Trong tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Đi-ôn viết: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những căng thẳng trong khu vực đã bị đẩy lên trong những năm qua và có nguy cơ hủy hoại hòa bình và ổn định". Do đó, điều quan trọng nhất là tất cả các nước cần kiềm chế, tránh ép buộc và có những hành động gây gia tăng căng thẳng. Bộ trưởng Ngoại giao Đi-ôn cũng kêu gọi "tất cả các bên tranh chấp kiềm chế những hoạt động cải tạo đất, quân sự hóa và những hành động khác có thể gây mất hòa bình và an ninh khu vực". Ngoài ra, các bên cần tránh mọi hành động có thể gây nguy hiểm cho các hoạt động tự do hàng hải và hàng không được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, an ninh hàng hải và thương mại quốc tế.
Liên quan đến DOC và COC, tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi hối thúc tất cả các bên khôi phục niềm tin và lòng tin, kể cả thông qua việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC và nhanh chóng đàm phán về COC mang tính ràng buộc".
Tuyên bố còn nêu rõ: "luật pháp quốc tế tạo cơ sở cho xây dựng quan hệ hòa bình giữa các quốc gia, thúc đẩy phát triển và giải quyết những vấn đề khó khăn là nền tảng cho chính sách đối ngoại của Ca-na-đa". Ca-na-đa cam kết duy trì luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên nguyên tắc tại các vùng biển và đại dương, cũng như quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Ca-na-đa sẵn sàng đóng góp các sáng kiến xây dựng lòng tin và giúp khôi phục niềm tin trong khu vực.
* Với tiêu đề "Yêu sách của Trung Quốc được xây dựng trên cát", tờ Thời đại của Đức ngày 20-7 đăng bài phê phán Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế trong tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Bài báo khẳng định, luật pháp quốc tế cần được áp dụng với cả Trung Quốc, đồng thời cho rằng châu Âu không thể trung lập trong cuộc tranh chấp chủ quyền này. Theo tác giả, ngày 12-7 vừa qua, Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường chín đoạn". Theo phán quyết, Trung Quốc không chỉ xâm phạm các quyền của Phi-li-pin mà còn gây tổn hại không thể bù đắp đối với hệ sinh thái thông qua các hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tờ báo nêu trên cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài là vô giá trị và không có hiệu lực đã đi ngược lại Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 mà nước này cũng đã ký kết. Nói cách khác, Trung Quốc đang chà đạp lên luật pháp quốc tế.
Bài báo nhấn mạnh, Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới. Hằng năm, hơn 60.000 tàu hàng qua lại tuyến đường biển này. Người dân châu Á, châu Mỹ và châu Âu đều có lợi ích sống còn đối với tự do hàng hải trên tuyến đường huyết mạch này. Theo bài báo, không dễ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho tranh chấp hiện nay ở Biển Đông, song châu Âu cần nêu rõ và lên án sự coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.
* Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, ngày 21-7, khi trả lời phỏng vấn, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tiêu Kiến Quốc cho rằng, việc Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết về những tranh chấp trên Biển Đông liên quan vụ kiện của Phi-li-pin đối với Trung Quốc là “hoàn toàn” không có giá trị pháp lý, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ chủ trương hoặc hành động nào dựa trên phán quyết này.
Nguồn nhandan.com.vn