Ý nghĩa chiến lược của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung
Cập nhật ngày: 17-11-2023
 
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/11 đã có cuộc gặp kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ ở San Francisco, bang California, nơi đang diễn ra tuần lễ cấp cao APEC, thảo luận và đạt được tiến triển trong một số vấn đề.
 

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sau khoảng một năm, trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Tổng thống Biden đánh giá hai bên đã có một trong những cuộc thảo luận mang tính xây dựng và hiệu quả nhất từ trước tới nay.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Trên cơ sở các hoạt động ngoại giao cấp cao giữa hai nước nhiều tháng qua, hôm nay chúng ta đã đạt được một số tiến triển quan trọng. Thứ nhất, tôi rất vui khi thông báo rằng sau nhiều năm gián đoạn, hai nước đã nối lại hợp tác trong chống ma túy. Thứ hai và đây là điều quan trọng, liên lạc trực tiếp giữa quân đội hai nước sẽ được nối lại. Thứ ba, các chuyên gia của hai nước sẽ thảo luận những vấn đề về rủi ro và an toàn liên quan tới trí thông minh nhân tạo. Mỹ sẽ tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc nhưng chúng tôi sẽ quản lý một cách có trách nhiệm để cạnh tranh không biến thành xung đột".

Ý nghĩa chiến lược của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung -0
Cuộc gặp "mang tính xây dựng và hiệu quả" giữa lãnh đạo Mỹ-Trung tại San Francisco. Ảnh Getty Images

Theo Tổng thống Biden, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về một loạt các vấn đề khu vực và toàn cầu bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza. Tổng thống Biden cho biết ông hoan nghênh các bước tích cực tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc và trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục theo đuổi ngoại giao cấp cao nhằm duy trì mở các kênh liên lạc bao gồm cả giữa lãnh đạo hai nước.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc hy vọng hai nước có thể là đối tác tôn trọng lẫn nhau và cùng tồn tại hòa bình. Ông kêu gọi hai nước cùng nhau giải quyết những bất đồng một cách hiệu quả, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Chủ tịch Trung Quốc nêu rõ hai nước có lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, thương mại và nông nghiệp, cũng như các lĩnh vực mới nổi như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo. Theo ông, điều quan trọng là phải tận dụng tối đa các cơ chế trong chính sách đối ngoại, kinh tế, tài chính, thương mại, nông nghiệp và các lĩnh vực khác, đồng thời thực hiện hợp tác trong các lĩnh vực như chống tội phạm ma túy, tư pháp và thực thi pháp luật, trí tuệ nhân tạo, khoa học và công nghệ.

"Tôi vẫn giữ quan điểm rằng cạnh tranh giữa các nước lớn không phải là xu hướng phổ biến hiện nay và không thể giải quyết được các vấn đề mà Trung Quốc, Mỹ hay thế giới nói chung đang phải đối mặt. Trái đất đủ lớn để hai nước thành công. Và thành công của nước này là cơ hội cho nước kia", Chủ tịch Trung Quốc khẳng định.

Trong một thông báo ngày 15/11, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp "thực chất và mang tính xây dựng về một loạt các vấn đề song phương và toàn cầu, cũng như trao đổi quan điểm về các lĩnh vực khác biệt". Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tại cuộc gặp kéo dài 4 tiếng, nguyên thủ Trung - Mỹ đã có "cuộc trò chuyện rất tốt, rất toàn diện và sâu sắc". Ông khẳng định, đây là cuộc gặp thượng đỉnh "có ý nghĩa chiến lược và ảnh hưởng sâu xa".

Ông Vương Nghị cũng cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh đã gặt hái thành quả trên nhiều mặt. Hai bên đã đạt được hơn 20 đồng thuận trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giao lưu nhân dân và văn hóa, quản trị toàn cầu và an ninh quân sự...

Một số ý kiến trái chiều đã xuất hiện sau cuộc gặp của hai vị lãnh đạo, trong đó có nhận định về thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quân sự. Trong khi một số người cho rằng đây là việc cần thiết thì những ý kiến khác nhận định Washington đang từ bỏ lợi thế của mình. Christopher Alexander, Giám đốc phân tích tại Nhóm Phát triển Tiên phong đã đặt nghi vấn về nhu cầu cần tiến hành thỏa thuận này, đồng thời chỉ ra rằng Mỹ sẽ từ bỏ lợi thế chiến lược mà hiện nay nước này đang nắm giữ.

"Đây là một quyết định tồi tệ. Trung Quốc đi sau Mỹ về công nghệ trí tuệ nhân tạo. Vì thế, việc tiến hành thỏa thuận trên đồng nghĩa với việc chính quyền Tổng thống Biden từ bỏ lợi thế chiến lược của mình", ông Alexander nói. Nhà bình luận Samuel Mangold-Lenett cũng hoài nghi liệu Trung Quốc có tôn trọng một thỏa thuận như vậy hay không, đồng thời chỉ ra việc thiếu tuân thủ của nước này trong Thỏa thuận Khí hậu Paris. Trong khi đó, Phil Siegel, người sáng lập Trung tâm CAPTRS nhận định rằng một thỏa thuận như vậy là cần thiết mặc dù ông nhận định các nước lớn như Nga cũng nên nằm trong thỏa thuận này.

"Tôi dự đoán họ sẽ tiến hành một thỏa thuận mà theo đó các vũ khí tự động do trí tuệ nhân tạo điều khiển trên chiến trường chỉ nên dành cho trinh thám chứ không phải chiến đấu, nếu không thì thế giới sẽ trở thành một nơi vô cùng nguy hiểm", ông Siegel nói. Cả Mỹ và Trung Quốc đều chạy đua để tích hợp việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào quân sự khi công nghệ này phát triển nhanh chóng, dọn đường cho những ứng dụng hữu ích trên chiến trường. Tuy nhiên, hai quốc gia dường như đều nhận ra mối nguy hiểm của việc cho phép sử dụng công nghệ này khi Washington và Bắc Kinh đều là nước ký thỏa thuận nhằm khuyến khích việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm trong quân sự vào đầu năm nay.

Nguồn: cand.com.vn