Sóng gió chung quanh thỏa thuận di cư EU - Thổ Nhĩ Kỳ
Cập nhật ngày: 2-06-2016
 
Khó khăn đang bủa vây thỏa thuận về người di cư giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ khi gần đây, các nhà lãnh đạo hai bên liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn về vấn đề miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, điểm quan trọng trong thỏa thuận lịch sử giữa hai bên. Nhiều nhà phân tích cảnh báo, thỏa thuận di cư EU - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ nếu hai bên không thể hiện thái độ nhượng bộ hay đưa ra cách xử lý linh hoạt, mềm dẻo hơn.
 


Người di cư đến thị trấn Đi-ki-li của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi rời Hy Lạp.

Những ngày qua, phía Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng gia tăng sức ép lên thỏa thuận di cư giữa quốc gia này và liên minh gồm 28 nước thành viên. Cố vấn kinh tế của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Y.Bu-lút nhấn mạnh, An-ca-ra có thể sẽ ngừng tất cả thỏa thuận với EU nếu khối này không giữ lời hứa về việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Sen-ghen, đẩy EU đứng trước kịch bản phải một mình xoay xở với dòng người di cư khổng lồ mà không có sự trợ giúp từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trước thái độ cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ, các nghị sĩ EU vẫn kiên quyết yêu cầu quốc gia này phải sửa đổi luật chống khủng bố, một trong năm điều khoản quan trọng thuộc danh mục 72 điều khoản mà hai bên cam kết thực hiện trước khi công dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể được miễn thị thực vào EU.

Khi thỏa thuận di cư giữa An-ca-ra và Brúc-xen ngày càng trở nên mong manh, các nước lục địa già đã khẩn trương bàn bạc phương án mới thay thế thỏa thuận này. Trong số đó, có giải pháp để Hy Lạp trở thành đối tác chính tháo gỡ cuộc khủng hoảng người di cư thay cho Thổ Nhĩ Kỳ. Theo kế hoạch này, các đảo tại xứ sở thần thoại nhiều khả năng trở thành trung tâm tiếp nhận người tị nạn trọng điểm và EU sẽ ngừng cấp khoản tín dụng đã cam kết cho Thổ Nhĩ Kỳ mà chuyển sang cho Hy Lạp. Tuy nhiên, phương án này không phải không có những bất cập, bởi hiện tại, xứ sở thần thoại đang rơi vào cảnh “họa vô đơn chí”, vừa hứng chịu sức ép từ cơn bão khủng hoảng người di cư, lại vừa phải lo khắc phục nền kinh tế đình đốn, èo uột - hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài tại nước này.

Sau nhiều tháng giằng co, cuộc mặc cả cam go giữa Brúc-xen và An-ca-ra quanh vấn đề người di cư cuối cùng cũng khép lại vào tháng 3 vừa qua với một thỏa thuận khiến hai bên tạm hài lòng. Tuân thủ đúng cam kết, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa tiếp nhận trở lại những người tị nạn đến Hy Lạp bất hợp pháp, giúp lục địa già “giải tỏa” hơn 40.000 người nhập cư sống vạ vật tại các trại tị nạn quá tải của xứ sở thần thoại. Thỏa thuận đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu khi số người di cư tràn vào Hy Lạp giảm đáng kể. Theo cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ A.Đa-vu-tô-glu, gần đây mỗi ngày chỉ có dưới 100 người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp so với con số hàng nghìn người hồi mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, song song với việc tiếp nhận trở lại người di cư, Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên tục hối thúc EU thông qua việc miễn thị thực cho công dân nước này, cho dù quốc gia này chưa hoàn thành đủ 72 điều khoản mà hai bên từng cam kết.

Về phía EU, khối này mới đây cũng thông qua một cơ chế khẩn cấp có thể lập tức ngừng cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ nếu Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm các điều kiện chủ chốt của EU. Trên thực tế, việc thông qua chế độ miễn thị thực cho An-ca-ra là một quyết định khó khăn đối với EU. Bởi nhiều người cho rằng, An-ca-ra sẽ tiếp tục gây sức ép và áp đặt các yêu cầu mới lên EU, đẩy liên minh này vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Dòng người tị nạn chạy trốn khỏi xung đột và nghèo đói ở Trung Đông, Bắc Phi hiện vẫn gia tăng, và không có gì bảo đảm rằng việc chặn tuyến đường qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho lục địa già. Ngoài ra, sau hàng loạt vụ tiến công khủng bố đẫm máu do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành ở châu Âu, người dân EU cảm thấy e ngại trước việc miễn thị thực cho một quốc gia Hồi giáo với dân số hơn 75 triệu người như Thổ Nhĩ Kỳ.

Quyết định thông qua cơ chế ngừng cấp thị thực cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ của EU được đánh giá sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình thực thi thỏa thuận di cư giữa hai bên. Số phận của thỏa thuận này vẫn đang mong manh như ngọn đèn dầu trước gió. Để kịp thời cứu thỏa thuận di cư khỏi nguy cơ sụp đổ, cả EU lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều cần thể hiện thiện chí và nhượng bộ lẫn nhau, thay vì duy trì thái độ cứng rắn và liên tục đưa ra những chỉ trích gay gắt như hiện tại.

Nguồn nhandan.com.vn