Trung Quốc đang tự hạ thấp uy tín quốc tế của mình
Cập nhật ngày: 11-08-2016
 
Nhà nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng người Ấn Độ Udit Dobhal hôm 8-8 nhận định, Trung Quốc đã “tự bắn vào chính chân mình” khi ngang nhiên phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) về Biển Đông.
 

Thái độ này của Bắc Kinh đã không chỉ chọc tức các quốc gia láng giềng ở Biển Đông, mà còn đối với toàn thế giới. Điều này khiến uy tín quốc tế của Trung Quốc bị đe dọa.

Phán quyết của PCA là một phán quyết lịch sử, sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của Biển Đông và các vùng biển khác trên toàn cầu. Hành động và sự tuyên truyền của Trung Quốc, trong đó có tuyên bố gây ngạc nhiên là hầu hết các nước trên thế giới đều ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đã vấp phải thất bại nặng nề. 

Phán quyết của PCA chắc chắn là một cú giáng mạnh vào uy tín và vị thế của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế. Chuyên gia nghiên cứu có uy tín ở Ấn Độ Pinak Ranjan Chakravarty nhận xét rằng, phản ứng của Trung Quốc là đầy hăm dọa và là phản ứng của một đất nước đã bị mất mặt quá nhiều, một thực tế mà Trung Quốc phải xem xét rất nghiêm túc. 

Các quan chức Trung Quốc đã chỉ trích và cáo buộc 5 thẩm phán của PCA, những người đưa ra phán quyết này, nhận hối lộ. Tuy nhiên, rất rõ ràng là Trung Quốc không thể trách được ai mà phải tự trách mình dù nước này đã cố đổ lỗi cho Mỹ và Nhật Bản kích động các nước phản đối tuyên bố chủ quyền trên biển của Bắc Kinh.

 

Bên cạnh đó, những cáo buộc của Bắc Kinh rằng, Washington và Tokyo đã xúi giục Philippines đưa vụ kiện lên PCA là làm xấu hổ Trung Quốc có thể không bao giờ được chứng minh và không thể là một cơ sở cho các hoạt động bất hợp pháp của nước này ở Biển Đông. Ngoài ra, nếu Trung Quốc cho rằng, giống như các cường quốc khác, các toà án quốc tế là chỉ dành cho các nước nhỏ và yếu thì lúc đó, nước này sẽ làm vấn đề tồi tệ thêm. 

Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc đang tăng cường bồi đắp trái phép ở Biển Đông. (Ảnh: WSJ)

Giờ đây, Trung Quốc phải lo ngại về uy tín quốc tế của mình nếu nước này trắng trợn từ chối làm bất cứ điều gì và vẫn cứng nhắc trong cách tiếp cận đối với các tranh chấp trên biển. Bắc Kinh không thể mong muốn có một vai trò lãnh đạo có trách nhiệm nếu từ chối thương lượng. Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ cảnh giác hơn về các ý đồ của nước này và sự mất lòng tin sẽ trở nên sâu sắc.

Một quan điểm phổ biến về tính hiệu quả của phán quyết PCA là mặc dù nó mang tính ràng buộc nhưng lại khó có thể thi hành, đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn đang lớn tiếng bác bỏ phán quyết. Tuy nhiên, tính hợp pháp của phán quyết này là luật pháp quốc tế và sự liên kết của nó với các lợi ích chiến lược của một số chủ thể chủ chốt trong khu vực sẽ tạo ra các cơ chế để thực thi. Những cơ chế này có thể có ba dạng chính: Sức ép ngoại giao, các biện pháp trừng phạt kinh tế, đối trọng chính trị và quân sự.

Chắc chắn, sức ép ngoại giao không đủ để thay đổi hành vi của Trung Quốc. Và biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc là không khả thi và khó có thể áp dụng trên thực tế. Trung Quốc đã thay Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) làm đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước ở châu Á. 

Không có quốc gia nào sẵn sàng ngừng giao dịch với đối tác thương mại hàng đầu của mình. Nhưng ít nhất thì cũng rõ ràng rằng, các triển vọng về một đối trọng mạnh mẽ với Trung Quốc giờ đây có thể thấy rõ hơn nhiều. Một liên minh quốc tế thực thi luật pháp quốc tế có thể xuất xuất hiện nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi quyền lịch sử trong cái mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn” và phớt lờ phán quyết của PCA.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Udit Dobhal chỉ ra rằng, Trung Quốc có thể biết rằng sẽ không thể tìm một giải pháp quân sự cho vấn đề Biển Đông vì nếu xảy ra chiến tranh, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với đội quân Mỹ, Nhật Bản và có thể là cả Ấn Độ, bên cạnh đó là các quốc gia khác như Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia. 

Nguồn: cand.com.vn