tuấn, SN 2005, cùng ngụ tỉnh Bình Dương.

Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ 8 khẩu súng, 41 viên đạn cùng nhiều bộ phận, thiết bị, công cụ dùng để chế tạo súng. Phạm Hồng Sơn khai mua các linh kiện về chuyên chế tạo súng, sau đó đăng tải lên các trang mạng xã hội để rao bán. Khi có khách mua súng, Sơn sẽ giao cho Nguyễn Văn Mến giao hàng, nhận tiền. Nguyễn Minh Tuấn là người mua súng.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cũng bắt quả tang Phạm Văn Minh (SN 2004) và Lâm Tấn Thịnh (SN 1995; cùng quê TP Hồ Chí Minh). Phạm Văn Minh tàng trữ 2 khẩu súng kiểu dáng Rulo nòng súng bằng kim loại màu đen và 52 viên đạn. Khám xét nơi ở của Minh và Thịnh, Công an thu giữ thêm 2 khẩu súng dài, 15 khẩu súng ngắn loại rulo ổ xoay, hơn 300 viên đạn và nhiều dụng cụ dùng để chế tạo súng. Minh thừa nhận hành vi chế tạo súng sau đó đăng bán trên mạng xã hội để kiếm lời.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện Nguyễn Tấn Lộc sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải nhiều hình ảnh, clip liên quan đến quảng cáo, giới thiệu và mời chào mua, bán vũ khí, công cụ hỗ trợ. Đơn vị này đã phối hợp cùng Công an huyện Phú Giáo và Công an huyện Bắc Tân Uyên kiểm tra hành chính khi Lộc xuất hiện tại một quán cà phê thuộc khu phố Cổng Xanh, thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, phát hiện Lộc đang giữ trong người 2 khẩu súng Rulo và nhiều viên đạn.

Lộc khai mua súng và đạn của một người không rõ danh tính trên mạng xã hội với giá 6 triệu đồng/khẩu với ý định bán lại kiếm lời. Khám xét nơi ở của Lộc, Công an thu giữ thêm 1 khẩu súng Rulo cùng nhiều tang vật liên quan đến hoạt động mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ… Kẻ mua súng phần đông là các đối tượng tội phạm mà nhiều nhất là đối tượng buôn ma túy, kế đến là trộm cướp, bảo kê, cho vay nặng lãi…Phần nhỏ còn lại là mua để phòng thân, mua để làm kỷ niệm, thậm chí mua súng chỉ để…khoe với bạn bè.

Mới đây, Phòng CSHS Công an tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội kiểm tra hành chính phòng trọ số 5, nhà trọ Lan Phương, khu phố Bình Qưới, phường Bình Chuẩn, TP Thuận An (Bình Dương) do Bùi Viết Dũng (SN 1999, quê Quảng Bình) thuê ở phát hiện Dũng tàng trữ 3 khẩu súng kiểu dáng Rulo, 1 khẩu súng kiểu dáng K59; 29 viên đạn các loại; nhiều vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ; 9 túi nylon chứa ma túy đá và nhiều tang vật khác.

Dũng khai mua súng để phòng thân vì buôn bán ma túy dễ xảy ra đụng trận khi tranh giành địa bàn và còn dùng để chống trả lực lượng truy bắt. Tương tự, Nguyễn Vũ Lâm (SN 1993, quê Cà Mau), Nguyễn Minh Triết (SN 1995; quê Bình Dương) bị bắt về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Kiểm tra phòng trọ của đối tượng, Công an thu giữ 47 túi nylon ma túy, 3 khẩu súng, 55 viên đạn…

Trước đây, các đối tượng thường mua súng từ các tay buôn là người Việt ở Campuchia thì nay đều mua qua mạng xã hội và phần lớn là mua linh kiện về lắp ráp. Các linh kiện xuất phát từ các nước lân cận Việt Nam. "Các đối tượng lên mạng tìm mua linh kiện và đạn của các loại súng như K59, súng bắn đạn hoa cải, súng Rulo bắn đạn bi rồi lên mạng học cách chế tạo, lắp ráp hoàn chỉnh khẩu súng. Có nhiều linh kiện mà các đối tượng mua về lắp ráp được mua lại từ các bộ phận của các loại súng cũ mà người dân còn tàng trữ, chưa giao nộp cho cơ quan Công an"- Một cán bộ điều tra Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết.

Công an khuyến cáo các đơn vị dịch vụ vận tải, xe khách, bưu chính cần nâng cao hơn nữa quy trình giám sát, kiểm tra hàng hoá để tránh bị các đối tượng lợi dụng vận chuyển trái phép các loại vũ khí và linh kiện súng quân dụng.

Nguồn: cand.com.vn