Mê hồn trận những cuộc điện thoại “ma” lừa đảo hàng tỷ đồng
Cập nhật ngày: 27-04-2022
 
Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ đối tượng giả danh cơ quan tư pháp gọi điện cho những người dân thiếu cảnh giác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng triệt để lợi dụng công nghệ cao cùng sự dễ dãi của không ít người dân trong đăng ký, mua bán tài khoản ngân hàng để gây án.
 

Nghe cuộc điện thoại mất ngay tiền tỷ

Vụ việc mới nhất Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội ghi nhận xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy vào ngày 18/4. Sáng hôm đó, anh Nguyễn Văn Hiếu (họ tên đã được thay đổi, SN 1998, quê ở Hà Nam) bỗng nhận được điện thoại của một số máy lạ. Ở đầu dây bên kia, đối tượng tự xưng là Công an. Bằng giọng điệu nghiêm trọng, đối tượng nói anh Hiếu đang vi phạm giao thông và nguy hiểm hơn, anh còn liên quan đến hoạt động mua bán tài khoản ngân hàng để rửa tiền.

Đang còn chưa hiểu chuyện gì, anh Hiếu tiếp tục bị đối tượng “khủng bố”, đe dọa nếu anh không chứng minh được bản thân vô can thì chỉ trong ngày một ngày hai sẽ gặp rắc rối với cơ quan bảo vệ pháp luật. Án tù mà đối tượng đưa ra với anh Hiếu là khá nặng. Để chứng minh bản thân vô tội, đối tượng yêu cầu anh Hiếu phải làm rõ nguồn tiền trong tài khoản của mình là sạch bằng cách chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.

Trong lúc bấn loạn vì bị dọa dẫm, “thần hồn nát thần tính”, anh Hiếu răm rắp nghe theo hướng dẫn của đối tượng. Khi số tiền 50 triệu đồng vừa chuyển khoản xong, định thần lại, lúc này anh Hiếu mới lờ mờ đoán định được bản thân có lẽ bị lừa đảo. Hoảng hốt gọi lại số điện thoại mà đối tượng gọi đến, lúc này anh Hiếu chỉ nhận được những tiếng “tút” dài. Ngay sau đó, anh Hiếu đã đến Công an phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy trình báo sự việc.

Mê hồn trận những cuộc điện thoại “ma” lừa đảo hàng tỷ đồng -0
Một trong những nhóm tội phạm giả danh Công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội bắt giữ.
“Đau” hơn anh Hiếu có lẽ phải kể tới trường hợp của ông Nguyễn Văn Thu (tên đã được thay đổi, SN 1957 ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trước đó, ngày 25/3, ông Thu đến Công an phường Yên Hòa trình báo vừa bị đối tượng lừa đảo mất gần 1,5 tỷ đồng. Vẫn thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan Công an, đối tượng tự xưng là một điều tra viên ở tận Công an TP Đà Nẵng, đe dọa ông Thu đang vướng vào một đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia. Đối tượng viện dẫn đủ những thông tư, điều luật khép ông Thu vào hành vi đặc biệt nguy hiểm, có lệnh tạm giam 6 tháng để tránh bỏ trốn.

Nhận thấy giọng nói run run của “con mồi”, đối tượng tiếp tục “bồi” thêm nếu ông Thu không chứng minh bản thân trong sạch thì ngay sau đó, cơ quan Công an sẽ áp giải về tạm giam, phục vụ quá trình điều tra. Đối tượng gửi cho ông Thu một đường link giả mạo cơ quan Công an và yêu cầu người này phải kê khai tài sản rồi đăng nhập vào đường link trên để “phục vụ điều tra”. Khi đăng nhập và kê khai tài sản xong, ông Thu phát hiện số tiền gần 1,5 tỷ đồng trong tài khoản đã “bốc hơi”, vội vàng đến cơ quan Công an trình báo thì đã quá muộn.

Cũng theo Phòng Cảnh sát Hình sự, ở quận Hoàn Kiếm cũng vừa xảy ra vụ việc tương tự, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Thảo (tên đã được thay đổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngày 30/3, chị Thảo bất ngờ nhận được điện thoại của một đối tượng nữ, giới thiệu là nhân viên bưu điện và thông báo chị có một bưu phẩm của ngân hàng chi nhánh Đà Nẵng ghi khoản nợ là 40 triệu đồng. Người này yêu cầu chị phải thanh toán khoản nợ nếu không sẽ báo cơ quan Công an.

Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ngay sau đó vài phút, điện thoại của chị Thảo tiếp tục đổ chuông. Ở đầu dây bên kia, đối tượng tự xưng là Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng. Đối tượng thông báo chị Thảo bị lộ thông tin cá nhân và tiếp tục dọa hiện cơ quan Công an đang điều tra một đường dây ma túy, rửa tiền. Nhiều đối tượng liên quan đến đường dây trên đã bị bắt giữ và quá trình điều tra đã làm rõ chị Thảo có liên quan, giúp sức đắc lực cho những kẻ phạm tội. Đối tượng yêu cầu chị Thảo phải vào Đà Nẵng để phục vụ cho quá trình điều tra vụ án. Khi chị Thảo nói không thể vào Đà Nẵng được, đối tượng yêu cầu chị Thảo phải tải app thay đổi mật khẩu rồi đăng nhập tài khoản ngân hàng để xác minh. Vừa hoàn thành xong những hướng dẫn thay đổi trong app mà đối tượng gửi cho, chị Thảo phát hiện tài khoản của mình đã bị mất 300 triệu đồng.

"Bật" chế độ cảnh giác, “siết” việc mua bán tài khoản ngân hàng bất hợp pháp

Thông tin với PV, đại diện Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, cách đây 2 năm, cũng với thủ đoạn tương tự, một phụ nữ đã bị chiếm đoạt số tiền lên tới 13 tỷ đồng. Ngoài những đối tượng trong nước, chúng còn câu kết với các đối tượng ở nước ngoài để gọi điện lừa đảo. Các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiện trên màn hình) có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại.

Sau đó, chúng gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng, hoặc liên quan đến các vụ án...Để tăng cường độ dọa và mức độ tin cậy cho bị hại, chúng sẽ nối máy cho người dân nói chuyện với một số đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan Tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) tiếp tục màn kịch lừa đảo.
Mê hồn trận những cuộc điện thoại “ma” lừa đảo hàng tỷ đồng -0
Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thu giữ nhiều tang vật trong vụ bắt giữ ổ nhóm lợi dụng công nghệ cao để gây án.

Lúc này, các đối tượng thông báo người bị hại liên quan đến vụ án đang điều tra nếu không thực hiện đúng theo nội dung chúng đưa ra sẽ bị khởi tố bị can làm người bị hại hoang mang, lo sợ để cung cấp thông tin cá nhân và tài sản. Sau đó, đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định, cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng hoặc hướng dẫn bị hại tải ứng dụng giả mạo có tên “Bộ Công an” và truy cập để cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với vỏ bọc xác minh, điều tra. Khi người dân truy cập vào app đó, đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản của bị hại và chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng đăng tin, bài trên các trang mạng xã hội về việc thuê hoặc thu mua tài khoản ngân hàng. Số tài khoản ngân hàng sau khi thu mua được chuyển qua nhiều đối tượng trung gian sau đó chuyển ra nước ngoài để các đối tượng sử dụng thực hiện nhận tiền chiếm đoạt của bị hại, sau đó chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Chỉ huy Đội Phòng ngừa đấu tranh, hướng dẫn, điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội khẳng định: Việc mở tài khoản ngân hàng sau đó bán lại hoặc thu mua tài khoản ngân hàng để bán cho các đối tượng sử dụng thực hiện tội phạm là hành vi tiếp tay, giúp sức để các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân, đồng thời gây khó khăn cho công tác điều tra, truy xét đối tượng phạm tội. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” theo quy định của Bộ luật hình sự.

Phòng Cảnh sát Hình sự khuyến cáo người dân cần tăng cường ý thức cảnh giác. Lực lượng Công an cơ sở, nhất là CSKV cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Trong trường hợp cần làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương chứ không làm việc qua điện thoại và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân tuyệt đối không được thực hiện theo những yêu cầu của đối tượng, nhanh chóng báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.



Nguồn: cand.com.vn