CÔNG AN BẠC LIÊU
Lối thoát căn bản để giải quyết vòng xoáy xung đột Israel - Hamas
Cập nhật ngày: 22-11-2023, lượt xem: 55
Cộng đồng quốc tế nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu hiện nay cho khu vực Dải Gaza là ngăn chặn tình hình trở nên xấu đi, đặc biệt là không để xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng hơn. Các nước xác định, “giải pháp hai nhà nước” là lối thoát căn bản để giải quyết vòng xoáy xung đột Israel-Hamas.

Trong những ngày qua, tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy hòa bình và nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho người dân tại Dải Gaza, Liên hợp quốc (LHQ) và cộng đồng quốc tế không ngừng hối thúc thực hiện một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và tăng viện trợ cho khu vực này. Trong cuộc họp của Đại hội đồng LHQ hôm 20/11 (giờ địa phương), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cùng đại diện các nước nêu rõ, tình hình nhân đạo ở Gaza rất thảm khốc và ngày càng tồi tệ.

Lối thoát căn bản để giải quyết vòng xoáy xung đột Israel - Hamas -0
Đoàn xe tải chở hàng viện trợ di chuyển từ Ai Cập qua cửa khẩu Rafah vào Dải Gaza.

Đại diện của Iceland tại LHQ Fergal Mythen nhấn mạnh: “Một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức là điều cần thiết và chúng tôi lặp lại lời kêu gọi này, cùng với việc tăng cường tiếp cận và cung cấp nhân đạo một cách khẩn cấp và đáng kể, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu, nước và vật tư y tế”.

Cùng chung quan điểm này, Đại diện của Hà Lan tại LHQ Tahzib-Lie cũng khẳng định: “Tình hình nhân đạo ở Gaza thực sự đáng báo động. Các dịch vụ thiết yếu gần như sụp đổ với những hậu quả không thể tưởng tượng được đối với hơn 2 triệu dân thường. Cho đến thời điểm này, việc tiếp cận nhân đạo vẫn không được đảm bảo an toàn, bị hạn chế nghiêm trọng. Viện trợ được đưa vào Gaza mới chỉ là một phần nhỏ những gì cần thiết. Cần phải tăng quy mô viện trợ ngay lập tức và trên diện rộng”.

Các thành viên của Hội đồng Bảo an còn kêu gọi cơ quan này và Đại hội đồng LHQ “cần ưu tiên tuyệt đối và cấp bách để ngăn chặn bạo lực tiếp tục  nhằm vào dân thường và ngăn chặn việc phá hủy cơ sở hạ tầng trên diện rộng” đồng thời “cũng phải nỗ lực hết mình để tránh một thảm họa lan tỏa trong khu vực có khả năng gây ra hậu quả ngoài sức tưởng tượng”.

Cùng ngày, khi được hỏi về triển vọng tình hình sau xung đột tại Gaza, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh, quan trọng là có thể biến thảm kịch này thành cơ hội cho một giải pháp dài hạn: “Để làm được như vậy, điều thiết yếu là sau xung đột, chúng ta đi theo một con đường kiên quyết và không thể đảo ngược, hướng tới giải pháp hai nhà nước”. Ông cho rằng, các bên liên quan cần phối hợp để tạo điều kiện cho một quá trình chuyển tiếp, trong đó có một Chính quyền Palestine (PA) được củng cố vững mạnh để đảm đương trách nhiệm quản lý Gaza và trên cơ sở đó, sẽ hướng đến một giải pháp hai nhà nước dựa trên các nguyên tắc đã được cộng đồng quốc tế thiết lập.

Chia sẻ quan điểm này, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Josep Borrell khẳng định, việc thành lập một Nhà nước Palestine sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh cho Israel. Quan chức này cho biết ông đã rút ra “một kết luận chính trị căn bản” sau các cuộc thảo luận trong khu vực, đó là: “Sự đảm bảo tốt nhất cho an ninh của Israel là việc thành lập một Nhà nước Palestine”. Theo ông, Israel không nên chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc và cần chuyển giao quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này cho Chính quyền Palestine.

Ông khẳng định: “Dù có nhiều thách thức lớn, chúng ta phải hướng đến sự ổn định của Gaza và tương lai Nhà nước Palestine”. Quan chức cấp cao của EU cũng nêu bật sự cần thiết phải giải quyết cấp bách tình hình nhân đạo đáng lo ngại hiện nay tại Gaza. Theo ông, nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức là một bước đi lớn, nhưng “chúng ta phải đảm bảo văn kiện này được thực thi nhanh chóng”.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Reuters ngày 21/11 dẫn lời Thủ lĩnh Phong trào Hamas là ông Ismail Haniyeh cho biết nhóm này đã gần đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Israel, ngay cả khi Dải Gaza vẫn tiếp tục bị tấn công và tên lửa vẫn lao vào Israel, và họ đã đưa ra câu trả lời cho các nhà hòa giải Qatar. Tuy nhiên, không có thêm thông tin chi tiết về các điều khoản của thỏa thuận có thể đạt được giữa Hamas và Israel. Trước đó, ngày 20/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ tin tưởng sắp có một thỏa thuận giữa Hamas và Israel.

Nói về thỏa thuận thả một số con tin bị giữ ở Gaza và tạm dừng giao tranh để cho phép viện trợ vào khu vực Gaza, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết: “Chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết”. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) Mirjana Spoljaric đã có cuộc gặp với ông Ismael Haniyeh ở Qatar để bàn về các vấn đề nhân đạo liên quan đến cuộc xung đột. Bà cũng đã gặp riêng chính quyền Qatar. ICRC cho biết đây không phải là một phần của các cuộc đàm phán nhằm giải phóng con tin, nhưng với tư cách là một bên trung gian trung lập, ICRC sẵn sàng hỗ trợ cho quá trình đàm phán thả con tin trong tương lai mà các bên đồng ý.

Thông tin các bên sắp đạt thỏa thuận thả con tin đã gây xôn xao trong nhiều ngày qua. Tuần trước, Reuters đưa tin rằng, các nhà hòa giải Qatar đang tìm kiếm một thỏa thuận mà theo đó, Hamas và Israel trao đổi 50 con tin để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày nhằm đưa các chuyến hàng viện trợ khẩn cấp đến dân thường Gaza. Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Herzog nói rằng, ông hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận trong những ngày tới, trong khi Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman al-Thani nói rằng những điểm vướng mắc còn lại là “rất nhỏ”.

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác