Châu Âu hiện không đủ khả năng bay vào không gian một cách độc lập. Dự án Ariane 6, với việc bị trì hoãn 4 năm, sẽ không thể phóng trước năm 2024, và nó vẫn chưa sẵn sàng để thay thế Ariane 5, vốn đã thực hiện sứ mệnh cuối cùng vào tháng 7/2023.
Vega C, phiên bản mới của tên lửa Vega cỡ nhỏ của Italy, cũng chưa sẵn sàng cho đến cuối năm sau, kể từ thất bại trong lần phóng thương mại đầu tiên vào cuối năm 2022. Và cũng không thể trông chờ gì vào tên lửa Soyuz, kể từ khi châu Âu dừng hợp tác với Nga vì cuộc chiến Ukraine.
Xem xét lại chiến lược
Thực trạng này đòi hỏi châu Âu phải xem xét lại một cách toàn diện về mặt chiến lược trong lĩnh vực vận tải không gian. Trước mắt, trong ngắn hạn cần thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo Ariane 6 có thể thành công thông qua việc thống nhất về các điều khoản khai thác. Điều này đã gây ra sự căng thẳng trong vài tuần giữa 13 trong tổng số 22 quốc gia tham gia vào chương trình này, và ArianeGroup, công ty chịu trách nhiệm vận hành Ariane 6 cùng với các nhà thầu phụ của họ.
Trên thực tế, ngành công nghiệp này đang đòi hỏi xem xét lại việc hỗ trợ từ nguồn ngân sách công để cân bằng hoạt động khai thác tên lửa mới. Rõ ràng cần có một khoản hỗ trợ tài chính đáng kể hàng năm để không bị lỗ trên thị trường thương mại và ArianeGroup yêu cầu được cấp 350 triệu euro/năm, cao hơn gấp đôi số tiền được cấp năm 2021.
Khi Dự án Ariane 6 bắt đầu vào năm 2014, ESA và Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (đơn vị được ESA ủy quyền chịu trách nhiệm về tên lửa Ariane), đã đồng ý để chuyển trách nhiệm thiết kế và xây dựng tên lửa này cho ArianeGroup, một công ty mới được thành lập bởi Airbus và Safran. Theo thỏa thuận, 2 tập đoàn này cam kết sẽ không yêu cầu hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách công cho việc khai thác tên lửa. Nhưng theo Toni Tolker-Nielsen, Giám đốc vận tải vũ trụ của ESA, “các nhà công nghiệp đã không tuân thủ cam kết này và đã yêu cầu sự hỗ trợ tài chính công từ năm 2021”.
Yêu cầu này được chấp nhận do có sự thay đổi sâu rộng trên thị trường từ năm 2014, với sự phát triển mạnh mẽ của SpaceX, công ty đã tạo ra sự đột phá về giá với tên lửa đẩy Falcon 9 và sự xuất hiện của các chòm sao Internet băng thông rộng, ngoài ra là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Giám đốc vận tải vũ trụ của ESA cho biết: “Năm 2021, chúng tôi đã đánh giá nhu cầu của Ariane 6 là 140 triệu euro/năm để đảm bảo tần suất phóng 9 tên lửa/năm”. Khoản tiền này hỗ trợ cho 16 lần phóng đầu tiên của Ariene 6.
Nguyên tắc hoàn trả
Trong thời gian qua, các nhà sản xuất phải đối mặt với tình trạng lạm phát trở lại, sự tăng giá năng lượng và sự đội giá do dự án Ariane 6 chậm tiến độ. Toni Tolker-Nielsen cho biết: “Vì không thể đẩy toàn bộ phần lạm phát sang khách hàng thương mại nên dự án đành phải kêu gọi các quốc gia giải cứu”. Tuy nhiên, 13 quốc gia không muốn cam kết tài chính mà không có sự kiểm soát, đặc biệt là Pháp và Đức, 2 nước đóng góp nhiều nhất cho chương trình Ariane 6, và ngành công nghiệp của những nước này cũng thu về lợi ích lớn nhất. Theo ESA, “ngành công nghiệp của 2 nước này chia sẻ lần lượt 50% và 20% lợi nhuận của Ariane 6. Không có khoản trợ cấp mới nào mà không đi kèm với các điều kiện. Đó là nguyên tắc trao đổi cùng có lợi”.
ESA yêu cầu cố gắng giảm chi phí công nghiệp và theo một số nguồn tin, ArianeGroup đã chấp nhận “giảm chi phí ở mức 2 con số”. Các cuộc đàm phán diễn ra khó khăn hơn với 600 nhà thầu phụ châu Âu. Những nhà thầu này được bảo vệ bởi Nguyên tắc hoàn trả theo địa lý, theo đó mỗi quốc gia đóng góp cho chương trình sẽ nhận được khối lượng công việc tương ứng với cam kết tài chính của họ. Điều này mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất, mà ArianeGroup không có quyền chọn nhà thầu phụ hoặc đàm phán về giá cả. Toni Tolker-Nielsen nhấn mạnh: “Việc tăng giá của một số nhà cung cấp là không hợp lý. Họ phải nỗ lực thích ứng với quy mô của họ”.
ESA cũng đòi hỏi một hệ thống quản trị mới, cho phép họ có quyền theo dõi và kiểm toán đối với Ariane 6. Điều này nhằm đảm bảo rằng tất cả các nhà sản xuất đều tuân thủ chính sách giá hợp lý. Ngoài ra, phải đảm bảo rằng Ariane 6 không được bán với giá quá thấp trên thị trường thương mại, làm tổn hại lợi ích của các khách hàng thuộc các tổ chức, thể chế nhà nước.
ESA, Ủy ban châu Âu, Eumetsat là các cơ quan quản lý các vệ tinh thời tiết, và các quốc gia đã chấp nhận trả giá cao hơn so với các nhà khai thác vệ tinh thương mại. Châu Âu áp dụng logic tương tự như NASA và Lầu Năm Góc, thường trả giá cao gấp đôi cho các lần phóng tên lửa, nhằm làm cho công ty SpaceX có ưu thế tuyệt đối trong cạnh tranh trên thị trường thương mại. Trên thực tế, SpaceX được hỗ trợ thông qua việc tiếp nhận các đơn đặt hàng từ phía Chính phủ Mỹ với quy mô lớn và giá trị cao hơn so với giá thông thường. Thị trường không gian từ phía chính phủ và các tổ chức ở Mỹ lớn hơn 5 lần so với thị trường châu Âu.
Giá cả và sự cạnh tranh
Tuy nhiên, theo Toni Tolker-Nielsen, tại Lục địa già, “Giá cho khách hàng thuộc các tổ chức được xác định vào năm 2021 và nó không tăng từ đó đến nay dù lạm phát tăng đáng kể, bao gồm cả chi phí phóng”. Nhưng nếu mức giá dành cho các khách hàng tổ chức tăng hơn nữa, họ sẽ có xu hướng chuyển sang sử dụng tên lửa của Mỹ, Ấn Độ hoặc Nhật Bản. Trong trường hợp không có đạo luật tương tự như Đạo luật Mua hàng Mỹ (Buy American Act) - một luật liên bang của mỹ có hiệu lực từ năm 1933 - các nước châu Âu sẽ không có nghĩa vụ phải mua Ariane 6 mà chính họ là nước tài trợ. Một tình huống hết sức éo le! Trên thực tế, Berlin chưa bao giờ ngần ngại để làm như vậy. Tháng 4/2021, Đức đã mua một vệ tinh quan sát của SpaceX, điều này gây thiệt hại cho Ariane 5.
ESA hy vọng đạt được thỏa thuận trong việc khai thác dự án Ariane 6 (tài trợ, hạ giá, quản trị mới), khi mà những tranh cãi xung quanh dự án này đặt ra vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết trong việc xây dựng lại chiến lược vận tải không gian châu Âu. Đức hiện đang muốn vượt mặt Pháp để đảm nhận vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực tên lửa đẩy hạng nặng, và cho rằng đây là cơ hội để thúc đẩy sự cạnh tranh nội khối trên thị trường này. Theo nhiều chuyên gia, điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh có lợi cho sự đổi mới.
Vào giữa năm 2021, Paris đã đồng ý với Berlin tiến hành cạnh tranh trong lĩnh vực các tên lửa nhỏ và siêu nhỏ. ArianeGroup đã phản ứng ngay lập tức bằng việc thành lập một đơn vị mới có tên là MaiaSpace, hoạt động theo mô hình khởi nghiệp (start up), với nhiệm vụ phát triển tên lửa nhỏ, sẵn sàng phóng vào năm 2025. Đây là bước khởi đầu cho một dòng tên lửa mới.
Theo một nhân vật thân cận với ArianeGroup, “Pháp không ngại cạnh tranh, bởi vì họ đã có hàng thập kỷ nghiên cứu chuyên sâu đối với ngành công nghiệp phức tạp và rủi ro cao này. Nhưng điều này phải đi kèm với một điều kiện: Sự tự do hoàn toàn trong ngành công nghiệp này, điều mà không phải lúc nào cũng xảy ra, như trường hợp Ariane 6 với những khó khăn đến từ việc duy trì Nguyên tắc hoàn trả địa lý”.
Tại Đức, với việc lặp đi lặp lại rằng nhà sản xuất truyền thống không giữ cam kết về giá và thời hạn, Berlin kỳ vọng Isar Aerospace hoặc RFA sẽ đảm nhận vai trò dẫn đầu. Các công ty của Đức mới gia nhập thị trường tên lửa đang phát triển các tên lửa loại nhỏ, dự kiến sẽ tạo ra loại tên lửa đẩy ngày càng mạnh hơn.
Trong cuộc chiến này, Đức có sự yểm trợ của Italy. Theo một nguồn đáng tin cậy, Avio - hãng sản xuất tên lửa Vega - đã rất không hài lòng đối với sự ra đời của MaiaSpace. Một nhân vật thân cận với tập đoàn Italy cho biết: “Người ta đã đưa ra một quyết định chống lại Italy, nhằm loại bỏ tên lửa Vega”. Tập đoàn này đang phát triển Vega E, một phiên bản mạnh hơn 20% so với Vega C, dự kiến thực hiện phóng lần đầu vào năm 2026. Đây sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với 1 trong 2 phiên bản của Ariane 6. Điều này thúc đẩy Italy giành lại sự tự chủ về thương mại. Do đó, theo tiết lộ của tạp chí La Tribune, Italy sẽ không còn sử dụng dịch vụ của Arianespace, công ty chuyên thương mại hóa tên lửa châu Âu. Nhằm xoa dịu và lôi kéo Avio vào các hoạt động hợp tác trong tương lai, tập đoàn này đã được mời trở thành cổ đông của MaiaSpace. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị từ chối.
Về phần ESA, cơ quan này quyết định xem xét lại vai trò của chính họ. Theo Philippe Baptise, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp, sự chậm trễ và khó khăn của Ariane 6 “cho thấy các tên lửa đẩy trong tương lai sẽ phải được phát triển theo một khuôn khổ hoàn toàn khác với hiện tại”.
Có ý kiến cho rằng, lĩnh vực tên lửa đẩy nên được coi là một lĩnh vực thuộc quyền chủ quyền quốc gia và nên được điều phối chung bởi Ủy ban châu Âu thay vì ESA. Liên minh châu Âu đã trang bị cơ sở hạ tầng chiến lược của mình với hệ thống vệ tinh Galileo (dẫn đường và định vị) để tránh lệ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ, vào Copernicus - chương trình dẫn đầu thế giới về quan sát Trái đất - và trong tương lai là dự án Chòm sao Iris2.
Bên bờ của sự sụp đổ, ngành tên lửa đẩy của châu Âu buộc phải khẩn trương điều chỉnh lại toàn bộ. Cần phải tạo ra một cơ cấu quản trị hiệu quả mới và chấm dứt nguyên tắc Hoàn trả theo địa lý, một nguyên tắc làm suy yếu sự cạnh tranh và tiến độ vận hành của ngành công nghiệp này, mà không tính đến các khả năng thực tế. Hệ thống này đã hoàn toàn kiệt quệ. Chính những thành công của SpaceX đã tạo nên làn sóng chấn động này.
Nguồn: cand.com.vn