Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc "tái đấu" được mong chờ
Cập nhật ngày: 14-03-2024
 
Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã giành đủ số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng diễn ra trong tháng 11 tới, khởi động cuộc tái đấu bầu cử tổng thống Mỹ đầu tiên sau gần 70 năm.
 

Theo Edison Research, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cần 1.968 đại biểu để giành được đề cử của đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống. Cho đến đêm 12/3 (giờ địa phương), ông Biden đã vượt qua con số này sau khi kết quả bầu cử sơ bộ ở Georgia được công bố, theo sau bởi các kết quả bỏ phiếu của Mississippi, Washington, Quần đảo Bắc Mariana và các thành viên đảng Dân chủ sống ở nước ngoài.

a.jpg -0
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 sẽ chứng kiến màn "tái đấu" giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump. Ảnh: Getty

Trước đó, New York Times đưa tin, ông Biden đã thắng trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ ở 15 bang. Thất bại duy nhất của ông là tại vùng lãnh thổ Samoa, nơi chính trị gia Jason Palmer giành được 51/91 phiếu bầu kín của nội bộ đảng Dân chủ. Samoa là vùng lãnh thổ Mỹ gồm các hòn đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, với khoảng 50.000 cư dân.

Sau khi kết quả từ phía đảng Dân chủ được công bố, truyền thông cũng đưa tin cựu Tổng thống Donald Trump đã giành được đủ lá phiếu đại biểu cần thiết để chắc suất đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa, sau khi kết quả sơ bộ tại bang Georgia, Hawaii, Mississippi và bang Washington được công bố.

Tại cuộc bỏ phiếu "Siêu thứ ba" diễn ra tuần trước, ông Trump đã thắng lớn tại hầu hết các bang, trong khi đối thủ của ông, bà Nikki Haley, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, chỉ chiếm ưu thế tại bang Vermon. Đảng Cộng hòa quy định, ông Trump cần ít nhất 1.215 phiếu ủng hộ trong tổng số 2.429 đại biểu toàn quốc để trở thành ứng cử viên Tổng thống. Với kết quả hôm 12/3, tổng số phiếu đại biểu mà ông Trump đã có được là 1.228 phiếu, theo Reuters.

Với kết quả này, Reuters nhận định, kịch bản "tái đấu" lần đầu tiên lặp lại sau gần 70 năm. Trận tái đấu bầu cử tổng thống Mỹ gần nhất diễn ra vào năm 1956, khi Tổng thống Dwight Eisenhower từ đảng Cộng hòa đánh bại đối thủ là cựu Thống đốc Illinois Adlai Stevenson từ đảng Dân chủ - người từng đối đầu ông cách đó 4 năm. Đến nay, Grover Cleveland là tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ chiến thắng hai nhiệm kỳ không liên tiếp.

Ông Cleveland đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1884. 4 năm sau, ông lại giành được số phiếu phổ thông, nhưng bị đối thủ Benjamin Harrison từ đảng Cộng hòa đánh bại về số phiếu cử tri đoàn. Ông Cleveland một lần nữa đối đầu với ông Harrison vào năm 1892, và lần này dễ dàng giành chiến thắng.

Bên cạnh những bình luận về màn "tái đấu" đáng được mong chờ, các nội dung tranh cử chính của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ cũng là vấn đề được không chỉ cử tri, mà cả truyền thông quốc tế quan tâm. Vấn đề kinh tế được nhận định là trọng tâm của chiến dịch tranh cử giữa hai ứng viên trong cuộc đua tháng 11 tới.

Với việc đưa ra thông điệp liên bang 2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden có lợi thế khi đưa ra chương trình nghị sự cho thời gian còn lại trong nhiệm kỳ và xóa bỏ những lo ngại về tuổi tác, khẳng định với cử tri rằng ông sẵn sàng lãnh đạo Mỹ thêm 4 năm. Tổng thống Biden đã nêu bật những thành tựu, khi Mỹ ghi nhận kỷ lục 15 triệu việc làm mới trong 3 năm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm, hầu hết người dân có bảo hiểm y tế và khoảng cách giàu nghèo thấp nhất trong 20 năm trong khi lạm phát giảm từ 9% xuống 3% - mức thấp nhất trên thế giới.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên kênh CNBC, cựu Tổng thống Donald Trump - ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa kêu gọi hành động vì vị thế của nước Mỹ, vì các chương trình đảm bảo quyền lợi của người dân, trong đó có việc cắt giảm thuế, các chương trình trợ cấp y tế và an sinh xã hội. Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ điều gì làm tăng chi tiêu đối với các gia đình đều có thể bù đắp bằng việc cắt giảm thuế.

Trả lời câu hỏi liên quan những lo ngại về tình hình phân cực chính trị ngày càng gia tăng đối với sự ổn định tài chính của Mỹ, ông nêu rõ quan ngại về việc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ bậc tín nhiệm của nước này trong năm 2023. Các phát ngôn trên là những nhận xét mở rộng đầu tiên của ông Trump về kế hoạch kinh tế kể từ khi ông trở thành ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống sau cuộc bầu cử sơ bộ "Siêu thứ ba".

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Donald Trump đều vừa có chuyến thăm riêng tới biên giới Mỹ-Mexico hồi cuối tháng 2. Điều này phần nào cho thấy cả hai cùng nhận định cuộc khủng hoảng nhập cư là vấn đề then chốt đối với cử tri trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào năm 2021, hứa hẹn sẽ đảo ngược các chính sách nhập cư cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng thực tế lại khác xa với mong đợi của ông khi số người di cư tràn qua biên giới tăng chóng mặt. Để đối phó với tình trạng nhập cư bất hợp pháp ồ ạt vào Mỹ, chính quyền của ông Biden đã thực hiện nhiều cuộc trấn áp ở khu vực biên giới, đồng thời tăng cường các con đường hợp pháp cho người di cư. Về phần mình, ông Trump tuyên bố nếu trở lại Nhà Trắng, sẽ tái áp đặt chiến lược ngăn chặn, trục xuất cứng rắn để xử lý làn sóng di dân và cư trú bất hợp pháp ở Mỹ.

Nhận định về cuộc "tái đấu" tháng 11 tới, ông Tim Pawlenty, cựu Thống đốc bang Minnesota và từng tham gia cuộc đua giành đề cử ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, cho rằng điều quan trọng là cả hai ứng viên phải tập trung vào các vấn đề đã thay đổi kể từ năm 2020 và biến đó thành lợi thế tranh cử. Mặc dù vậy, trong bối cảnh chiến dịch tranh cử còn kéo dài nhiều tháng, cuộc đua song mã dự báo tiềm ẩn nhiều bất ngờ trước quyết định vào tháng 11 tới.

Nguồn: cand.com.vn