![](/wcatbl/upload/articles4/05_2016/42ccf05fd6bddc0e873700683b502def.jpg)
Ngôi nhà sàn gỗ được phục dựng tại nơi ở trước đây của Bác Hồ tại Phi-chịt (Thái-lan).
Nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản điều động về công tác ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc từ Đức về Xiêm (Thái-lan) vào tháng 7-1928. Người đi trên tàu biển chở khách và cập cảng tại Thủ đô Băng-cốc, bắt đầu quá trình hoạt động cách mạng tại Thái-lan, với các bí danh Thầu Chín, Ông Thọ, Nam Sơn. Trong thời gian hoạt động ở Thái-lan, Người đã tích cực tuyên truyền, vận động, gây dựng cơ sở cách mạng và gây ảnh hưởng về trong nước; mở các lớp tập huấn cho hội viên chi bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên; xuất bản báo để tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ tinh thần yêu nước của kiều bào ta; mở trường học cho con em Việt kiều…
Sau Băng-cốc, Người chọn Bản Đông huyện Phi-chịt, tỉnh Pít-xạ-nu-lốc (nay là tỉnh Phi-chịt) là điểm đến đầu tiên để hoạt động cách mạng. Chỉ lưu lại vỏn vẹn 15 ngày tại Phi-chịt, nhưng Người đã để lại tình cảm sâu đậm với cộng đồng Việt kiều và người dân địa phương. Ngôi nhà sàn nhỏ bằng gỗ được chính quyền xã Pa-ma-khắp và bà con Việt kiều xây dựng tại nơi Người từng dừng chân ở bản Lẻm Dang. Bức tượng bán thân của Bác Hồ kính yêu được đặt trang trọng chính giữa, cùng vài đồ dùng sinh hoạt đơn sơ trưng bày trong ngôi nhà khiến du khách xúc động nhớ về cuộc đời thanh cao và giản dị của Người.
Đón phóng viên Báo Nhân Dân, Xã trưởng Pa-ma-khắp, ông L.Xổm-pon hồ hởi khoe: “Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên dự án “Xây dựng Trung tâm hữu nghị Thái-Việt và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” rộng 4.000 m2 tại tỉnh này, với kinh phí khoảng 14 triệu bạt (khoảng chín tỷ đồng) do chính quyền địa phương cấp. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phi-chịt dự kiến hoàn thành cuối năm 2016, được kỳ vọng là điểm thu hút khách du lịch và là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương và bà con Việt kiều”.
Sau Phi-chịt, Người đi bộ hơn 400 km đến U-đon Tha-ni, một tỉnh lớn thuộc khu vực đông-bắc của Thái-lan. Lấy tên là Thầu Chín, Người đến ga Noỏng Bua, nơi có vài chục gia đình Việt kiều sinh sống bằng nghề làm vườn. Người trồng ở đây một số cây dừa, cây xoài nên sau này bà con Việt kiều gọi đó là "vườn xoài Bác Hồ". Rời Noỏng Bua, Người tới làng Noỏng-ổn hẻo lánh chỉ có tám gia đình Việt kiều. Tại đây, Người tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho bà con và nhiều thanh niên yêu nước từ Việt Nam sang. Năm 2002, chính quyền sở tại phối hợp Hội người Việt tỉnh U-đon Tha-ni xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là Trung tâm nghiên cứu, học tập lịch sử về Bác Hồ trên khu đất rộng gần một héc-ta. Việc xây dựng Khu tưởng niệm đáp ứng mong mỏi của bà con người Việt, tình cảm và sự ngưỡng mộ của người dân Thái-lan đối với Bác Hồ và dân tộc Việt Nam. Nổi bật trong khu di tích là phần mô phỏng ngôi nhà Bác ở và làm việc trong thời gian hoạt động cách mạng. Trong nhà có nhiều hiện vật mà bà con Việt kiều lưu giữ và sưu tầm.
Sau đó, Người đến Bản Mày (làng mới) thuộc tỉnh Na-khon Pa-nôm, cách U-đon Tha-ni khoảng 250 km và Thủ đô Băng-cốc hơn 700 km. Na-khon Pa-nôm là một trong những nơi Người dừng chân và hoạt động cách mạng lâu nhất. Bản Mày vốn do những người gốc Việt đến Thái-lan làm ăn, sinh sống lập nên vào đầu thế kỷ 20. Họ chủ yếu là người gốc miền trung Việt Nam, có học thức, chịu ảnh hưởng tư tưởng của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, nên khi dựng làng họ đã có ý thức xây dựng một cộng đồng Việt kiều có tinh thần dân tộc, như xây dựng đền thờ Đức thánh Trần, lập Hội trại Cày, Hội Thân ái... Từ đó, Bản Mày trở thành trạm liên lạc đón nhiều người Việt sang Thái-lan. Thời gian ở Bản Mày, Bác lấy bí danh Thầu Chín. Trong thời gian ở đây, Người đã tích cực học tiếng Thái, động viên mọi người cùng học tiếng Thái để thuận lợi cho cuộc sống, sinh hoạt; tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em để các em không quên nguồn cội. Nhằm tôn vinh công lao của Người, tháng 3-2014, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng trên khu đất rộng khoảng 12.000 m2 do chính quyền địa phương tặng, gồm 12 hạng mục do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Viện Kiến trúc Thái-lan thiết kế. Sau hơn hai năm xây dựng, Khu tưởng niệm chính thức hoàn thành và mở cửa đón khách từ ngày 19-5-2016, đúng dịp kỷ niệm 126 năm Ngày sinh của Người. Đây là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có quy mô lớn và hiện đại nhất ở Thái-lan, lưu giữ nhiều tư liệu quý về Bác, là điểm du lịch quan trọng của tỉnh Na-khon Pha-nôm, nơi sinh hoạt văn hóa của kiều bào và là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thái-lan.
Các Khu tưởng niệm là tình cảm sâu đậm của cộng đồng Việt kiều và bạn bè Thái-lan dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, với mong muốn mãi lưu giữ hình bóng Người ở Thái-lan. Hành trình tham quan các Khu tưởng niệm sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ với mỗi người để hiểu thêm về cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi của Bác.
Nguồn nhandan.com.vn