CÔNG AN BẠC LIÊU
2024: Thế giới xoay vần với chiến cuộc
Cập nhật ngày: 5-02-2024, lượt xem: 72
Với những thực tế hiện nay ở Ukraine và Dải Gaza, giới phân tích nhìn chung đều dự đoán rằng trong năm 2024, cuộc chiến giữa Israel và Hamas có nguy cơ lan rộng khắp Trung Đông, còn cuộc xung đột Nga-Ukraine, cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945, có lẽ cũng chưa thể kết thúc.

Và dù chưa thể biết kết quả của các cuộc chiến đẫm máu này, song có một điều chắc chắn là nếu không thể được giải quyết sớm và thỏa đáng, chúng sẽ tác động mạnh mẽ đến trật tự toàn cầu, nền kinh tế thế giới, các mối quan hệ quốc tế, các cuộc bầu cử quan trọng và đặc biệt là làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo mà chúng đã gây ra.

10-1.jpg -0
Phát biểu tại họp báo cuối năm 2023, Tổng thống Nga Putin tiếp tục khẳng định mục tiêu không thay đổi của chiến dịch quân sự đặc biệt, đó là phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine.

Chưa có tiền lệ

Với hai cuộc xung đột hiện nay, các bên không thể can thiệp một cách dễ dàng và ít tốn kém như trước đây. Các đối thủ của Mỹ và đồng minh là Trung Quốc và Nga ngày càng quyết đoán hơn và hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn. Tương tự, các cường quốc không liên kết, bao gồm cả Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, đang ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn trong việc định hình các sự kiện và tin rằng một trật tự mới và thuận lợi hơn với họ đang hình thành.

Ngoài ra, nguy cơ xảy ra chiến tranh trực tiếp giữa các cường quốc đang rình rập trên toàn thế giới, buộc các quốc gia phải để mắt đến tương lai của chính mình ngay khi họ đang phải vật lộn trong các vũng lầy của ngày hôm nay. Sự kết hợp này đang đẩy năng lực của các nhà ngoại giao, tướng lĩnh và lãnh đạo phương Tây đến những giới hạn.

Các cường quốc đang trở nên phân cực hơn trong các vấn đề mà trước đây họ có thể đã đi theo cùng một hướng. Ví dụ, ở Trung Đông, Nga đã xích lại gần Hamas hơn, phá bỏ nhiều năm ngoại giao thận trọng với Israel. Trung Quốc, quốc gia từng đưa ra những tuyên bố kêu gọi giảm leo thang trong các cuộc chiến tranh trước đây, hiện đang tận dụng cuộc khủng hoảng để chỉ trích vai trò của Mỹ trong khu vực. Rất ít nước phương Tây còn có thể nói chuyện với Nga, trong khi sự đối thoại của Mỹ với Trung Quốc cũng khá khó khăn, bất chấp nhu cầu giải quyết các vấn đề chung như biến đổi khí hậu hay cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung ở California ngày 15/11/2023.

10-2.jpg -0
Xung đột Nga-Ukraine, cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945 có lẽ cũng chưa thể kết thúc trong năm 2024.

Mỹ, châu Âu mệt mỏi, Liên hợp quốc cần cải tổ?

Một thế giới trong đó có nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra cùng lúc đặt ra vô số thách thức đối với những người có trách nhiệm và thách thức lớn nhất là tìm ra một chiến lược chữa nhiều đám cháy cùng một lúc.

Sau khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra, châu Âu đã đau đầu tính toán xem làm thế nào để có thể giải quyết cả cuộc chiến ở Ukraine lẫn Trung Đông, đồng thời vẫn để mắt đến những căng thẳng giữa Kosovo và Serbia, rồi Armenia và Azerbaijan.

Bất chấp tham vọng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhằm biến EU thành một “cường quốc địa chính trị”, hai cuộc xung đột đang thử thách giới hạn của phạm vi chính sách đối ngoại EU, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh quan điểm của họ đối với Israel.

Ngay cả câu hỏi tưởng chừng như vô hại về việc kêu gọi tạm dừng xung đột để cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza cũng đã gây ra một “điệu nhảy ngoại giao” phức tạp.

Cuộc xung đột Ukraine đầu năm 2022 là bước ngoặt lịch sử đối với chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu. Hiệu ứng sốc của một cuộc chiến toàn diện trên đất châu Âu đã huy động tình đoàn kết chưa từng có với người Ukraine. Nhưng, mặc dù cuộc xung đột ở Trung Đông cũng có những hậu quả sâu rộng như vấn đề Ukraine, các nước EU vẫn chưa thể hiện sự thống nhất tương tự, khi các nhà lãnh đạo cũng lo ngại sự chia rẽ chính trị trong nước giữa các phe ủng hộ Israel và ủng hộ Palestine, cũng như những hậu quả khác như các cuộc tấn công của phiến quân và những làn sóng biểu tình đường phố.

Theo Luigi Scazzieri thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu, một tổ chức nghiên cứu, việc quản lý cả hai cuộc xung đột sẽ là một cuộc đấu tranh. Ông nói: “EU sẽ phải phân chia sự chú ý và nguồn lực tài chính giữa Ukraine và Gaza. Ukraine sẽ bị lu mờ và EU sẽ khó đồng ý cung cấp một lượng lớn hỗ trợ kinh tế vĩ mô và quân sự cho Kiev”.

Luigi Scazzieri còn nhấn mạnh “luận điệu cho rằng EU đang áp dụng tiêu chuẩn kép và đạo đức giả sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn khi số lượng dân thường thiệt mạng ở Gaza ngày càng tăng”.

Ngay cả khi các nhà ngoại giao có thể thực hiện nhiều “điệu nhảy ngoại giao” cùng một lúc thì sự xuất hiện đồng thời của các cuộc khủng hoảng gây ra một vấn đề chiến lược lớn hơn liên quan đến sức mạnh quân sự. Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông cho thấy sức mạnh quân sự là một nguồn tài nguyên khan hiếm. Trong những năm gần đây, các quan chức Lầu Năm Góc vẫn khoe rằng cuối cùng họ đã tái cân bằng sức mạnh hải quân từ Trung Đông sang châu Á, sau 2 thập kỷ dàn quân ở Afghanistan và Iraq, nhưng giờ đây, dưới áp lực của các sự kiện, xu hướng đó đang đảo ngược.

10-5.jpg -0
Chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử 2024 hay là ngược lại?

Khi tàu USS Dwight D. Eisenhower và các tàu hộ tống tiến vào Biển Đỏ ngày 4/11/2023, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Trung Đông trong 2 năm, một vấn đề đặt ra là nếu cuộc chiến ở Gaza kéo dài hoặc lan rộng, lực lượng hải quân Mỹ có thể cần phải lựa chọn giữa việc bám trụ, tạo ra khoảng trống ở các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả châu Á, hay là từ bỏ để rồi khuyến khích Iran hành động.

Quốc hội Mỹ hiện vẫn chia rẽ về ngân sách đổ vào cả hai cuộc xung đột. Ông Biden đang chịu sức ép từ chính các đồng minh Dân chủ của mình trong các gói trợ cấp bổ sung cho Ukraine, sự kiên nhẫn của ông đối với chính phủ ngày càng hiếu chiến và cứng đầu ở Tel Aviv cũng đang dần cạn kiệt...

Thách thức với đương kim tổng thống 82 tuổi càng gia tăng trong bối cảnh các cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ cho năm 2024 đang nóng lên, với việc các nhà lãnh đạo người Mỹ theo đạo Hồi ở một số bang quan trọng đã cam kết sẽ tập hợp cộng đồng của họ chống lại nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden do ông kiên định ủng hộ cuộc chiến của Israel ở Gaza. Phản ứng trước việc tổng thống từ chối kêu gọi Israel ngừng bắn, các nghị sĩ theo đạo Hồi ở một số bang như Michigan, Arizona, Wisconsin, Pennsylvania và Florida đã phát động chiến dịch mang tên “Từ bỏ Biden 2024” (#AbandonBiden).

Về phần mình, với tư cách là thể chế quốc tế đóng vai trò quan trọng trong tất cả các vấn đề quan trọng toàn cầu, Liên hợp quốc (LHQ) hiện cũng đang bị đặt nghi vấn về tính chính đáng và hiệu quả của mình.

Israel đã gây tranh cãi khi lên tiếng yêu cầu Tổng thư ký LHQ António Guterres từ chức sau khi ông tuyên bố cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10 “không phải là vô cớ”, gây ra phản ứng dữ dội từ Israel. Nhưng, bất kỳ câu hỏi nào dành cho các nhà lãnh đạo EU về việc liệu ông Guterres có đúng khi đề cập đến cách đối xử với người Palestine trong những năm trước khi xảy ra cuộc tấn công của Hamas hay không có khả năng sẽ gây ra những rạn nứt lớn trên khắp châu Âu.

Theo Richard Black, đại diện của Viện Schiller tại LHQ ở New York, LHQ cần cải tổ để ngăn chặn Chiến tranh thế giới thứ ba. Ông nhấn mạnh: “Hoạt động của một cơ quan quốc tế không hoàn hảo như LHQ phải được thay đổi và đó là điều chúng tôi hy vọng được thấy”.

Theo chuyên gia, việc tạo ra “đa số mới” tại LHQ, tập hợp các quốc gia lớn không có đại diện, sẽ cho phép cải thiện hoạt động của LHQ và ngăn chặn Chiến tranh thế giới thứ ba. Ông nhấn mạnh: “Tên của hòa bình, bản chất của hòa bình là phát triển kinh tế. Không có hiệp ước chính trị nào tồn tại lâu dài, không có thỏa thuận nào có hiệu lực trừ khi có sự phát triển kinh tế chung giữa các quốc gia khác nhau”.

10-3.jpg -0
Một nền “hòa bình kinh tế” cho Israel và Palestine liệu có thể được thiết lập trong năm 2024?

Những kịch bản kinh tế, nhân đạo tồi tệ

Sau đại dịch COVID-19, các sự kiện tiêu cực trên toàn cầu - đầu tiên là ở Ukraine và sau đó là ở Trung Đông dường như đã tạo ra tâm lý bi quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Xung đột Israel-Hamas có thể sẽ khiến giá năng lượng tăng đột biến, làm gia tăng thêm áp lực lạm phát vốn đã leo thang bởi COVID-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine, và nó có thể dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu. Các nhà kinh tế của Bloomberg dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống 1,7% và trong trường hợp xấu nhất, có thể kéo theo một cuộc suy thoái khác.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích có uy tín của Phố Wall đã đưa ra lập luận trái ngược rằng các thị trường đang đón nhận cuộc chiến Israel-Hamas một cách không mấy tiêu cực và có một số người lạc quan rằng nó sẽ không lan sang khu vực rộng lớn hơn. Có lẽ, sự lạc quan này xuất phát từ cách mà cuộc chiến tranh Nga-Ukraine tránh được những hậu quả kinh tế tồi tệ nhất chỉ vì các quốc gia đối đầu nhau đã chọn cách giảm thiểu thiệt hại bằng cách để dầu của Nga đi vào thị trường thông qua cửa sau. Chắc chắn đã có một phản ứng dữ dội về kinh tế do lạm phát và lãi suất ngày càng tăng, nhưng kịch bản xấu nhất đã tránh được.

Tuy nhiên, nếu Israel tiếp tục hành động mạnh mẽ, làm khoét sâu thêm mối quan hệ bên miệng hố chiến tranh giữa các cường quốc phương Tây và trục Iran-Nga-Trung, người ta có thể chứng kiến một đợt lạm phát và lãi suất tăng đột biến khác trên toàn cầu.

Người ta đã hy vọng rằng một chu kỳ tương tự có thể diễn ra trong cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Hamas. Đúng là giới tinh hoa kinh doanh-chính trị đầy quyền lực ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Iran và Israel đang đầu tư rất nhiều vào các tài sản tài chính toàn cầu và bản năng của họ là giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Nhưng, Tổng thống Biden dù cố gắng lạc quan đến mấy cũng đã nhận xét rằng bất kỳ phản ứng nào có đặc điểm là giận dữ và mang tính báo thù đều có thể làm đảo lộn những tính toán hợp lý đó.

Các thị trường cũng nhận thức rõ về điều này: Mọi thứ có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát trong một cuộc chiến ngày càng trở thành một phần của sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Những “tai nạn” như vậy đã từng xảy ra trong lịch sử. Do đó, sự lo lắng liên tục đã thể hiện trong các diễn biến của cổ phiếu, trái phiếu, dầu thô và vàng, tất cả đều có thể có tác động sâu sắc đến nền kinh tế thực.

Tính đến cuối năm 2023, đã có hàng trăm ngàn người Ukraine thiệt mạng sau gần 2 năm xung đột với các lực lượng Nga. Con số này cũng thảm khốc ở Gaza, với hơn 15.000 người thương vong chỉ trong vòng 2 tháng kể từ ngày 7/10 đen tối. Thiệt hại về người trong cuộc chiến Israel-Hamas thật khủng khiếp. Sự mất mát về nhân mạng và những chấn thương, những đống đổ nát sẽ định hình cả một thế hệ mai sau. Theo ước tính của Tổ chức Tư vấn RAND, chiến dịch bạo lực khiến Israel mất khoảng 400 tỷ USD từ các hoạt động kinh tế trong thập kỷ tới - đe dọa đến tương lai kinh tế của Israel. Đối với người Palestine, cái giá phải trả có thể lớn đến mức làm suy yếu khả năng thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

10-4.jpg -0
Các thể chế quốc tế quan trọng cần cải tổ để giải quyết hiệu quả hơn các cuộc khủng hoảng?

Những tia hy vọng

Nghịch lý thay, mức độ nghiêm trọng của những tổn thất kinh tế này có thể tạo ra một con đường mới hướng tới hòa bình một khi giao tranh chấm dứt. Cuộc tranh luận về giải pháp hai nhà nước từ lâu đã bị chi phối bởi các quan điểm trái ngược nhau về chủ quyền của Palestine, dẫn đến bế tắc chính trị. Thực tế của cuộc chiến này là cả hai nhóm sẽ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để phục hồi. Điều đó có thể đảm bảo một nền hòa bình dựa trên nhu cầu chung về một tương lai kinh tế thịnh vượng. Nói tóm lại, lợi ích kinh tế của hòa bình có thể tạo thành cơ sở lý luận chung cho một giải pháp chính trị lâu dài.

Cốt lõi của một “nền hòa bình kinh tế” như vậy vẫn là sự công nhận của các nước láng giềng đối với Israel và việc thành lập một nhà nước Palestine.

Sự công nhận quốc tế đầy đủ sẽ mang lại cho Israel cơ hội kinh tế để đảm bảo tăng trưởng trong những năm tới. Phân tích của RAND về Hiệp định Abraham năm 2020 nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel với Bahrain, Morocco, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và các quốc gia khác, đã tìm thấy “cổ tức hòa bình” có thể tạo ra hàng tỷ USD trong hoạt động kinh tế cho Israel.

10-6.jpg -0
Mối quan hệ Israel-Palestine có lẽ là vấn đề gây chia rẽ nhất trên thế giới.

Tổng thống Biden gần đây đã tuyên bố việc thành lập nhà nước Palestine “thực sự” là một điểm cuối cần thiết. Việc thành lập một nhà nước sẽ tạo ra con đường xây dựng lại nền kinh tế Palestine.

Mặc dù không được đảm bảo, nhưng nền “hòa bình kinh tế” được tìm kiếm từ lâu sau đống đổ nát của cuộc chiến này là có thể thực hiện được. Mỹ dường như sẵn sàng cam kết thực hiện một dự án như vậy. Những thành công của Hiệp định Abraham cho thấy các nhà lãnh đạo khu vực cũng sẽ ủng hộ. Nhưng, ngay cả khi cộng đồng quốc tế cung cấp nền tảng thì cũng cần có tầm nhìn, khả năng lãnh đạo và lòng dũng cảm, sự quyết tâm của cộng đồng Israel và Palestine để biến thảm họa này thành cơ hội hòa bình.

Tương tự, người ta vẫn đang trông đợi những nỗi đau kinh tế sẽ làm chùn bước Tổng thống Nga Putin trong cuộc chiến với Ukraine. Vào tháng 3/2024, cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức ở Nga và Ukraine. Phải có rất nhiều trí tưởng tượng mới có thể nghĩ ông Vladimir Putin sẽ thất bại trong các cuộc bầu cử được tổ chức chỉ vì một lý do duy nhất là ông ấy sẽ chiến thắng. Nhưng, ông Putin có mọi lý do để lo lắng rằng trong trường hợp “sẩy chân” hoặc một cuộc xung đột khác gây bất lợi cho ông, ông sẽ vấp phải sự phản đối không chỉ từ một số ít những người theo chủ nghĩa tự do còn sót lại trong nước mà còn từ một số người theo chủ nghĩa dân tộc được huy động và đáng tin cậy.

Các cuộc bầu cử ở Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến những lựa chọn chiến lược mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra vào năm 2024. Đối với ông Zelensky, tiến hành bầu cử trong thời kỳ chiến tranh với phần lớn dân số bị lưu vong hoặc di tản trong nước sẽ là một thách thức lớn về mặt hậu cần. Tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng sẽ có tầm quan trọng hàng đầu trong việc củng cố hình ảnh của Ukraine.

Trong khi đó, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2024 cũng đang làm dấy lên nhiều câu hỏi như là liệu Mỹ có bỏ rơi Ukraine và liệu điều gì sẽ xảy ra nếu như trong ngắn hạn, Mỹ không bảo đảm được viện trợ cho Ukraine, nhất là khi ông Donald Trump, một nhân vật có cái nhìn thiện cảm với nước Nga, tái đắc cử tổng thống vào năm 2024?

Thông thường, người ta vẫn hay cho là chiến tranh sẽ phải kết thúc bằng đàm phán, nhưng nó cũng có thể kết thúc hoặc đóng băng ở các thùng phiếu. Lịch sử đã chứng minh đây từng là điểm bắt đầu cho kết thúc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, cũng là nơi kết thúc cuộc chiến tranh của Pháp ở Algeria và chính với thất bại của ông Slobodan Milosevic tại thùng phiếu năm 2000, các cuộc chiến ở Nam Tư cũ mới thực sự kết thúc.

Nguồn: cand.com.vn


Các tin khác