Vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Những băn khoăn về xử lý thiệt hại
Cập nhật ngày: 1-12-2021
 
Chiều 30/11, TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 36 bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
 

Sang ngày xét xử thứ 6, HĐXX dành thời gian để bị cáo, luật sư bào chữa cho bị cáo tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà.

Trình bày tại tòa, luật sư bào chữa và bị cáo đều bày tỏ băn khoăn về cách tính thiệt hại và cách xử lý thiệt hại trong vụ án này.

Luật sư Lý Vinh Hoàng (bào chữa cho bị cáo Cao Hừng Đông, cựu Phó Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 1) nêu quan điểm, theo cáo trạng thì hậu quả thiệt hại của cả giai đoạn 1 của vụ án là hơn 811 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Cao Hừng Đông bị quy kết phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 45 tỷ đồng. Đây là số tiền mà chủ đầu tư đã thanh toán cho các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) thi công tại gói thầu số 1 theo các hồ sơ thanh toán (IPC) từ số 21 đến số 34 và số 36.

Luật sư Hoàng cho rằng, đây không phải là giá trị thiệt hại mà là giá trị do cơ quan tố tụng sử dụng số liệu thanh toán cho các hạng mục theo kết quả giám định của Phân viện Khoa học công nghệ Giao thông Vận tải phía Nam báo cáo là không đạt chất lượng.

Vụ án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Những băn khoăn về xử lý thiệt hại  -0
Các bị cáo tại phiên toà.

Theo luật sư, để cẩn trọng hơn, cơ quan tố tụng nên trưng cầu Hội đồng định giá phần giá trị thiệt hại theo Điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Việc xác định chất lượng thi công cho công trình giao thông mà chỉ cần một lỗ khoan, nếu có lớp vật liệu nào đó không đạt chất lượng mà xác định cả lớp vật liệu đó không đạt thì không hợp lý. Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng, việc xác định giá trị thiệt hại vì nghiệm thu đưa vào khai thác công trình chưa đạt chất lượng, chưa hoàn thành 100% tuy có gây thiệt hại nhưng đã tạo được khoản thu phí hơn 1.400 tỷ đồng thì có thể xem xét để khấu trừ thiệt hại.

Luật sư Đào Hữu Đăng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Cường, cựu Phó Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 1) đồng quan điểm với luật sư đồng nghiệp khi cho rằng, trong vụ án này, chủ đầu tư không mất toàn bộ lợi ích từ công trình mà đã thu phí được 1.400 tỷ đồng. Do đó, chủ đầu tư không thể buộc nhà thầu bồi thường số tiền 811 tỷ đồng. Bởi toàn bộ các chi phí, sửa chữa các bộ phận hư hỏng của công trình theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật và hồ sơ thiết kết đều thuộc giai đoạn bảo hành của dự án.

Luật sư Nguyễn Văn Ngôn (bào chữa cho bị cáo Quản Trọng Tuấn, cựu Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B) khi tranh luận lại bàn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và cho rằng, trong vụ án này, nhóm bị cáo là cán bộ, là người làm công cho Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) là một pháp nhân. Luật sư viện dẫn Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Mặt khác, tại phiên tòa, đại diện ủy quyền Cienco 6 cũng xác nhận chịu trách nhiệm bồi thường và không yêu cầu bị cáo bồi hoàn. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX không tuyên bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và giải tỏa việc phong tỏa tài sản, tài khoản của bị cáo.

Theo luận tội của đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa, căn cứ kết quả giám định về chất lượng công trình xây dựng, căn cứ hồ sơ nghiệm thu, thanh toán của dự án, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu số tiền hơn 811 tỷ đồng đối với các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng của các gói thầu. Việc trực tiếp xác nhận nghiệm thu chất lượng các lớp vật liệu, chất lượng các hạng mục, chất lượng công trình hoàn thành không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án của các bị cáo trong vụ án là hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình có hiệu lực tại thời điểm thực hiện Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đã vi phạm các quy định của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, vi phạm quy định của Luật Xây dựng năm 2014 quy định về công tác nghiệm thu, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng, vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, dẫn đến đưa công trình không đảm bảo chất lượng vào sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo: cand.com.vn