Loại bỏ “đế chế tín dụng đen” khét tiếng Quân “trọc”
Cập nhật ngày: 12-04-2022
Với sự lọc lõi và tinh vi, xảo quyệt, trong suốt một thời gian dài Thạch Anh Quân (sinh năm 1976, ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã thoát được nhiều lần vây bắt của lực lượng công an. Cuối cùng thì Quân “trọc” – tay giang hồ khét tiếng ở đất Hà Thành cũng phải sa lưới khi Phòng cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội xác lập chuyên án với lực lượng trinh sát kỳ cựu nhất nhập cuộc…
Xây dựng đế chế tín dụng đen
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thạch Anh Quân đã “xuống tóc” với cái đầu nhẵn thín. Biệt danh Quân “trọc” cũng bắt đầu từ đó. Ngổ ngáo từ bé, lại có sức mạnh cơ bắp, Quân “trọc” sẵn sàng lao vào các cuộc ẩu đả với đám bạn cùng trang lứa, thậm chí to lớn hơn mình và phần thắng thường nằm trong tay y. Năm 1991, khi mới 15 tuổi, Quân “trọc” tham gia đánh bạc và bị Cơ quan công an xử phạt cảnh cáo. Một năm sau, Quân tiếp tục bị phạt cảnh cáo về hành vi trộm cắp tài sản. Năm 1993, TAND quận Ba Đình tuyên phạt anh ta 9 tháng về tội cướp tài sản.
Năm 1994, TAND quận Ba Đình xử phạt Quân 30 tháng tù về tội cướp tài sản. Năm 2011, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục tuyên phạt Quân 15 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Với 3 tiền án, 2 tiền sự, Quân là đối tượng có số má trong giới giang hồ đất Hà thành.
Không thua kém người anh cả, Thạch Quân Chính (sinh năm 1979) cũng có tới 2 tiền án và 3 tiền sự. Năm 1994, Thạch Quân Chính bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù về tội giết người. Đến năm 1998, Chính tiếp tục nhận án 12 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng. Năm 2000, Thạch Quân Chính bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Năm 2001, Chính tiếp tục bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Năm 2005, anh ta tiếp tục bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Còn Thạch Thế Nghĩa (sinh năm 1982) là người em thứ ba của Quân “trọc” cũng có 1 tiền án về hành vi giữ người trái pháp luật vào năm 2014.
Với thành tích bất hảo, cả 3 anh em Quân “trọc” gây dựng cho mình một “đế chế” khá vững chắc trong hoạt động cho vay nặng lãi trên đất Hà thành. Lọc lõi và cáo già, Quân “trọc” thừa hiểu rằng nếu để bắt giữ con nợ hoặc sử dụng vũ lực thì sớm hay muộn cũng “mất cả chì lẫn chài”. Quân “trọc” cùng với hai em ruột và đám đàn em đã sử dụng ảnh hưởng của mình để trấn áp, đe dọa tinh thần.
Quân “trọc” đã rất thành công khi buộc bất cứ con nợ nào cũng phải “suy nghĩ lại” nếu có ý định “xù nợ”. Những chứng cứ buộc tội cho hoạt động phi pháp của Quân “trọc” và đám đàn em rất mong manh bởi các con nợ không bao giờ trình báo với Cơ quan công an. Chưa hết, Quân “trọc” cũng hiếm khi phải sử dụng các đòn dao búa.
Cùng với phương thức, thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi, xảo quyệt nên dù hoạt động cho vay nặng lãi từ trước năm 2014, song ổ nhóm này vẫn thoát khỏi sự truy bắt của Công an quận Hoàn Kiếm. Chưa bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ nhưng không có nghĩa Quân “trọc” không nằm trong tầm ngắm của Cơ quan công an. Toàn bộ hoạt động của Quân “trọc” và đàn em luôn nằm trong sự giám sát, theo dõi của Công an quận Hoàn Kiếm. Hồ sơ về ổ nhóm hoạt động tội phạm cho vay nặng lãi trên đã được Công an quận Hoàn Kiếm chuyển lên Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, ngày 9-9-2021, Phòng Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án và xác định nhiệm vụ nhổ tận gốc rễ ổ nhóm tội phạm có tổ chức này. Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm được giao làm chủ công.
Với những trinh sát giỏi nhất được huy động vào cuộc, đồng thời áp dụng đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm của “Số 7 Thiền Quang” đã xác định hoạt động cho vay nặng lãi của Quân “trọc” diễn ra từ năm 2010. Thời điểm này, Quân “trọc” cùng các em ruột của mình và đám đàn em thân tín trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình sử dụng nhà riêng và nhiều địa điểm khác nhau để làm cửa hàng giao dịch, cho vay nặng lãi. Quân luôn đặt ra những tiêu chí hết sức cụ thể cho hoạt động “tín dụng đen” như người vay phải có nhân thân lai lịch, địa chỉ, chỗ ở rõ ràng hoặc được những người quen biết, thân tình giới thiệu, bảo lãnh. Quân không cho những người vay vãng lai mà hắn không nắm được “tóc” phòng trường hợp phải “thả gà ra đuổi”.
Không từ mọi thủ đoạn
Chính vì chỉ cho những đối tượng biết rõ lai lịch vay tiền nên tất cả khách vay tiền của ổ nhóm Quân “trọc” đều không phải viết giấy vay nợ. Một điểm khác trong hoạt động của ổ nhóm trên với những đường dây hoạt động “tín dụng đen” khác đó chính là, khách hàng vay tiền không phải làm giấy tờ vay nhưng lại là những người quen biết với Quân, có địa chỉ nhà cửa rõ ràng hoặc do những người này giới thiệu. Khách hàng phải đảm bảo “uy tín” bằng các mối quan hệ và tài sản thế chấp.
Dù không cầm trên tay giấy vay nợ song gần như không có bất cứ con nợ nào dám xù nợ của anh em Quân và đám đàn em. Các đối tượng đàn em dưới trướng của Quân “trọc” đều có tiền án, tiền sự, được Quân dung nạp nuôi ăn, cho mượn nhà ở. Chúng sẵn sàng lao vào chém giết con nợ trong trường hợp Quân “trọc” không đòi được tiền cho vay.
Với thanh thế bất hảo của mình cùng máu liều của đám đàn em, Quân “trọc” buộc con nợ phải nhận nợ trong trường hợp chậm trễ trả tiền. Vì lẽ đó, một số khách vay mặc dù không có giấy tờ xác nhận việc vay nợ nhưng khi không có khả năng trả nợ đã buộc phải bán nhà cho Quân để gán nợ.
Từ đầu năm 2020, để tránh sự phát hiện của Cơ quan công an, Quân thuê một cửa hàng tại phố Phạm Hồng Thái, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội để làm trụ sở giao dịch cho vay tiền. Một trong những khách hàng của Quân bị ép phải bán nhà để trả nợ là bà Trần Thị Yến. Căn nhà ở số 37 phố Hàng Than của bà Yến đã phải bán tống bán tháo cho chính Quân với số tiền 1,5 tỷ đồng để gán vào số tiền vay nợ và lãi suất cắt cổ hằng tháng mà bà Yến lỡ dính vào đường dây tín dụng đen này.
Sau khi mua được nhà của con nợ, Quân “trọc” sử dụng căn nhà này làm nơi giao dịch cho vay nặng lãi. Đám đàn em của Quân “trọc” cũng được giao trông coi căn nhà trên, ăn ngủ tại đây để dễ bề hoạt động. Mỗi tên đàn em đều được Quân “trọc” giao cho từng nhiệm vụ cụ thể, phân vai rõ ràng trong hệ thống hoạt động của mình.
Sau quá trình tập trung điều tra xác minh, thu thập, củng cố chứng cứ, ngày 29-3-2022, Phòng Cảnh sát hình sự đã triển khai lực lượng bắt khẩn cấp Thạch Anh Quân cùng 3 đối tượng đàn em là Thạch Thế Nghĩa, Lưu Tiến Huy (sinh năm 1991, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Phạm Văn Mạnh (sinh năm 1998, ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội). Quá trình bắt giữ khẩn cấp các đối tượng, Phòng Cảnh sát hình sự đã thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách, thiết bị ổ nhóm tội phạm trên dùng vào hoạt động cho vay nặng lãi. Hàng trăm triệu đồng trong két sắt của các đối tượng cất giữ tại địa điểm cho vay tiền cũng bị thu giữ.
Mở rộng điều tra, bước đầu Cơ quan công an làm rõ, Thạch Anh Quân cho vay lãi từ khoảng năm 2010. Đến năm 2011, trong một lần xách xe dạo phố, Thạch Anh Quân bị tổ công tác 141 của Công an thành phố Hà Nội bắt giữ về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. TAND TP Hà Nội sau đó tuyên phạt 15 háng tù.
Ngay sau khi ra tù, Quân cùng hai em trai quy tụ đám đàn em thân tín là các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự tiếp tục hoạt động cho vay lãi nặng. Năm 2015, Thạch Thế Nghĩa, Bùi Duy Mạnh (sinh năm 1996, ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bắt giữ con nợ để ép đòi tiền. Các đối tượng đã bị Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội bắt, khởi tố về hành vi giữ người trái pháp luật.
Trong hoạt động cho vay nặng lãi của mình, Quân trực tiếp đứng ra điều hành cấp vốn và quyết định cho ai vay, có cho vay hay không. Hằng ngày, 2 đàn em của Quân là Lưu Tiến Huy và Phạm Văn Mạnh theo chỉ đạo của Quân phải có mặt tại cửa hàng từ 14h để tiếp nhận thông tin khách vay, chốt sổ sách, đi thu tiền lãi...
Ngoài việc nuôi ăn, các đối tượng được Quân “trọc” trả tiền lương hằng tháng. Thỉnh thoảng, Quân “trọc” còn hào phóng thưởng cho đám đàn em những chuyến đi chơi xa đắt tiền, ăn chơi thoải mái. Chính vì vậy, đám tay chân đàn em của Quân “trọc” tỏ ra rất trung thành. Mỗi khi có khách hỏi vay tiền, Quân sẽ trực tiếp thẩm định. Khi đã thấy an tâm, nắm được tóc của con nợ, Quân “trọc” chỉ đạo Huy cầm tiền mặt về đưa cho khách vay.
Hai đối tượng Huy, Mạnh sử dụng các số điện thoại riêng do Quân cung cấp với nhiệm vụ chỉ dùng để giao dịch với khách, giục khách vay trả nợ, đe dọa khách chậm trả tiền và báo cáo với Quân hằng ngày. Khách vay sẽ đóng tiền lãi, gốc vào tài khoản ngân hang của Thạch Thế Nghĩa hoặc trực tiếp đến cửa hàng 37 Hàng Than để đưa tiền mặt cho Huy, Mạnh.
Các khách hàng có nhu cầu về tiền khi đến với Quân “trọc” đều được giới thiệu rất nhiều gói tài chính khác nhau. Và đa phần đều lựa chọn vay bốc bát họ 10 ăn 8 và vay lãi ngày từ 1.000 đến 10.000 đồng/triệu/ngày. Số tiền khách có thể vay từ một vài triệu đến hàng trăm triệu, hang tỷ đồng. Khách vay số tiền ít thì lãi suất cao, số tiền lớn thì lãi suất nhỏ hơn và tùy vào khả năng thanh toán, mối quan hệ thân - sơ của khách mà được Quân “ưu ái” lãi suất khác nhau. Những con nợ vay tiền theo ngày sẽ được Huy và Mạnh ghi chép cụ thể vào sổ để chụp ảnh gửi cho Quân duyệt. Riêng việc nhận tiền từ những con nợ dưới hình thức chuyển khoản được Quân “trọc” tin tưởng giao cho em trai của mình là Thạch Thế Nghĩa đảm nhiệm. Mỗi khi nhận được tiền thanh toán qua tài khoản, Nghĩa ghi chép lại để chuyển cho Huy, Mạnh tổng hợp hằng ngày báo với Quân “trọc”.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, hiện Phòng Cảnh sát hình sự đã xác định, trước khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt giữ, Quân “trọc” cùng đám đàn em đã cho khoảng 100 khách vay nặng lãi với tổng số tiền vay khoảng 10 tỷ đồng.
Dù số lượng con nợ lớn như vậy, không có bất cứ giấy tờ biên nhận nào, song không có con nợ nào dám không trả tiền cho Quân trọc”. Với lãi suất cắt cổ, trung bình mỗi tháng, Quân “trọc” đút túi hàng trăm triệu đồng từ hoạt động tín dụng đen.